Bộ trưởng Tô Lâm: Ngành du lịch phải tự nuôi được mình và đóng thuế

Thứ Ba, 08/11/2016, 15:09
"Các công ty du lịch lẽ ra phải đóng thuế thì bây giờ được miễn giảm hết, rồi có quỹ bình ổn du lịch. Riêng ngành du lịch phải tự nuôi được mình và phải đóng thuế, xây dựng lại cơ cở hạ tầng" - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

 

Sáng nay, 8-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật du lịch (sửa đổi). Tham gia thảo luận tại tổ 8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn Bắc Ninh bày tỏ băn khoăn khi có thông tin người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tiêu một ngày mấy trăm USD.

Bởi người ta đi máy bay nước ngoài, vào đây ở khách sạn nước ngoài; việc họ ăn ở, mua bán, đi lại cũng do công ty liên doanh nước ngoài đảm nhận, hướng dẫn viên nước ngoài và tất cả các chi phí cũng thanh toán với nhau ở nước ngoài. “Việc chi cho doanh nghiệp Việt Nam là rất ít, chủ yếu là mua hàng kỷ niệm và nhiều khi hàng đó cũng do công ty nước ngoài sản xuất…”

Coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì hơi lạc quan

Bộ trưởng nêu thực tế, hiện các công ty du lịch không hạch toán được, không đóng góp cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh mà tất cả phụ thuộc vào ngân sách. “Ngân sách đầu tư rất nhiều cho du lịch, nhưng khi hạch toán kỹ lưỡng thì không thu lại được phần vốn. Chúng ta làm đường đến các khu di tích rất tốt, khuyến khích khách du lịch nhưng tiền hoàn toàn do nhà nước bỏ ra” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị phải xã hội hóa nhiều trên lĩnh vực du lịch. Các công ty du lịch lẽ ra phải đóng thuế thì bây giờ được miễn giảm hết, rồi có quỹ bình ổn du lịch. Riêng ngành du lịch phải tự nuôi được mình và phải đóng thuế, xây dựng lại cơ cở hạ tầng.

Bộ trưởng Tô Lâm tham gia thảo luận tại tổ, sáng 8-11

“Xây dựng môi trường, danh lam thắng cảnh phục vụ cho người Việt Nam thì được, nhưng người nước ngoài thì phải đóng thuế và công ty du lịch phải thu được chứ. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng bây giờ ngân sách nhà nước lại đóng để phát triển du lịch. Thế thì phát triển du lịch để làm gì? Kinh tế mũi nhọn mà ngân sách nhà nước lại bỏ ra?” – Bộ trưởng băn khoăn.

Bộ trưởng Tô Lâm lo ngại, hình ảnh chung của du lịch Việt Nam là “sao” thấp, không có những tour cao cấp, chủ yếu là khách đại trà, du lịch “ba lô”, tự phát. “Khi đến, có khi họ chỉ tiêu 5 – 7 USD/ngày, mua chai nước, mua bánh mì, tự thuê xe máy, xe đạp đi. Hiệu quả là có vấn đề, chúng ta phải tính đến. Nếu coi là đây là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp “không khói”, tôi thấy hơi lạc quan quá”.

Bộ trưởng so sánh, các nước làm du lịch rất bài bản, ví dụ như Thái Lan, mặc dù giá rất thấp nhưng không ai đi Thái Lan mà không mang theo ít nhất 500 – 1.000 USD để mua bán hàng hóa. Còn sang Việt Nam họ chẳng mua được gì, hàng hoá rất ít…

Thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của du lịch Việt Nam, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhận định, Việt Nam có tiềm năng du lịch lớn nhưng cứ chạy mãi theo người ta, chạy mãi mà không kịp, bây giờ tìm cách đuổi kịp người ta và trỗi dậy nhưng rất khó khăn. Rồi ông đưa ra dẫn chứng: “Du lịch của ta đứng thứ 5 ASEAN,  lượng khách một năm chưa được 8 triệu, trong khi Thái Lan là 29 triệu, như vậy ta chỉ bằng 34% Thái Lan. Thật xấu hổ khi một đất nước nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa, thiên nhiên đẹp mà không làm được”.

Có tình trạng tự nâng sao để cạnh tranh

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu lại quan tâm đến quy định cấp sao, cấp số cho các cơ sở lưu trú. ĐBQH Phạm Quang Thanh (Hà Nội) cho rằng, việc cấp sao, cấp số hơi mở quá, ngay cả các cơ sở lưu trú cũng phản ánh mạnh về vấn đề này. “Nên có một cơ quan đánh giá, chứ để tự treo biển thì không kiểm soát được, thích mấy sao thì treo nấy là không ổn. Dẫn đến nhà nước mất kiểm soát, người đi du lịch thì thiệt thòi” – đại biểu nêu.

Ông đề nghị không nên để tự nguyện mà Tổng cục Du lịch phải đứng ra thẩm định, ít nhất là đối với những cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên. Đồng thời sau mấy năm phải định kỳ kiểm tra, nếu không đáp ứng được thì rút hoặc hạ sao xuống.

ĐBQH Nguyễn Chiến (Hà Nội) nêu thực trạng hiện nay chúng ta chưa có quy chuẩn thống nhất toàn quốc về xếp sao hạng, dẫn đến chỉ chú trọng những cơ sở từ 4 sao trở lên, 3 sao trở xuống rất lộn xộn, tuỳ tiện. “Có tình trạng các địa phương tự nâng sao nâng hạng để cạnh tranh, và đến những dịp lễ, Tết chúng ta là người phải chịu trận, tăng giá vô tội vạ”, ông nói.

Quan điểm của đại biểu là phải có cơ quan có thẩm quyền ban hành tiêu chí chung, tránh sự lạm quyền, tuỳ tiện và cạnh tranh giữa các địa phương. Cùng với đó phải có vấn đề thanh tra, kiểm tra.

“Cấp xong rồi mà không có hậu kiểm thì sẽ bị biến tướng, không đạt chuẩn nhưng vẫn giữ sao hạng, ảnh hưởng môi trường và dịch vụ. Việc hậu kiểm cần định kỳ ở thời điểm nhất định, ví dụ 3 năm. Vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo việc quản lý nhà nước đối với một ngành đặc thù mà chúng ta cho là mũi nhọn. Đồng thời sẽ giúp ngành du lịch phát triển nhưng đảm bảo đảm tính bền vững” – đại biểu Nguyễn Chiến nêu.

Đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch

Thảo luận tại tổ về luật Du lịch sửa đổi sáng nay, 8-11, ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cảnh báo, khi ngành du lịch phát triển mạnh, lượng khách du lịch tăng lên thì cũng tiềm ẩn các thế lực chống đối tiếp cận đất nước ta qua con đường du lịch.

“Du lịch chỉ là một phần nhưng đằng sau hoạt động du lịch là các hoạt động, âm mưu xấu, lợi dụng hoạt động du lịch để nắm bắt thông tin, tuyên truyền kích động lôi kéo, ảnh hưởng an ninh, trật tự của đất nước”. Đại biểu đề nghị luật này phải thiết kế, thành lập một lực lượng chuyên trách để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, đó là cảnh sát du lịch.

ĐBQH Dương Ngọc Hải (TP.HCM) đề nghị xem xét cơ chế bảo vệ du khách. Bởi việc khách nước ngoài bị gây rối, chèo kéo là một trong những lý do khiến họ tới Việt Nam mà không quay lại. Ông đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch và đưa về Bộ Công an quản lý.

ĐBQH Đào Thanh Hải (Hà Nội) cũng đồng tình việc thành lập cảnh sát du lịch như Thái Lan để đảm bảo quyền lợi cho du khách và các tổ chức hoạt động về du lịch, đồng thời thúc đẩy ngành này phát triển. Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội, TP.HCM và các địa phương du lịch phát triển cũng đã dự định thành lập cảnh sát du lịch ở một số địa bàn trọng điểm.

Quỳnh Vinh
.
.
.