Tăng tốc độ lưu thông trong khu vực đô thị:

Cần được giám sát chặt hơn để tránh tai nạn

Chủ Nhật, 24/01/2016, 07:56
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa kiên quyết chỉ đạo việc loại bỏ biển báo tốc độ từ 40km trở xuống để tạo thuận lợi cho người dân trong lưu thông. Cùng với đó, từ ngày 1-3-2016,  ôtô lưu thông trong khu vực đông dân cư, khu vực đô thị sẽ được tăng tốc độ tối đa thêm 10km/h so với quy định hiện hành.

Quy định mới này được các lái xe hồ hởi đón nhận. Tuy nhiên, cũng có người tỏ ra lo ngại, không biết liệu việc tăng tốc độ có thêm nguy cơ gây tai nạn giao thông?!

Tính đến thời điểm này, sau hơn một tuần Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo kiên quyết, đến nay, theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, tất cả biển hạn chế tốc độ dưới 40km/h đã được tháo bỏ.  Những biển trên đường dẫn lên cầu vượt và đường trên cao đã được thay bằng biển “Đi chậm”. Ông Tân cũng khẳng định, Hà Nội có gần 10.000 biển báo, đang rà soát toàn diện trong tất cả các đường ngõ ngách, tháo bỏ các biển bất hợp lý như yêu cầu của Bộ GTVT.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, sau khi nhận được tin nhắn của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về các biển báo bất hợp lý tại Hà Nội, Lào Cai, Bình Dương, Hải Phòng, Tổng cục cũng đã cho rà soát và yêu cầu dẹp bỏ. Theo ông Huyện, việc bỏ biển báo giới hạn tốc độ 40 km/giờ có cơ sở khoa học chứ không phải thích thì xóa. Hiện tại, hệ thống đường sá đã tốt hơn, sát hạch lái xe được làm chặt chẽ hơn nên kỹ năng tài xế được nâng cao, nếu để biển hạn chế 40 km/giờ trong đô thị không phù hợp nữa, việc bỏ biển sẽ giảm được ách tắc, ùn ứ trong thành phố. Đặc biệt, các khu vực đông dân cư, đô thị chỉ cắm biển báo ở đầu và cuối tuyến, khoảng cách tối thiểu là 30km. Không thể để 5 - 10km lại có biển báo, vì nếu để thế thì chỗ nào cũng đông dân cư. Ở các khu vực nguy hiểm, có thể cắm biển đi chậm. Chia sẻ thêm với phóng viên, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đối với các biển hạn chế tốc độ lớn hơn hoặc bằng 50km/h, Tổng cục Đường bộ sẽ rà soát theo hướng: Nếu khai thác an toàn với tốc độ lớn hơn thì thay thế bằng biển báo hạn chế tốc độ lớn hơn hoặc thay thế bằng cảnh báo khác. Các đơn vị phải rà soát, xử lý kịp thời bất cập từ các biển báo không phù hợp, bong tróc, biển bị che khuất, biển báo và vạch sơn không thống nhất… Tổng cục cũng yêu cầu các đơn vị rà soát lại toàn bộ các biển báo khu đông dân cư về quy định tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ để điều chỉnh cho phù hợp với quy định mới từ ngày 1-3. Giám đốc các sở giao thông được chỉ đạo hoàn thành rà soát, bỏ các biển hạn chế tốc độ dưới 50km/h xong trước 30-1.

Theo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ 1-3-2016 của Bộ GTVT, trong khu vực đông dân cư, các phương tiện xe cơ giới được phép chạy tối đa 60km/h trên đường đôi, có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên. Trong khi đó, trên đường 2 chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, các phương tiện xe cơ giới được phép chạy tối đa 50km/h. Như vậy, so với hiện tại, các phương tiện xe cơ giới sẽ được chạy với tốc độ tối đa cao hơn 10km/h trong khu vực đông dân cư. Ở ngoài khu vực đông dân cư, xe ôtô con, xe ôtô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ôtô tải có trọng tải đến 3,5 tấn được phép chạy tốc độ tối đa 90km/h trên đường đôi, có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên. Con số tương ứng trên đường 2 chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới là 80km/h… Đặc biệt Thông tư lưu ý: “Không đặt biển báo theo địa giới hành chính được quy hoạch, nếu chưa đô thị hoá hoặc dân cư thưa thớt”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép đối với phương tiện cơ giới đường bộ là cần thiết. Nhiều năm qua, Nhà nước đã chi hàng tỷ USD để xây dựng hạ tầng, mở rộng, nâng cấp đường sá. Ngoài ra, chất lượng phương tiện cũng đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, tốt hơn thì việc nâng tốc độ cho phương tiện là hoàn toàn hợp lý, tránh trường hợp quy định kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Đặng Nhật
.
.
.