Xung quanh đề xuất xóa 26.500 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu hồi

Thứ Hai, 16/04/2018, 07:37
Trong dự thảo tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi, Bộ Tài chính đề nghị xóa 26,5 nghìn tỷ đồng nợ thuế. Nếu được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, việc xóa nợ sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 1-7-2018.


Số liệu công bố của Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 31-12-2017 tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do ngành thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 26.002 tỷ đồng. Tiền phạt và tiền chậm nộp là 15.674 tỷ đồng. 

Tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh không có khả năng thu hồi là 31.469 tỷ đồng (tiền thuế nợ gốc là 19.196 tỷ đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp là 12.273 tỷ đồng). Trong đó các khoản tiền thuế nợ đã quá 10 năm (trước 1-7-2007 Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành) là 7.500 tỷ đồng. 

Tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31-12-2017 do ngành Hải quan quản lý là 5.474 tỷ đồng, tăng 23,5% so với thời điểm 31-12-2016, trong đó: Tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.305 tỷ đồng; tiền thuế nợ chờ xử lý là 291,13 tỷ đồng; tiền thuế nợ không có khả năng thu là 3.878 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71% tổng nợ của toàn ngành Hải quan quản lý. 

Như vậy, tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31-12-2017 của các khoản nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan do cơ quan thuế và cơ quan Hải quan quản lý khoảng 35.347 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,75% tổng số thu thuế, phí, lệ phí năm 2017 và chiếm gần 44,9% tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến ngày 31-12-2017 là 78.619 tỷ đồng.

Xóa nợ khi không có đối tượng để thu và không có khả năng thu hồi.

Trước thực tế này, để giảm nợ “ảo” cho ngân sách, Bộ Tài chính đã đề nghị xóa nợ đối với một số khoản không có đối tượng để thu và không có khả năng thu hồi. 

Cụ thể, thứ nhất là xóa nợ tiền chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn chi từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán. Số tiền chậm nộp đề nghị xóa ước tính đến hết 2015 là hơn 500 tỷ đồng. 

Thứ hai, xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước năm 2018 của người nộp thuế gặp thiên hai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng. Mức xóa tiền chậm nộp thuế không vượt quá giá trị thiệt hại. Tổng số nợ Bộ Tài chính muốn xóa ước tính khoảng 1.700 tỷ đồng. 

Thứ ba, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể (trừ trường hợp giải thể để chia tách, sáp nhập, chuyển đổi), phá sản hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động trước năm 2017. 

Những đối tượng này không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Số tiền ước tính lên đến hơn 24 nghìn tỷ đồng (trong đó của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức khoảng hơn 22,2 nghìn tỷ đồng, còn của hộ - cá nhân kinh doanh là hơn 2 nghìn tỷ đồng).

Đề nghị này của Bộ Tài chính nhận được quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp. Trong đó không ít băn khăn nghi ngại về tính minh bạch, cũng như vấn đề lớn đặt ra là liệu việc xóa nợ thuế này có tạo tiền lệ xấu “khuyến khích” doanh nghiệp trốn nợ hoặc trục lợi? Bình luận về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng đây là thực tế cần phải đối mặt. Để hạn chế điều này, cần xây dựng các văn bản hướng dẫn nghị quyết chi tiết, cụ thể đối với từng trường hợp được xóa nợ thuế. Cùng với đó, tăng cường hoạt động kiểm tra chéo giữa các cơ quan chức năng như cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc thực hiện chính sách xóa nợ thuế nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch và công bằng. Ngoài ra, về lâu dài, Bộ Tài chính và Chính phủ nên nghiên cứu và ban hành những hướng dẫn để nâng cao độ minh bạch của hệ thống tài chính. Từ đó kiểm soát và không chỉ dễ dàng xác định các trường hợp đủ điều kiện xóa nợ thuế theo quy định mà còn dễ dàng thực hiện các chính sách, quy định khác.

Từ phía cơ quan đề xuất, Bộ Tài chính cho biết để đảm bảo chặt chẽ trong việc xóa nợ thuế, cơ quan này đã yêu cầu cơ quan quản lý thuế cần phối hợp với cơ quan Thanh tra, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính và các sở chuyên ngành tổ chức kiểm tra tình hình thực tế không còn khả năng nộp ngân sách của doanh nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng, tài sản công nợ; thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh và lập hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt. 

Bộ Tài chính đề nghị quy định chế tài trong 2 năm tiếp theo kể từ ngày xóa nợ thuế, chủ sở hữu, người sáng lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không được thành lập doanh nghiệp mới, không được kinh doanh, trừ trường hợp người nộp thuế thực hiện nộp đủ số thuế theo quyết định xóa nợ vào ngân sách nhà nước.

Lệ Thúy
.
.
.