Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phát hành 22.090 tỷ trái phiếu để nhận nợ với BHXH
- Quốc hội xem xét dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến quy hoạch
- Bộ Công an gặp mặt các đại biểu Quốc hội CAND
- Quốc hội tiếp tục đổi mới và hành động vì lợi ích của nhân dân
Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Về vấn đề bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó: năm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỷ đồng. Đồng thời, tính lãi đối với khoản nợ này từ ngày 1-1-2016.
Về tác động của việc phát hành trái phiếu Chính phủ, theo báo cáo của Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ nêu trên không làm tăng bội chi Ngân sách nhà nước năm 2018, nợ công giai đoạn 2018-2020 tăng khoảng 0,4%GDP và vẫn bảo đảm an toàn nợ công giai đoạn 2018-2020. Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ chú trọng trong điều hành cân đối NSNN, phải kiên quyết bảo đảm tổng mức vay của Ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định hằng năm và trần nợ công trong giới hạn quy định theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ |
Các đại biểu chủ yếu tập trung thảo luận việc xử lý nghĩa vụ của ngân sách nhà nước (NSNN) đối với quỹ BHXH.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng số tiền 22.090 tỷ đồng không phải là của quỹ BHXH mà đây là nghĩa vụ của nhà nước. Chính phủ với tư cách người đại diện cho nhà nước là người sử dụng lao động và bình đẳng như những người khác thì phải chuyển trả cho người lao động. “Năm 1993, chúng ta đã tách Quỹ BHXH ra khỏi NSNN, đây là chủ trương rất đúng. Vì vậy quỹ BHXH xét 1 khía cạnh là giữ hộ tiền của người lao động chứ không phải là tiền của Quỹ BHXH”- đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng |
Đại biểu cho rằng, Luật BHXH 2006 đã quy định nghĩa vụ chuyển khoản tiền này, nhưng từ năm 2006-2014, trước khi có Luật BHXH năm 2014, Chính phủ không hề báo cáo Quốc hội, không hề báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tính toán khoản này. Đến năm 2015 mới có báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết xử lý, như vậy rất chậm, mấy nhiệm kỳ không hề đề cập.
“Theo tôi, phương án mà Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề ra Nghị quyết số 1083/2015 là tính 2 phương án rất kỹ lưỡng. Phương án thứ nhất là tính lãi tổng cộng 54.000 tỷ đồng, phương án 2 là 92.000 tỷ đồng. Tuy nhiên lấy lý do nhà nước bảo toàn cho quỹ BHXH không bị phá sản, chỉ chuyển phần gốc mà không chuyển lãi là không thuyết phục”- đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn.
Theo đại biểu Nhưỡng, ít nhất phải tính lãi từ năm 2006, khi Luật BHXH 2006 có hiệu lực. “Tôi đề nghị phải tính lãi như phương án 1 nêu trên. Tôi tán thành quan điểm của Ủy ban Tài chính ngân sách rằng không gây sức ép cho trần nợ công của Chính phủ, nhưng không thể thoái thác được nghĩa vụ của nhà nước đối với người lao động. Vì vậy, phải tính cả gốc và lãi từ 2006 đến nay”- đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng, đối với việc phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ cho quỹ bảo hiểm xã hội. Ông Hạ cũng đề nghị như ý kiến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, phải tính xem lãi của khoảng 22.000 tỷ này, nhẩm tính khoảng trên 50.000 tỷ. Để đảm bảo tính công bằng và tính nghiêm minh, Chính phủ nợ cũng phải tính theo công bằng như vậy đối với quỹ bảo hiểm.
Liên quan vấn đề bảo hiểm xã hội, về căn cứ tại sao không tính từ 2006- 2015? Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, một phần vì trong giai đoạn vừa qua ngân sách có khó khăn. "Nếu chúng ta vẫn bố trí cả thì vẫn được, nhưng chúng ta lại ưu tiên cho các mục tiêu khác, nhất là đầu tư, chi về an sinh xã hội, nên chúng ta ưu tiên cho lĩnh vực này, mà lại bỏ ngỏ chỗ này. Đó là một thực tế"- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng xin Quốc hội thống nhất việc nhận lãi từ ngày 1-1-2016 khi Nghị quyết 1083 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực. "Chúng ta phân chia lộ trình như vậy, trong dự toán 2017-2018 chúng ta chưa tính lãi khoản này, xin trái phiếu hóa 2019-2020, nếu có điều kiện chúng ta sẽ bố trí trả nợ luôn lãi. Nếu chúng ta vẫn ưu tiên cho đầu tư, cho làm lương, để khoản này lại thì nhập gốc để trái phiếu hóa. Chúng tôi xin phương án mở như vậy"- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.