Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công:

Cần kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí

Thứ Hai, 07/06/2021, 07:37
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, giá vật liệu xây dựng leo thang là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt thấp, đặc biệt, nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm cần có những giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đồng thời thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, ước tính giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2021 trong 5 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 102.000 tỷ đồng, chi bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ 2020 đạt 25,98%). Nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp. Đặc biệt, vẫn có 8 bộ mới có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 1%. Bên cạnh đó, giải ngân nguồn vốn nước ngoài, mới đạt gần 3%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020.

Để vốn đầu tư công phát huy tối đa hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, có một thực tế là năm 2020 giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh vì đây là năm cuối giai đoạn 2016-2020 nên sức ép giải ngân rất lớn. Tuy vậy, bước sang năm 2021, tương tự như các năm trước, tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” lại diễn ra khi các bộ, ngành và địa phương tiếp tục giải ngân phần vốn năm 2020 kéo dài và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021. Trong khi đó, giai đoạn này chủ đầu tư và nhà thầu mới bắt đầu quá trình chuẩn bị đầu tư như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... nên chưa có khối lượng hoàn thành để thanh toán. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công lúc này thường thấp.

Theo phản ánh từ các Bộ, ngành, địa phương thì nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2021 đạt thấp là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát trở lại, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, phong toả đã ảnh hưởng rất lớn tới việc triển khai, thi công nhiều công trình, dự án. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, đặc biệt là sắt thép xây dựng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc giá nguyên vật liệu tăng chóng mặt trong thời gian vừa qua khiến nhiều công trình dự án bị “đội” chi phí, dẫn tới chậm tiến độ thực hiện, gây thiệt hại và giảm hiệu quả đầu tư của các dự án. Điều này cũng ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện vốn đầu tư công cũng như vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2021 và những năm tiếp theo vì nhiều dự án có thời gian thi công kéo dài trong vài năm.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng lớn nhất hiện nay, đó là nguồn vốn đầu tư công. Các dự án đầu tư công trọng điểm chậm hoàn thành theo tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, mà còn làm tăng áp lực nợ công cho Nhà nước. Do vậy, khi chọn đầu tư, phải tính đến yếu tố hiệu quả đầu tiên. Thay vì có vài chục dự án, 10 năm mới xong thì nên gom lại, làm 2-3 dự án hiệu quả trước, sẽ tạo ra tác động lớn thay vì kéo dài, chậm tiến độ, đội vốn...

Đồng thời cũng phải ưu tiên những nơi có tiềm lực, động lực kinh tế để phát triển trước. Chỗ nào tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn thì hãy đầu tư. Còn phát triển bao trùm là chiến lược dài hạn, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, phải dành cho chỗ nào có khả năng sinh lợi, tạo ra nhiều nguồn lực hơn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, đầu tư công rất quan trọng trong thời điểm hiện tại khi nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch COVID-19. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục vực dậy kinh tế trong đại dịch. Do đó, cần phải tạo mọi điều kiện để nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công. Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết thêm, theo số liệu tính toán, dự báo giai đoạn 2021-2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%. Tuy nhiên, với diễn biến như hiện nay, nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương không có chính sách và giải pháp kịp thời, phù hợp thì khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đặt ra.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, ngoài tiến độ, các bước xây dựng kế hoạch, Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục cắt giảm thêm số dự án. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt cũng như tâm lý trông chờ, ỷ lại ở Trung ương, đồng thời chống tiêu cực, nghiêm cấm “chạy” dự án, để hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.

Tín hiệu tích cực là sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai và đến thời điểm này, các địa phương, bộ, ngành đã công bố danh sách cắt giảm lên tới hơn 1.000 dự án. So với yêu cầu cắt giảm khoảng 1.500 dự án của Thủ tướng, con số cắt giảm đến thời điểm này về cơ bản đã đạt mục tiêu đặt ra.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ quyết tâm khắc phục việc đầu tư dàn trải. Giảm bớt số lượng dự án, tập trung vốn cho dự án lớn và tác động đến vấn đề mang tính tư duy phát triển trong đầu tư công, chỉ khi tập trung dự án trọng điểm thì mới thể hiện được đầu tư công là vốn mồi để thu hút các nguổn vốn khác vào đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, hiện, vai trò dẫn dắt tăng trưởng của đầu tư công rất quan trọng. Để vốn đầu tư công phát huy tối đa hiệu quả các bộ, ngành, địa phương cần kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí; xoá bỏ cơ chế chạy dự án. Cùng với đó, từng bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số dự án chưa thực sự cấp bách, cần thiết; đồng thời, tập trung vốn đầu tư, làm dự án nào dứt điểm dự án đó, sớm đưa dự án vào sử dụng. Tránh tình trạng đầu tư cùng lúc rất nhiều dự án nhưng dự án nào cũng dở dang, làm phân tán nguồn lực, không phát huy được hiệu quả của vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thực hiện phân cấp hợp lý, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết và quy mô đầu tư của từng dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao và gắn trách nhiệm của các Bộ trưởng, Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án cả trong khâu xây dựng, đề xuất và triển khai thực hiện cho đến khi dự án hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng.

Lưu Hiệp
.
.
.