Các đại biểu Quốc hội hiến kế chống lãng phí, thực hành tiết kiệm
- Cần kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí
- Sử dụng ngân sách hiệu quả, tránh lãng phí trong đầu tư công
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 26/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cho rằng để thực hành tiết kiệm, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi thường xuyên, giảm thiểu tối đa công tác trong và ngoài nước; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh giản…
Còn lãng phí trong đầu tư công
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong việc đánh giá lãng phí chưa sâu, chưa sát. Đơn cử như lãng phí trong đầu tư công, thực hiện các dự án đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc giải ngân đầu tư công chậm là phần lãng phí do phải trả tiền lãi, dự án triển khai chậm dẫn đến không đưa được vào sử dụng hiệu quả, công trình không đúng tiến độ gây chậm các công trình và nhiều hoạt động xã hội có liên quan. Hay tình trạng lãng phí trong sử dụng con người, cán bộ tuy đã cải cách bộ máy, giảm biên chế nhưng trong số biên chế còn lại đã sử dụng bao nhiêu % cán bộ có hiệu quả cũng chưa có đánh giá.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến |
Đồng tình với nhận định về lãng phí trong đầu tư công và chậm triển khai các dự án, đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) cho rằng, nguyên nhân là bởi chưa có sự đồng bộ về cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị đầu tư còn bất cập… Đại biểu Đào Hồng Vận đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng để tạo thuận lợi hơn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao phân cấp phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, vẫn còn một số tồn tại trong liên quan đến mua sắm tài sản công, cải cách hành chính, tinh giản biên chế...; đề nghị để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với thực tiễn. Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, bảo đảm hiệu quả hoạt động của các quỹ, tránh lãng phí, dàn trải và phân tán nguồn lực của nhà nước. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến việc cải cách chính sách thu để cơ cấu lại ngân sách; xác định phân cấp ngân sách phù hợp để tăng tính chủ động cho các địa phương nhưng phải đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; chấn chỉnh quản lý chi đầu tư từ lập, phân bổ, giao dự toán đến thực hiện và quyết toán...
Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm phải bắt đầu từ giáo dục, đạo đức
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào chiều sâu, chúng ta cần phải tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thứ hai là thể chế phải chặt chẽ, khả thi; phân công, phân cấp phải rõ ràng”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Đào Hồng Vận phát biểu ý kiến |
Trong các nội dung về tiết kiệm, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tiết kiệm về thời gian là quan trọng nhất. Triển khai thực hiện tinh thần Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII về phân cấp phân quyền giữa Trung ương và địa phương, đại biểu nhận thấy, Quốc hội đã ngày càng đưa nhiều nội dung này vào trong các văn bản pháp luật. Nêu ví dụ đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu cho rằng, các phương châm tại chỗ, phân cấp phân quyền cho địa phương đã thể hiện rõ hiệu quả hơn.
Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương triệt để sẽ giảm đi nhiều khâu, trung gian, nhiều thủ tục và quan trọng hơn là giảm thời gian đi lại từng địa phương ra Trung ương. Trong bối cảnh dịch COVID-19 cần hạn chế việc đi lại, đại biểu cho rằng, việc phân cấp, phân quyền tới địa phương sẽ càng có ý nghĩa. "Dĩ nhiên, đi kèm với đó là việc nâng cao năng lực, khả năng thực hiện của cấp dưới và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm", đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.
Nêu ý kiến đối với nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, lãng phí diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều nơi. Lãng phí còn đáng lên án, phê phán. Đại biểu Nguyễn Anh Trí mong Đảng, Nhà nước quan tâm để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải xứng với yêu cầu của cử tri.
“Chúng ta chống lãng phí không phải là đợi để bắt xét xử rồi cho vào tù, bởi rất khó định tội vì khi xảy ra rồi sẽ không còn nhiều hiệu quả. Chống là để chủ động không cho gây lãng phí, muốn vậy phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông. Phải coi tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức để mà sống, thực hành và quản lý xã hội”, đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, muốn tiết kiệm, chống lãng phí thực chất phải có kế sách bền vững, lâu dài, mọi nơi, mọi lúc. Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân trước khi trở thành yêu cầu của một cán bộ, công chức. “Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm phải bắt đầu từ giáo dục, từ đạo đức và coi nó như nếp sống hàng ngày”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.