Cần phải xử lý cả người quản lý nếu để xảy ra mất ATVSTP

Thứ Năm, 28/04/2016, 17:35
Cần phải có biện pháp chế tài xử lý cả cơ quan quản lý mới tạo nên một sự đổi thay theo hướng tích cực trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)...


Đó là một trong những đề xuất được đưa ra tại buổi Toạ đàm “Bán hàng ăn uống và giấy chứng nhận ATVSTP” được tổ chức tại Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh (34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình) trong ngày 28-4, với sự tham gia của các Chuyên gia đầu ngành thuộc sở Y tế, Sở NN&PTNT, Công thương, sở KH&ĐT…

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATTP - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn TP có khoảng 60.000 cơ sở sản xuất kinh doanh (SX-KD) thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trong đó xấp xỉ 50.000 cơ sở do các địa phương quản lý (quận huyện, phường, xã).

Tại toạ đàm, các đại biểu cũng đã đặt ra vấn đề, đặc biệt là chế tài, xử lý trong vi phạm ATTP, lâu nay chỉ xử lý người dân, cơ sở vi phạm còn người đứng đầu cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm thì chưa được xử lý. Điều này không công bằng. Do đó, cần phải có biện pháp chế tài xử lý cả cơ quan quản lý mới tạo nên một sự đổi thay theo hướng tích cực trong công tác quản lý ATVSTP.

Kinh doanh thức ăn đường phố không buộc phải có giấy chứng nhận ATTP… tuy nhiên nếu vi phạm các quy định về ATVSTP vẫn phải tiến hành xử phạt khi bị kiểm tra.

Cũng theo Luật sư Phạm Minh Tâm (Văn phòng luật sư Phạm Minh Tâm), nên đề xuất Quốc hội đưa biện pháp chế tài như trên vào luật để các cơ quan quản lý có trách nhiệm với người dân hơn về ATTP.

Ông Tâm cũng tỏ ý lo ngại: “Việc kiểm tra ATVSTP như hiện nay khó mà đảm bảo được, vì thực tế, mặc dù có nhiều ban ngành cùng làm việc, tại sao hiện nay, người dân đi ra chợ mua rau, không biết rau nào rau bẩn, rau nào rau sạch. Đến thực phẩm tươi sống như miếng thịt, con cá đều dính chất cấm hết, phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng này ?”.

Đồng thời, ông Tâm cũng nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trong một cuộc họp với ban ngành tuần qua về vấn đề ATVSTP rằng, một trong những nguyên nhân hàng đầu là không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất VSATTP tràn lan.

Tại toạ đàm, bà Kim Thoa, đại diện cho Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, nguồn rau cung cấp cho thành phố có 30% được sản xuất tại TP Hồ Chí Minh, 70% phải lấy từ các chợ và nhập khẩu từ Trung Quốc và 5 tỉnh chủ đạo gồm Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh.

Cơ quan chức năng giám sát mẫu lưu thực phẩm tại một cơ sở bếp ăn tập thể sau khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Nhưng trong nguồn rau lấy từ thành phố chiếm tới 95% là nguồn từ các hộ trồng rau đã đủ điều kiện trồng rau an toàn, hộ nông dân trồng rau đã được tổ chức đào tạo học và thi để cấp giấy chứng nhận chuyên môn sản xuất rau an toàn.

Tuy nhiên, bà Kim Thoa cũng thừa nhận, vừa qua, kiểm tra việc tồn dư thuốc BVTV trong rau muống nước, đã phát hiện 17 chủng loại rau có sâu hại. Hiện tại, Chi cục BVTV đang tập trung vào 26 chủng loại rau có nguy cơ cao, điều tra doanh số bán thuốc BVTV và điều tra các loại thuốc có nguy cơ vào thành phố.

Liên quan tới vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin chào ở Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh bị khởi tố vì kinh doanh không có giấy chứng nhận VSATTP, các đại biểu cũng đặt câu hỏi, vậy cần phổ biến cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm hiểu đúng về giấy chứng nhận VSTP; tầm quan trọng của việc cấp giấy này cũng như có phải là điều kiện bắt buộc hay không, nếu không có sẽ bị xử lý ra sao?
H.Nga
.
.
.