Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không có chuyện “xin – cho” trong phân bổ vốn ODA

Thứ Năm, 15/06/2017, 17:52
“Tại sao phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, ODA thiếu dự toán? Nguyên nhân gốc rễ có phải vẫn tồn tại “xin – cho” nên phân bổ chậm?" - ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chất vấn.

Mở đầu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, đại biểu cho biết, năm 2017 Quốc hội quyết định bội chi ngân sách là 172.000 tỷ đồng nên việc khống chế thấp hơn là hết sức cần thiết, cấp bách trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ đang xin chuyển nguồn trái phiếu Chính phủ chưa phân bổ 12.500 tỷ đồng; 18.000 tỷ đồng vay về cho vay lại của 5 dự án mà VEC làm chủ đầu tư chưa xử lý và 5.000 tỷ đồng vốn ODA đã giải ngân năm 2015 nhưng chưa có dự toán.

“Bộ trưởng sẽ tham mưu cho Chính phủ xử lý 3 khoản đầu tư trên như thế nào để vừa đúng luật, không làm tăng bội chi ngân sách?” – đại biểu đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Đối với những công trình trọng điểm quốc gia, ĐBQH Hoàng Quang Hàm cho rằng, việc Bộ trưởng đổ lỗi Luật đầu tư công là chưa thoả đáng khi lý giải cho việc bố trí vốn dài trải 80.000 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư chậm. “Tại sao phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, ODA thiếu dự toán? Nguyên nhân gốc rễ có phải vẫn tồn tại “xin – cho” nên phân bổ chậm? Có phải Bộ đã can thiệp quá sâu vào quá trình phân bổ nên ách tắc cho đầu tư hay không?”, ông đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Trả lời chất vấn tại hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong số 80.000 tỷ đồng nói trên có 70.000 tỷ đồng dành cho các dự án quan trọng quốc gia, 10.000 tỷ đồng cho dự án chống ngập tại TP.HCM và 5.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành…

Về câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn đã lên tiếng trả lời thay cho Bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo luật, tất cả những công trình trọng điểm quốc gia phải được trình ra Quốc hội cho phép, thông qua chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, các công trình hiện nay vẫn chưa được phân bổ giải ngân vốn là do chưa được thông qua thủ tục này.

“Cho đến nay, dự án đường cao tốc Bắc – Nam chưa được Quốc hội thông qua mà phải dời lại vào kỳ họp tiếp theo để kịp bổ sung hồ sơ; tương tự dự án chống ngập tại TP. HCM cũng vậy” - Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, trách nhiệm của Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành là chậm trễ trong hồ sơ trình ra Quốc hội nên các dự án trọng điểm vẫn chưa phân bổ được vốn đầu tư.

ĐBQH Hoàng Quang Hàm đặt câu hỏi chất vấn

Đối với ý thứ hai trong câu hỏi ĐBQH Hoàng Quang Hàm nêu ra về tình trạng các dự án ODA luôn thiếu vốn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, trước đây, các dự án ODA thường được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án và theo cam kết. Tuy nhiên, theo Hiến pháp 2013 và quy định của pháp luật thì hiện nay phải xây dựng kế hoạch và tất cả phải đưa vào kế hoạch.

“Trong thời gian vừa qua, một số bộ ngành và địa phương chưa quan tâm đến kế hoạch này và chưa rõ, nên trong quá trình xây dựng vẫn chưa đưa việc sử dụng vốn ngoại vào kế hoạch” – Bộ trưởng giải thích.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, trên thực tế, việc bố trí vốn dàn trải và chậm hiện nay không còn nhiều và trách nhiệm việc phân bổ không thuộc Bộ KH&ĐT. “Đến nay, kế hoạch trung hạn chỉ còn lại 12,5% và kế hoạch năm 2017 gần như giao hết, chỉ còn lại 1,5%”

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng khẳng định không có chuyện “xin – cho” mà toàn bộ do các bộ ngành quyết định. Vì theo quy trình thì các bộ, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất phân bổ vốn; sau đó Bộ KH&ĐT hướng dẫn tiêu chí, định mức phân bổ rồi tổng hợp, rà soát và trình Chính phủ quyết định báo cáo Quốc hội. Quốc hội phê chuẩn thông qua thì Chính phủ giao vốn, và Bộ KH&ĐT có nhiệm vụ thông báo. 

Quỳnh Vinh
.
.
.