Bộ Ngoại giao lên tiếng về hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông

Thứ Năm, 19/04/2018, 16:47
Ngày 19-4, trong khuôn khổ buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa tái khẳng định các hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các bên mà không có sự đồng ý của Việt Nam là hoàn toàn vô giá trị và bất hợp pháp.


Theo đó, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến các hoạt động tập trận của Trung Quốc trên Biển Đông và cho 2 máy bay quân sự hạ cánh xuống đường băng do nước này xây dựng trái phép trên đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định quan điểm của Việt Nam.

"Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế; có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982", bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ đó, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Quan điểm của Việt Nam là rõ ràng và nhất quán, mong muốn các quốc gia đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình ổn định và đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông. Các hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các bên mà không có sự đồng ý của Việt Nam là hoàn toàn vô giá trị và bất hợp pháp".

Cũng trong khuôn khổ buổi họp báo, chia sẻ phản ứng về Hội nghị thượng đỉnh Liên triều sắp diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam hoan nghênh việc Đại Hàn Dân Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh ngày 27-4 sắp tới nhằm thúc đẩy đối thoại duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Liên quan đến thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét đưa Mỹ gia nhập Hiệp định CPTPP, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là CPTPP, là một Hiệp định thương mại mở, theo đó các nền kinh tế có thể tham gia CPTPP sau khi Hiệp định đi vào triển khai trên cơ sở chấp thuận các tiêu chuẩn của Hiệp định cũng như sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.

A.N - L.B
.
.
.