Chỉnh đốn ngay bốn vấn đề còn yếu trong phòng chống thiên tai

Thứ Ba, 18/04/2017, 08:11
Chiều 17-4, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới dự và chỉ đạo.


Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, trong năm 2016, thiên tai trên cả nước đã diễn biến vô cùng phức tạp, dồn dập từ đầu năm tới cuối năm. Đặc biệt, hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2016 mới chấm dứt.

Năm 2016, thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích, gần 5.500 ngôi nhà bị đổ, sập trôi, hơn 360.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, hơn 820.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 39.700 tỷ đồng. 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong năm 2017, có khoảng 3-4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Nền nhiệt trong cả năm 2017 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, đặc biệt ở phía Bắc. Lượng mưa trên cả 3 miền đều có xu hướng giảm và đến muộn, tại miền Bắc nhiều khả năng còn mất lũ tiểu mãn trên hệ thống sông Hồng, Lô, Thái Bình… 

Theo ông Cường, trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến khó lường thì công tác dự báo, cảnh báo còn nhiều hạn chế, các bản tin dự báo, cảnh báo chưa được cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu. Bộ máy phòng chống thiên tai tại các địa phương, bộ, ngành phần lớn là kiêm nhiệm, nên công tác tham mưu hỗ trợ chỉ đạo điều hành chưa đạt kết quả cao.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, công tác dự báo đã có nhiều tiến bộ, nhưng có dự báo thiếu chính xác, chưa kịp thời, đặc biệt còn yếu khâu cảnh báo sớm. 

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các tỉnh, TP, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn các cấp, lực lượng vũ trang đã lăn lộn, xả thân không ngại hiểm nguy, không để người dân nào đứt bữa, đói cơm. Thủ tướng cũng đánh giá cao nhiều mô hình như mô hình cải tạo cánh đồng sau thiên tai tại tỉnh Lào Cai... 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và yếu kém trong công tác phòng chống thiên tai: “Thuỷ-hoả-đạo-tặc, chúng ta phải coi việc lũ lụt, cháy nổ như là giặc, nhưng nhiều nơi chưa nhận thức vấn đề này tốt nên còn bệnh chủ quan trong chỉ đạo, điều hành”. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các cấp, các ngành chỉnh đốn ngay 4 vấn đề trọng tâm: “Thứ nhất, một số công trình thuỷ điện thiếu kiểm tra, thiếu giám sát từ lập quy hoạch, chưa quan tâm tác động thiên tai, làm gia tăng rủi ro thiên tai. Chúng ta biểu dương ngành giao thông rất nhiều, nhưng cũng còn công trình giao thông gây cản lũ, thiết kế cống quá nhỏ trong khi lưu lượng lớn. 

Thứ hai, hồ chứa nước bên cạnh phục vụ thuỷ lợi thì phải phục vụ cả chống hạn, không thể trả lời là xả đúng quy trình. Xây hồ chứa nước nhưng khi hạn hồ lại không có nước, vậy quy trình điều tiết là sai. Thứ ba, TP ngay cạnh biển nhưng không thoát được lũ ra biển, nhiều tỉnh mắc ở vấn đề này, lụt nhiều ngày không tiêu thoát được nước. Vậy quy hoạch có phải sai không, vì không tính đến đường thoát lũ. 

Chúng ta cần lưu ý trong xây dựng, quy hoạch TP. Quỹ phòng chống thiên tai do xã, phường thu thì nộp hết cho tỉnh, TP xong, xã lại đi xin, tạo cơ chế xin cho, sao không giao quyền chủ động hơn cho cấp xã. Thứ tư, về công tác dự báo, anh em rất nhiều cố gắng, nhân dân rất tin vào các đồng chí, đã có những thành công nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Mạng lưới trạm quan trắc còn thưa, chưa đáp ứng được yêu cầu dự báo, nhất là lượng mưa”.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải chuẩn bị tinh thần Việt Nam là một trong 5 nước bị tác động biến đổi khí hậu sâu sắc, nâng cao nhận thức tinh thần 4 tại chỗ, giáo dục ý thức cho người dân, cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị với phương châm lấy phòng ngừa là chính. “Không được để người dân khó khăn, thiếu đói, bệnh tật khi thiên tai xảy ra. Các đồng chí phải ưu tiên nguồn lực ứng dụng khoa học vào phòng chống thiên tai, xây dựng bản đồ số cho từng vùng miền, địa phương, quản lý rủi ro thiên tai qua các phần mềm...”, Thủ tướng chỉ đạo.

Ngọc Yến
.
.
.