Chính phủ đang nỗ lực để đảm bảo chất lượng các “siêu nghị định”

Chủ Nhật, 26/06/2016, 06:17
Trong khi Chính phủ đang gấp rút soạn thảo 50 nghị định quy định điều kiện kinh doanh với một khoảng thời gian cực kỳ ngắn để kịp ban hành trước ngày 1-7 tới, theo yêu cầu của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng dù vẫn “hơi đáng tiếc” và “kỳ vọng cắt giảm điều kiện kinh doanh mạnh mẽ” hơn nữa, thì vẫn có thể khá yên tâm về chất lượng các văn bản lần này.


Với khoảng thời gian làm việc quá ngắn, trong khi số lượng nghị định phải hoàn thành quá lớn, rất nhiều chuyên gia đã lo ngại về chất lượng các “siêu nghị định” quy định điều kiện kinh doanh được soạn thảo theo trình tự rút gọn này. Tuy nhiên, gần sát những ngày cuối cùng, ông Đậu Anh Tuấn cho biết khá yên tâm về chất lượng các văn bản.

Trước đó chỉ 1 tuần, tại một hội thảo do VCCI tổ chức về chủ đề này, chính ông Đậu Anh Tuấn còn rất lo lắng về các dự thảo nghị định “8 không” này: không đăng dự thảo trên mạng, không gửi lấy ý kiến doanh nghiệp (DN), không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết minh, không bản giải trình, tiếp thu ý kiến.

Tuy nhiên, tình thế đã đảo ngược khi trong một thời gian rất ngắn, VCCI đã “sản xuất” được một báo cáo rà soát 225 trang với hàng chục dự thảo của 13 Bộ, và Chính phủ đã dành ra tới 2,5 ngày làm việc liên tục, rà soát gần hết các nghị định.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, trong 311 kiến nghị mà VCCI gửi lên, thì có đến 75 kiến nghị đề nghị bỏ các điều kiện kinh doanh, 127 kiến nghị sửa đổi và nhiều kiến nghị khác. Phần lớn các kiến nghị này đều được các bộ ngành đồng ý, chấp thuận. Được biết, tại phiên làm việc của Chính phủ, các bộ, ngành phải giải trình từng điểm nhỏ một các kiến nghị mà VCCI và các luật sư (thông qua VCCI) nêu ra, với sự chủ trì của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tư pháp và lãnh đạo nhiều bộ ngành.

Trước đó, trong phiên họp của Chính phủ vào ngày 23-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, Chính phủ “kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”, cũng như không chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng văn bản.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Đến ngày 23-6, trong số các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực từ ngày 1-7, có 21 văn bản đã được ban hành và còn 30 văn bản phải ban hành (26 văn bản đã trình Chính phủ, còn 4 văn bản chưa trình). Trong số 50 nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, cũng có 49 văn bản đã trình.

Từ nay đến hết năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng phải ban hành thêm 37 văn bản quy định chi tiết thi hành 6 luật, cùng với 5 văn bản nợ đọng của 6 tháng đầu năm chuyển sang. 

Dù đòi hỏi về tiến độ công việc là vô cùng lớn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vẫn nhấn mạnh: Cho đến lúc ký ban hành các văn bản, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để rà soát kỹ các điều kiện tác động đến quyền và nghĩa vụ của người dân, DN, giảm thiểu những điều kiện đầu tư kinh doanh và giấy phép con bất hợp lý, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.

V. Hân
.
.
.