“Cá bống của Nhật Hoàng” tại Việt Nam

Thứ Ba, 28/02/2017, 08:08
Đó là cách gọi thân mật mà giới báo chí vẫn dùng khi viết về công trình nghiên cứu của Nhật Hoàng Akihito công bố năm 1976 khi ông còn là Hoàng Thái tử của Nhật Bản. Thời điểm đó, Nhật Hoàng Akihito đã tìm ra giống cá bống cát trắng tại một nhánh sông Cần Thơ của Việt Nam.

Cá bống cát trắng tên tiếng Anh là Glossogobius sparsipapillus. Đây là loại cá có thân thon dài, phía sau dẹp ngang, đầu dẹp đứng, mõm dài và nhọn. Mắt cá bống cát trắng gần như nằm ngang trên đỉnh đầu với hai lỗ mũi tương đối gần nhau, lỗ mũi trước hình ống. Miệng cá rộng, xiên với hàm dưới hơi nhô ra và rạch miệng kéo dài đến bờ trước của ổ mắt.

Trên mỗi hàm cá có nhiều hàng răng, hàng trong và hàng ngoài cùng nở rộng; lưỡi chẻ đôi, khe mang rộng. Má cá bống cát trắng có 5 đường cảm giác chạy song song, tất cả đều là đường đơn. Vảy tròn trước vây lưng nhỏ kéo dài đến bờ sau ổ mắt; thân phủ vảy lược tỏ. Vây lưng hai cái rời nhau. Khởi điểm vây lưng thứ hai trước vây hậu môn. Vây ngực tròn dài. Vây bụng hình bầu dục dài. Vây đuôi tù.

Tiêu bản paratype của loài cá bống cát trắng được Nhật Hoàng Akihito trao tặng Việt Nam năm 1974. Ảnh: Flickr.

Thân có màu nâu hoặc hơi vàng nhạt. Có 5 đường đốm đen nhạt dọc theo đường giữa hông. Bề rộng đốm đen nhỏ hơn nửa chiều cao thân tại chỗ đó. Trên nắp mang có màu đen. Vây lưng và vây đuôi lốm đốm điểm đen. Vây bụng, vây hậu môn và vây ngực có màu sắc đơn giản…

Những đặc điểm riêng biệt này của loại cá bống cát trắng thịt tươi mịn màng và thơm ngon nói trên đã được miêu tả khá kỹ trong công trình nghiên cứu tại vùng hạ lưu sông Mekong của Tiến sĩ Akihito và Tiến sĩ Meguero công bố năm 1976. Khi đó, Tiến sĩ Akihito là Hoàng Thái tử và đến ngày 7-1-1989, ông lên ngôi Nhật Hoàng.

Tháng 3-2009, Thái tử Naruhito và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba đã thay mặt Nhật Hoàng Akihito trao tặng Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội công trình nghiên cứu phát hiện giống cá bống cát trắng này. Đến giữa tháng 5-2009, công trình nghiên cứu này tiếp tục được chuyển giao cho Trường Đại học Cần Thơ, nơi có những chuyên gia nghiên cứu bảo tồn và phát triển thủy sản trên sông Mekong.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba lúc đó nhấn mạnh, luận văn nghiên cứu của Nhật Hoàng không chỉ là một công trình khoa học có giá trị, mà đó còn là một biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản. Việc Nhật Hoàng Akihito trao tặng luận văn nghiên cứu cá bống cho Trường Đại học Cần Thơ là do trường nằm ở trung tâm vùng châu thổ sông Mekong, nơi giống cá bống mới được tìm thấy. Đặc biệt, Đại học Cần Thơ cũng chính là trung tâm đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long.

Lần này, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko cũng sẽ ghé thăm Bảo tàng Sinh vật, nơi lưu trữ tiêu bản của hơn 23.000 loài, trong đó có tiêu bản paratype của loài cá bống cát trắng năm 1974 và tiêu bản giống gà đuôi dài Nhật Bản được Hoàng tử Akishimo trao tặng trong chuyến thăm Việt Nam năm 2012.

Những dữ liệu trong quyển “Fishes of Cambodian Mekong” do FAO ấn hành cho biết, sông Mekong có hơn 2.500 loài thủy sản, riêng cá bống thì có 6 loài, phân bố rộng rãi ở các nước như Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ...

Nhật Hoàng Akihito rất quan tâm đến cuộc sống muôn loài trong thiên nhiên và công tác bảo tồn. ảnh: “Their Majesties the Emperor and Emperess of Japan”.

Trong công trình nghiên cứu cùng Tiến sĩ Meguero, Nhật Hoàng Akihito đã tìm ra được 2 loài cá bống mới là Glossogobius aureus (có chiều dài khoảng 12cm) và Glossogobius sparsipapillus (có chiều dài 24cm) tại nhánh sông Mekong ở Việt Nam.

Mẫu cá bống cát trắng là tiêu bản paratype mang ký hiệu No:137 Glossogobius sparsipapillus sp.Nov. đã được Nhật Hoàng Akihioto gửi tặng Bảo tàng Động vật, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh vật thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) hồi tháng 3 năm 1974. Hiện tiêu bản này vẫn được bảo quản và trưng bày tại bảo tàng.

Các nhà khoa học trong và ngoài nước đều đánh giá rằng, công trình nghiên cứu của Nhật Hoàng chính là món quà mang nhiều ý nghĩa, mở ra hướng mới trong nghiên cứu phát triển thương phẩm, nhất là đối với loài cá có khả năng thích nghi môi trường đa dạng như cá bống. Một điều thú vị nữa là từ nghiên cứu nói trên, Nhật Hoàng Akihito còn dành nhiều năm để phân loại các loại cá bống cùng một loạt loại cá nhỏ khác sống ở nước ngọt, nước mặn và nước lợ.

Theo thông tin từ cuốn sách “Their Majesties the Emperor and Empress of Japan” do Bộ Ngoại giao Nhật Bản phát hành thì cho hay, với tư cách là thành viên của Hội Ngư học Nhật Bản, Nhật Hoàng đã cho xuất bản 30 bài báo trên tạp chí của Hội từ năm 1963 đến 1989 và là một trong số những người đóng góp cho cuốn sách “Những loài cá tại quần đảo Nhật Bản” (số ra đầu tiên năm 1984) – cuốn sách đầu tiên về các loài cá sống ở biển Nhật Bản có tranh minh họa.

Nhật Hoàng còn là Chủ tịch danh dự Hội thảo quốc tế lần 2 về các loài cá ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương năm 1985, và giới thiệu tài liệu mang tên “Một số đặc điểm hình thái học quan trọng của các loài cá Gobiid” và sau này trở thành tài liệu của hội thảo.

Năm 2000, mặc dù công việc nhiếp chính rất bận rộn nhưng Nhật Hoàng vẫn tiếp tục cho xuất bản 2 bài báo và là đồng tác giả của cuốn sách “Các loài cá Nhật Bản và những đặc điểm chính của các loài cá thông qua hình ảnh”, xuất bản lần thứ 3 năm 2013, lần xuất bản thứ 2 là bằng tiếng Anh…

Chưa hết, Nhật Hoàng Akihito còn rất quan tâm đến cuộc sống muôn loài trong thiên nhiên và công tác bảo tồn. Nhật Hoàng đã đưa ra sáng kiến cho một dự án nghiên cứu, với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, soạn thảo những dữ liệu chính xác về cây cỏ, động vật trong khuôn viên Hoàng Cung, gồm cả vườn Fukiage, thường không mở cửa cho tham quan.

Tháng 5-2007, Nhật Hoàng quyết định lần đầu tiên mở cửa một phần vườn cho phép trẻ em và người lớn vào tham quan, chia sẻ vẻ đẹp thiên nhiên với nhân dân. Với những hành động thiết thực và những nghiên cứu về các loài sinh vật, Nhật Hoàng Akihito đã được Hội Linnean London mời trở thành thành viên năm 1980 và được bầu làm thành viên danh dự của hội năm 1986.

Ngoài ra, Nhật Hoàng cũng trở thành thành viên danh dự của Hội Động vật học London từ năm 1992; thành viên của Viện Nghiên cứu khoa học tự nhiên Argentina từ năm 1997 và là hội viên nghiên cứu của Bảo tàng Australia. Năm 1998, Nhật Hoàng là người đầu tiên được nhận Huy chương Charles đệ nhị, do Hội Hoàng gia London trao tặng cho nguyên thủ các nước có đóng góp xuất sắc cho phát triển khoa học.

Nhật Hoàng Akihito sinh ngày 23 tháng 12 năm 1933, là con trai trưởng của Nhà vua Showa và Hoàng hậu Kojun. Nhật Hoàng có bốn chị gái, một em trai và một em gái. Nhật Hoàng Akihito học tiểu học và trung học tại Gakushuin, trường Bộ Nội chính Hoàng Gia, sau trở thành cơ sở giáo dục tư thục.

Trong thời kỳ chiến tranh, Nhật Hoàng và các bạn đồng môn tiểu học được sơ tán khỏi Tokyo đến vùng nông thôn Nikko và lưu lại Nikko cho đến khi chiến tranh kết thúc năm 1945. Năm 1952, Nhật Hoàng vào học Khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Gakushuin.

Lễ thành nhân và Lễ tấn phong Hoàng Thái Tử của Ngài được tổ chức cùng năm. Ngay sau đó, Ngài chính thức bắt đầu thực hiện nghĩa vụ của mình trên cương vị Hoàng Thái Tử. Năm sau, Ngài thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên để tham dự lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và đi thăm nhiều nước ở Bắc Mỹ, châu Âu.

Ngài hoàn thành chương trình giáo dục đại học vào năm 1956. Ngoài chương trình giáo dục chính thức, Nhật Hoàng còn từng nhận được nhiều chương trình đào tạo đặc biệt về lịch sử, luật pháp Nhật Bản, và các lĩnh vực khác.

(trích từ cuốn sách “Their Majesties the Emperor and Emperess of Japan”)

Huyền Chi
.
.
.