Cần có tổ chức HĐND đặc khu kinh tế để thực hiện nhiệm vụ giám sát

Thứ Tư, 23/05/2018, 12:10
Giảm ưu đãi về thuế suất, bổ sung nhiều ngành nghề kinh doanh, bổ sung một số cơ chế nhằm bảo vệ và hỗ trợ người dân tại đặc khu kinh tế.

Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về những nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

Trình bày báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB). 

Theo đó, đã bổ sung nhiều ngành nghề ưu tiên phát triển như: Dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn; sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong; đồng thời, điều chỉnh quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, dự án đầu tư cảng hàng không quốc tế; rà soát tổng thể và chỉnh lý Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu bao gồm 131 ngành, nghề (tăng 23 ngành, nghề so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp 4); đồng thời, bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý Nhà nước tại từng đặc khu quyết định không áp dụng một hoặc một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại khu chức năng thuộc đặc khu nhằm tạo cơ chế linh hoạt trong quản lý, điều hành tại từng đặc khu.

Quy định về thủ tục đầu tư kinh doanh trong dự thảo Luật đã được tiếp thu ý kiến các ĐBQH để chỉnh lý một cách cơ bản, trong đó phân quyền mạnh mẽ việc xem xét chấp thuận dự án đầu tư cho chính quyền đặc khu; cải cách tối đa thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đơn giản, thuận tiện; tăng tính công khai, minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong tiếp cận và thực hiện các thủ tục đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh tại đặc khu...

Đặc biệt, đã bớt ưu đãi về thuế, nhưng vẫn bảo đảm vượt trội. Cụ thể đã đề nghị áp thuế suất 15%  thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược, thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu; đồng thời, chỉ áp dụng ưu đãi này đối với hoạt động dịch vụ nói trên trong dự án khu phức hợp dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp đáp ứng điều kiện của nhà đầu tư chiến lược. 

 Về lao động, tiền lương và an sinh xã hội, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung một số cơ chế nhằm bảo vệ và hỗ trợ người dân tại đặc khu, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế; bổ sung quy định mới về một số chính sách an sinh xã hội như: Chuẩn nghèo, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, thuê, mua nhà ở xã hội, xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi cho người lao động có thu nhập thấp; chỉnh lý quy định đối với lao động là người nước ngoài nhằm quản lý chặt chẽ, bảo đảm đúng mục tiêu khuyến khích, thu hút đối với lao động trình độ cao và hạn chế lao động phổ thông.

Góp ý về dự án Luật, đa số các đại biểu đều nhất trí quan điểm thông qua dự án Luật, cần có các đặc khu kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng cần kiểm tra, giám sát quyền lực, không để tiềm ẩn hậu quả ở các đặc khu kinh  tế. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, đặc khu kinh tế là mô hình mang tính đột phá mà nhiều nước trên thế giới đã làm; đồng thời đề nghị trong đặc khu cần có tổ chức HĐND để thực hiện nhiệm vụ giám sát, bởi lẽ quyền lực càng cao, càng đặc biệt, mô hình lại mới, thường xuất hiện cái “nóng” thì càng cần kiểm tra giám sát quyền lực, không để tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng làm xấu đi định hướng phát triển kinh tế, làm mất niềm tin và ảnh hưởng đến an ninh chính trị, làm suy thoái nền kinh tế của đất nước. Nếu có sai phạm ở đặc khu rất khó điều chỉnh vì liên quan đến doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới.

Đại biểu Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, dự thảo luật có nhiều quy định trao cho Chủ tịch UBND đặc khu được quyền quyết định nhiều nội dung quan trọng mà thông thường thuộc thẩm quyền của UBND theo chế độ tập thể, trong đó có những nhiệm vụ phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật. “Quy định trên là xung đột với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Luật này cũng không quy định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương các đặc khu” –đại biểu Võ Đình Tín nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thj Thuỷ

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thì quan tâm đến vấn đề giải quyết các vấn đề tư pháp ở khu kinh tế đặc biệt. Đại biểu cho rằng, dự thảo được chỉnh lý theo hướng đối với các vụ án dân sự thì tăng cơ bản thẩm quyền cho toà đặc khu. 

Theo đó, hầu hết các vụ án đang thuộc thẩm quyền xét xử của toà án cấp tỉnh hiện nay sẽ được chuyển xuống cho toà án đặc khu giải quyết. Tuy nhiên, đối với các vụ án hành chính, nói nôm na là các vụ án “dân kiện chính quyền” thì dự thảo cơ bản không tăng thẩm quyền cho toà án đặc khu mà giữ như thẩm quyền của toà án cấp huyện hiện nay. Như vậy, thì mọi khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu sẽ do Toà án ấp tỉnh giải quyết  chưa phù hợp với chủ trương của Đảng là cho phép thực hiện thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy, trong đó có bộ máy tư pháp.

Phương Thuỷ
.
.
.