Cần có thêm nhiều tác phẩm điện ảnh hấp dẫn, có giá trị nghệ thuật cao
- NSND Đặng Xuân Hải tái đắc cử Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam
- Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế lần thứ 4
- Quanh giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam
Theo báo cáo của Hội Điện ảnh Việt Nam tại Đại hội, sau hơn hai thập kỷ thực hiện chính sách xã hội hóa, ngành điện ảnh đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia vào hoạt động sản xuất, phát hành phim điện ảnh, phim truyền hình. Tuy nhiên, dòng phim thị trường, thương mại do tư nhân sản xuất đang chiếm vai trò chủ đạo trong điện ảnh Việt Nam.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025 |
Hiện nay, hiếm nhà sản xuất tư nhân đầu tư cho những đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, hiện thực xã hội, nhân sinh. Việc tập trung khai thác những đề tài thuần giải trí và đậm tính thương mại hướng tới phục vụ đối tượng khán giả chủ yếu là thanh thiếu niên đô thị.
Phim tư nhân dường như đang xa rời chức năng giáo dục lòng yêu nước tinh thần dân tộc và những tư tưởng, thẩm mỹ có đẹp cho công chúng, đặc biệt là tuổi trẻ. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, phát hành phim đã có những năm tháng đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong bước chuyển sang cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tự chủ.
Do mất dần đi sự hỗ trợ của nhà nước, dòng chảy điện ảnh thời gian qua có lúc đứt gãy bởi thiếu vắng mảng phim đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, tâm lý xã hội…Hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành chủ yếu do hai trường điện ảnh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiến hành.
Mặc dù đã có thêm những hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo, bổ túc nghiệp vụ nhưng vẫn còn rất nhỏ lẻ. Hệ thống phát hành phim hiện nay chủ yếu do tư nhân làm chủ nhưng các công ty trong nước chỉ nắm được trên 20 % lượng phòng chiếu trong khi các doanh nghiệp có yếu tố đầu tư nước ngoài chiếm tới 65% thị phần.
Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ IX. |
Điểm sáng tích cực đến từ những đổi mới trong phong cách thể hiện, ngôn ngữ nghệ thuật của dòng phim tài liệu, phim khoa học… Nhưng, nhìn chung, đến nay, ngành điện ảnh vẫn chưa thể có bước chuyển mang tính đột phá hướng tới nền công nghiệp văn hóa thực.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng các đại biểu tham dự Đại hội cùng toàn thể đội ngũ nghệ sĩ và những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh và phim truyền hình cả nước.
Đồng chí Phó Thủ tướng cũng khẳng định: Gần 70 năm qua, nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh và phát triển không ngừng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, Điện ảnh Việt Nam dù còn rất non trẻ đã góp phần đáng tự hào vào nguồn sức mạnh tổng hợp làm lên những chiến thắng của cả dân tộc và để lại những tác phẩm có giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật rất cao. Chúng ta mãi ghi ơn các nghệ sĩ đã không quản gian khổ, hiểm nguy, lăn lộn ở các chiến trường ác liệt nhất, nhiều nghệ sĩ đã anh dũng hy sinh để đem về những thước phim quý giá ghi lại, minh họa sống động chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta.
Bước vào thời kỳ đổi mới, nền điện ảnh nước nhà đối diện với nhiều thách thức và cũng đứng trước những cơ hội chưa từng có. Thoát khỏi sự bao bọc mang nặng tính hành chính, quan liêu bao cấp, điện ảnh Việt Nam đứng trước đòi hỏi và cơ hội được đứng vững trên đôi chân của mình, được phát huy cao nhất năng lực sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật và cả trong huy động nguồn lực xã hội.
Khó khăn thật lớn khi nguồn đầu tư nhà nước ít ỏi và ngày càng thiếu hụt so với nhu cầu. Cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế cũng tạo thêm sức ép ngày càng gia tăng. Nhưng bằng tất cả trách nhiệm, trí tuệ và lòng yêu nghề, các thế hệ nghệ sĩ và những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình đã và đang nỗ lực vượt qua gian khó, vượt lên chính mình để nền điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển và đạt được thành tựu rất đáng trân trọng…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bày tỏ mong muốn: Trong thời gian tới, những người làm điện ảnh cần thẳng thắn nhìn nhận những điều còn chưa làm được, còn tồn tại, bất cập. Điện ảnh Việt Nam cũng sẽ có thêm nhiều nhiều tác phẩm hấp dẫn đáp ứng yêu cầu đa dạng của công chúng nhưng vẫn mang tính định hướng và giá trị nghệ thuật cao. Điện ảnh sẽ có những tác phẩm lớn mang tầm vóc dân tộc, thời đại, tương xứng với những thành tựu to lớn trong công cuộc Đổi mới, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ xứng tầm với các yêu cầu cao hơn đối với của nền điện ảnh nước nhà. Từ đó, Hội có thể đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác nhằm phát huy được cao độ trách nhiệm, sức sáng tạo và tình yêu nghệ thuật của đội ngũ nghệ sĩ và những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình cả nước.
Đại hội cũng đã bầu ra Ban chấp hành khóa IX gồm 15 thành viên: Quyền Linh, Công Hậu, Đỗ Thanh Hải, Nguyễn Văn Tân, Dương Cẩm Thúy, Lê Hồng Chương, Mai Thu Huyền, Đỗ Lệnh Hùng Tú, Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Thanh Vân, Huỳnh Văn Hùng, Bùi Thạc Chuyên, Phạm Thị Tuyết, Trịnh Lê Văn, Châu Ngọc Ẩn. Tuy nhiên, Đại hội chưa công bố người đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Điện ảnh nhiệm kỳ mới.