Chính sách đầu tư trung, dài hạn sẽ xóa cơ chế xin - cho

Thứ Hai, 27/10/2014, 10:25
9 tháng qua, kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đang phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, thời gian qua, những sai lệch trong con số thống kê, sự sụt giảm của vốn đầu tư nước ngoài và giải quyết chính sách đầu tư công trung hạn… đang là mối lo lắng, quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các doanh nghiệp và người dân.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm 2014 và những năm tiếp theo, ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục những vấn đề trên. Đây cũng là nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trên chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời trên VTV tối 26/10.

Thống nhất các số liệu thống kê

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, thời gian qua, việc tính GDP của các địa phương có sự chênh lệnh, thậm chí là khá khác biệt với cả nước. Người đứng đầu ngành KH&ĐT cho rằng, đây là việc không đáng có trong công tác điều hành vĩ mô. Ông Vinh cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chênh lệch về số liệu giữa Trung ương và địa phương.

Mặc dù, phương pháp tính GDP của các địa phương là theo phương pháp của Liên hợp quốc hướng dẫn, phương pháp tính và nguyên tắc tính không có khác biệt gì so với cách tính GDP của Trung ương do Tổng cục Thống kê tính, tuy nhiên, cách tính GDP của các địa phương không chính xác, bởi có rất nhiều khoản tính bị trùng. Ví dụ như: Các doanh nghiệp đóng trụ sở tại Hà Nội nhưng lại hoạt động ở các địa phương, cho nên việc phân bổ tính cho địa phương này bao nhiêu, địa phương kia bao nhiêu là rất khó.

Những năm gần đây, các dự án đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều.

Bộ trưởng cho biết, trên thế giới không nước nào giống Việt Nam. Tất cả các quốc gia trên thế giới không tính GDP của các địa phương, mà chỉ tính GDP chung cho cả quốc gia. Theo quan điểm của Bộ trưởng, tới đây sẽ chỉ tính GDP của quốc gia. Nếu các địa phương vẫn muốn có con số đánh giá việc tăng trưởng của địa phương, Bộ KH&ĐT đang đưa ra một quy trình cải cách cách tính để thu hẹp cách tính này. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề án cải cách cách tính GDP. Và đề án này sẽ được thực hiện bắt đầu từ năm 2016, theo đó, các địa phương cung cấp số liệu cho Tổng cục Thống kê để Tổng cục Thống kê tính GDP cho các địa phương. Như vậy, việc phân bổ các chi phí mang tính toàn quốc như: ngân hàng, bảo hiểm… sẽ được tính chính xác hơn, phù hợp hơn. Như vậy sẽ thu hẹp được khoảng cách chênh lệch giữa cách tính GDP của các địa phương với Trung ương.

Cần có cách nhìn dài hạn hơn về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI)

Bộ trưởng cho rằng, các nhà đầu tư ở nước ngoài, họ phải chịu rất nhiều tác động và đặc biệt là tác động của chính tập đoàn, công ty của họ và việc quyết định đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào nhiều yếu tố. “Như vậy, việc tăng giảm không chỉ có đánh giá việc giỏi hay không giỏi của Việt Nam, việc đó có nhưng không phải là tất cả”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo người đứng đầu ngành KH&ĐT, Việt Nam cần đánh giá tình hình thu hút FDI theo một thời kỳ. Và việc đánh giá về thu hút FDI trong thời gian 5 năm là phù hợp. Mặc dù, trước sự sụt giảm về thu hút FDI trong thời gian qua, nhưng Bộ trưởng hoàn toàn tin tưởng rằng, năm nay, thu hút FDI của Việt Nam vẫn có thể đạt mức khoảng 15-16 tỷ USD, đạt kế hoạch đề ra. Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang có những dự án rất lớn của Samsung và các tập đoàn khác đã đăng ký đầu tư. Ví dụ: như TP.HCM đã cấp phép cho Tập đoàn Samsung với dự án 1,4 tỷ USD. Và tới đây có 1 dự án gấp đôi về vốn sẽ đầu tư vào khu vực phía Bắc.

Đối với một số dự án FDI không hiệu quả, gây lãng phí về đất đai, Bộ trưởng cho biết, cũng có nhưng chưa nhiều. Bộ KH&ĐT đã có công văn gửi các địa phương thận trọng khi tiếp cận với những dự án lớn và cần phải báo cáo Chính phủ. Bộ KH&ĐT cũng đã chỉ đạo các địa phương sẽ thu hồi giấy phép của những dự án không hiệu quả và cần lựa chọn những dự án thực chất, có hiệu quả. 

Chính sách đầu tư trung, dài hạn sẽ xóa cơ chế xin - cho

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, hiện nay, nhu cầu đầu tư của các địa phương, Bộ, ngành là rất lớn trong khi ngân sách rất hạn chế. Dẫn đến tạo ra một nhu cầu áp lực vốn rất lớn. Bộ trưởng ví dụ: Nếu triển khai một dự án nhóm C phải mất 3-4 năm, dự án nhóm B phải mất 4-5 năm, dự án nhóm A dài hơn. Và khi làm dự án như vậy, chủ đầu tư cần phải biết là tiền ở đâu, và khi ký một dự án thì phải biết tiền ở đâu, chứ không phải lúc đó mới đi chạy. Thời gian qua, chúng ta đã từng làm như vậy, và điều đó tạo ra một nhu cầu rất lớn, dẫn đến các chủ đầu tư phải chạy, và “ai chạy khỏe thì dự án đó được nhiều”, Bộ trưởng nói.

Để các dự án thực hiện hiệu quả hơn, theo Bộ trưởng, việc đầu tiên chúng ta cần phải biết có bao nhiêu tiền trong ngân sách, ở địa phương có bao nhiêu và Trung ương có bao nhiêu và cần phải lựa chọn dự án nào quan trọng bậc nhất, có sự tác động lan tỏa cho cả vùng và cả nước để chúng ta đầu tư thì khi đầu tư mới hiệu quả.

Bộ KH&ĐT đã đề xuất với Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792 để chấn chỉnh lại việc này. Bên cạnh đó,  Quốc hội cũng đã thông qua Luật Đầu tư công; đặc biệt, trong luật đã quy định khi ký quyết định để đầu tư một dự án, phải xem lại chủ trương, xem dự án đó có thực sự hiệu quả hay không; đồng thời, phải có trách nhiệm xem vốn ở đâu để đầu tư và số tiền phải đảm bảo cho đủ dự án. Những điều này đã nhằm đảm bảo cho dự án có hiệu quả.  Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, phương thức này được đánh giá là có khuôn khổ chặt chẽ, linh hoạt, minh bạch; phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là biện pháp căn cơ nhất, nền tảng nhất để hạn chế việc xin cho và nhũng nhiễu trong lĩnh vực đầu tư công này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, việc ngăn chặn được dàn trải, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công sẽ không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Cần sớm đưa Luật Đầu tư công vào thực hiện. Tuy nhiên, thực thi luật là cả một quá trình và ngay cả đầu tư công trung hạn cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Bộ trưởng đánh giá, việc một chủ trương mới ra đời rất đúng nhưng để triển khai được còn đầy khó khăn, mỗi bước đường còn nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, với sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành thì một ngày không xa Việt Nam sẽ vào khuôn khổ chung như các nước. Lúc đó, các nguồn đầu tư kể cả nguồn vốn ngân sách do Trung ương cũng như địa phương quản lý sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn

Lưu Hiệp
.
.
.