Cải cách hành chính là động lực, giải pháp để hoàn thành mục tiêu
- Tăng cường ứng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính
- Bộ Công an công bố chỉ số cải cách hành chính, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Thủ trưởng Cơ quan hành chính NHNN Trung ương cho biết luôn nhận thức rõ vị thế là một ngành kinh tế trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, Ngành Ngân hàng luôn lấy lợi ích, sự hài lòng cho người dân, tiết kiệm chi phí, môi trường kinh doanh thuận lợi làm thước đo cải cách hành chính và xác định CCHC là xu hướng tất yếu khách quan để ngành NH làm tốt chức năng, nhiệm vụ trong điều hành kinh tế vĩ mô và cung ứng vốn, các dịch vụ tiền tệ, thanh toán cho nền kinh tế cũng như nhanh chóng hội nhập và phát triển.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các đại biểu dự hội nghị. |
Thời gian qua, NHNN đã lựa chọn những mô hình cải cách mới nhất của hoạt động ngân hàng trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn. Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần trong Top 3 và liên tiếp 5 năm gần đây xếp vị trí dẫn đầu xếp hạng chỉ số CCHC (PAR Index) của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ trong số các Bộ, cơ quan Trung ương.
CCHC ngành Ngân hàng đã góp phần đưa NHNN trở thành đơn vị dẫn đầu Chỉ số công khai ngân sách năm 2019 và tài liệu Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 trong tất cả các bộ, cơ quan Trung ương.
Trong 10 năm, NHNN tiếp nhận và giải quyết hơn 20.000 hồ sơ TTHC, gần 200 thủ tục đã được đơn giản hóa, bãi bỏ, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với NHNN. Kết quả khảo sát sự hài lòng của tổ chức/cá nhân về kết quả giải quyết TTHC cho thấy chỉ số hài lòng hàng năm đều đạt trên 98%.
Theo báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã tăng 7 bậc so với năm trước và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất. Chỉ số này thể hiện sự quyết tâm của NHNN trong việc chỉ đạo các TCTD, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ và vay vốn công bằng, minh bạch…
Về định hướng giai đoạn 2020-2030, đại diện NHNN cho biết sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các lĩnh vực CCHC nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chúc mừng và biểu dương những kết quả tích cực đã đạt được của NHNN và ngành Ngân hàng trong 10 năm triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng so với năng lực, tiềm năng của gành ngân hàng và kỳ vọng của xã hội cũng như yêu cầu của công cuộc cải cách, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm hơn nữa của lãnh đạo và cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành gân hàng.
“Ngành ngân hàng đã tiên phong ứng dụng công nghệ trong hoạt động thanh toán và cung cấp dịch vụ, tuy nhiên trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ các phương thức hoạt động kinh tế xã hội theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng mua sắm, thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh, nhất là từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh COVID 19 bùng phát trên thế giới, ngành ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ số, chú trọng vấn đề bảo đảm an ninh an toàn các dịch vụ ngân hàng để phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước và nhu cầu người dân”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.