Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu nguyên nhân học viên cai nghiện trốn trại
- Học viên cai nghiện trốn trại leo lên cột đèn cao áp cười nói điên dại
- Vụ học viên cai nghiện trốn trại ở Đồng Nai: Hồi chuông cảnh báo!
- Học viên cai nghiện trốn trại do tâm lý sợ ra tòa
- Xác định 3 đối tượng cầm đầu trong vụ hơn 500 học viên cai nghiện trốn trại
Mở đầu phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ LĐ,TBXH Đào Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt câu hỏi: “Vừa qua xảy ra tình trạng học viên các trung tâm cai nghiện trốn trại, gây dư luận xấu. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của vấn đề này, đặc biết các nguyên nhân pháp lý và giải pháp để chấm dứt tình trạng này?”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước có hơn 210.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với năm 2015. Ngoài heroin thì xuất hiện nhiều loại ma tuý rất khác biệt, tính chất phức tạp mà nhiều nước trên thế giới cũng đang loay hoay khắc phục.
Đặc biệt loại ma tuý đá có hiện tượng chung là dễ dẫn đến rối loạn tâm thần và các hành vi nghiêm trọng khác… 60% các vụ án liên quan đến tội phạm ma tuý. Cả nước có khoảng 60.000 người nghiện đang được cai nghiện tại các cơ sở; 17.488 học viên phải cai nghiện bắt buộc theo quyết định của toà án, trong đó 59,5% học viên không có nơi cư trú.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành |
Về việc vừa qua xảy ra một số vụ trốn trại, đập phá các cơ sở cai nghiện tập trung ở Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Hải Phòng…, Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do ở một số nơi việc thực hiện không đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
“Nhiều địa phương vì muốn trong sạch địa bàn đã tìm cách đưa tất cả các em nghiện, sử dụng ma tuý vào cơ sở, dẫn đến tình trạng quá tải. Thực tế phải phân biệt giữa người sử dụng ma tuý, người lạm dụng, người nghiện, người có nơi cư trú và người không có nơi cư trú. Ví dụ, ở Đồng Nai chỉ nuôi dưỡng được 500-600 em nhưng đã đưa 1.447 em vào đây, trong khi cơ sở vật chất tận dụng từ thời Mỹ nguỵ trở lại, điều kiện ăn ở không đảm bảo, tạo sự bức bối cho các em” – Bộ trưởng phân trần.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng do không phân biệt được học viên giai đoạn ban đầu vào, giai đoạn cai bắt buộc và giai đoạn sau cai nên việc ở chung giữa những người giai đoạn ban đầu với những người trong diện cai nghiện bắt buộc nên tạo ra sự lôi kéo nhau, tác động lẫn nhau.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, một trong những nguyên nhân quan trọng là các cơ sở thường có tối thiểu 35-45% các em có tiền án tiền sự, thậm chí cộm cán, đi tù… Số này tâm lý thường hay quá khích, lôi kéo, xúi giục các bạn. Trong khi quy định của chúng ta nếu có hiện tượng phá trại, phá cơ sở thì chế tài duy nhất là cơ sở có trách nhiệm tìm, vận động, thuyết phục đưa các em trở lại. “Sau việc ở Đồng Nai thì có việc ở Vũng Tàu, tôi có hỏi vì sao như thế thì các em bảo, các em có ra thì lại bị bắt lại vào trại thôi, có bị gì đâu”.
Bộ trưởng Bộ LĐ,TBXH Đào Ngọc Dung |
Về nguyên nhân pháp lý, Bộ trưởng cho rằng đó là khó khăn về đội ngũ cán bộ. “Một gia đình phục vụ 1 người nghiện đã khó khăn, trong khi ở đây bình quân 1 cán bộ phục vụ 10 học viên. Vừa rồi Đồng Nai cho bổ sung 20 cán bộ nhưng suốt thời qua không có hồ sơ đăng ký vào. Lương hơn 2 triệu đồng/tháng trong khi bao nhiêu phức tạp rình rập… Ở cơ sở cai nghiện nhiều đối tượng phức tạp nhưng cán bộ không được trang bị công cụ để đảm bảo an ninh cho mình. Học viên thì chỉ tìm cách trêu tức, chọc tức để cán bộ nóng lên thì lấy cớ trốn trại…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích.
Người đứng đầu Ngành LĐ,TBXH cũng nêu ra những vướng mắc trong Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật phòng chống ma tuý. Luật quy định độ tuổi 12-18 không đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng thực tiễn số này rất lớn, tính chất hết sức phức tạp; theo quy định những em có nơi cư trú ổn định thì không áp dụng cai nghiện bắt buộc, tuy nhiên một em ở nơi khác đến TP.HCM sử dụng ma tuý thì phải tìm xem quê em ở đâu để đưa về địa phương xử lý, rất khó khăn... Đối với thời gian cai nghiện 24 tháng theo quy định là quá dài trong khi tỷ lệ cai được rất nhỏ, Bộ trưởng kiến nghị UBTVQH xem xét, sửa đổi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhận định, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng bên trong các cơ sở cai nghiện chưa chặt chẽ. Ở một số nước giao việc quản lý này cho cơ quan chức năng khối tư pháp, còn ở ta giao cho ngành LĐ,TBXH. Hiện lực lượng Công an chỉ có trách nhiệm lo ở vòng ngoài cơ sở cai nghiện, còn từ cổng trở vào lại giao cho một ngành dân sự quản lý các đối tượng phức tạp. Ông đề nghị phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành ở bên trong trung tâm cai nghiện thì mới có hiệu quả.