Biển Đông không phải vùng biển riêng của Trung Quốc

Thứ Ba, 27/03/2018, 08:40
Đây là khẳng định của các phương tiện truyền thông quốc tế vào những ngày cuối tháng 3, khi Trung Quốc tuyên bố tập trận ở biển Đông, còn Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo điều chỉnh quy chế cấm đánh bắt cá trên biển, bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, có “hiệu lực” từ ngày 1-5.


Từ thông điệp của quốc tế

Hãng Forbes dẫn lời một số quan chức cấp cao của Mỹ, Pháp, Nhật Bản cho rằng, động thái mới nhất của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Một số tờ báo khác cũng nhận định, cộng đồng quốc tế rất lo ngại trước các nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát trái phép biển Đông. 

Hãng AP thì dẫn lời một nhà nghiên cứu người Mỹ khẳng định, thời gian qua, Trung Quốc có vẻ "náu mình" để cho tình hình biển Đông dịu lại, sau đó tung ra những chiến lược nhằm tạo nên sự việc đã rồi, gây bất ngờ và khiến các quốc gia khác không kịp trở tay.

Một số tờ báo khác nhấn mạnh, biển Đông không phải vùng biển riêng của Trung Quốc mà là vùng biển mở cửa đối với tất cả các tàu thương mại và quân sự. Việc Trung Quốc tập trận cũng như ra lệnh cấm đánh bắt cá sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự tự do hàng hải trên vùng biển này.

Các báo cáo của tổ chức Global Fishing Watch công bố hồi cuối tuần trước cho thấy, hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc vươn xa nhất thế giới và có quy mô rầm rộ nhất, trong đó có nhiều hoạt động đánh bắt cá trái phép ở ngay biển Đông. Ảnh: Dong-A Ilbo.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop thì kêu gọi tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết xung đột. Bà Julie Bishop cũng nhấn mạnh, Australia cam kết đảm bảo an ninh hàng hải, tự do trên các vùng biển và rằng những tuyên bố đơn phương như kiểu của Trung Quốc sẽ làm tình hình biển Đông trở nên phức tạp.

Quan điểm của Ngoại trưởng Australia là một trật tự phải được lập nên dựa trên luật lệ quốc tế, sự điều chỉnh hành vi thích hợp giữa các quốc gia; các quốc gia phải được cạnh tranh công bằng và không đe dọa nước khác hoặc làm mất ổn định khu vực hay trên thế giới. "Cần phải có giới hạn về mức độ mà các quốc gia sử dụng quyền lực kinh tế hoặc quân sự của mình để áp đặt quốc gia khác, nhất là những nước kém phát triển hơn", bà Julie Bishop nhấn mạnh.

Swee Lean Collin Koh, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh biển, Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore thì cho rằng, "kỳ trăng mật" sau khi thỏa thuận khung về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) được ký kết đã chấm dứt, giờ là lúc để bắt đầu triển khai các công việc chi tiết.

Theo quan điểm của Swee Lean Collin Koh, COC là sáng kiến quan trọng, được các bên thúc đẩy để kiềm chế, giải quyết các tranh chấp tại biển Đông nhưng sẽ không mấy khả quan về lịch trình cũng như khả năng đảm bảo hiện thực hóa nếu Trung Quốc vẫn cứ có những hành động đơn phương như trên.

Đến cảnh báo của các nhà khoa học

Nói kỹ hơn về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, nhiều nhà phân tích cho rằng, đây chỉ là phương pháp áp đặt và "lấy mạnh đè yếu" của Trung Quốc. Trong khi ra lệnh cấm đánh bắt cá, Trung Quốc lại cho xuất kích hàng loạt tàu cá của mình.

Một số nhà quan sát khác nhấn mạnh, hành động đơn phương ban hành Quy chế cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên biển Đông không chỉ gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực mà còn vi phạm các quyền lợi và lợi ích pháp lý của ngư dân các quốc gia khác, vi phạm luật pháp quốc tế; trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan. Thực chất là Trung Quốc đang muốn sử dụng chiêu trò này để gia tăng khả năng đánh bắt cá cho ngư dân của mình, bởi lẽ nghề cá đang trở thành một thành tố quan trọng trong yêu sách chủ quyền vùng biển của Trung Quốc.

Bà Katherine Tseng Hui-Yi, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore đã có một bài viết cảnh báo về vấn đề này như sau: "Từ sau cải cách, ngành công nghiệp đánh bắtTrung Quốc đã có những bước phát triển cơ bản. Khả năng đánh bắt ngày càng phát triển của Trung Quốc dẫn tới tình trạng suy thoái môi trường biển. Tuy nhiên, nghề cá trở thành một thành tố quan trọng trong yêu sách chủ quyền vùng biển của Trung Quốc. Các khái niệm như chủ quyền, quyền lãnh thổ và quyền đánh bắt ẩn ý rằng nghề cá trở thành một lĩnh vực “chủ quyền hoá”. Việc quản lý nghề cá thành công cũng là một chỉ số đánh giá sự hiệu quả của các quốc gia khi thực hiện hai khía cạnh của chủ quyền nội bộ - quản trị nội bộ hiệu quả và sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế. Sự kiện lịch sử vào những năm 1930 chỉ ra rằng nghề cá từ lâu đã được xem là yếu tố cấu thành quan trọng trong việc thực thi chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, phán quyết của Toà Trọng tài trong vụ kiện biển Đông giữa Philippines - Trung Quốc đã bác bỏ hoàn toàn lập luận về quyền lịch sử của Trung Quốc, trong đó nghề cá là một thành tố quan trọng. Vì vậy, Trung Quốc đang điều chỉnh lại quyền đánh bắt và các yêu sách vùng biển của mình".

Các báo cáo của tổ chức Global Fishing Watch công bố hồi cuối tuần trước cũng cho thấy, hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc vươn xa nhất thế giới và có quy mô rầm rộ nhất, lớn hơn cả tổng quy mô của 10 vị trí tiếp theo. Hãng tin Reuters đã dẫn thông tin từ báo cáo và khẳng định, tàu cá Trung Quốc hoạt động khoảng 17 triệu giờ trong một năm, tập trung vào vùng biển ở phía nam nước này, đồng thời vươn xa đến cả châu Phi và châu Mỹ. Thống kê của tổ chức Greenpeace còn chỉ ra rằng, Trung Quốc có khoảng 2.500 tàu đánh bắt ở vùng biển xa và luôn luôn không được chào đón.

Theo luật quốc tế, tàu không được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, được Liên Hợp Quốc quy định là 200km tính từ bờ biển nhưng các tàu cá Trung Quốc luôn vi phạm. Năm ngoái, tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ vì đánh bắt lậu ở Senegal Guinea, Sierra Leone và Guinea-Bissau. Năm 2016, lực lượng tuần dương Argentina đánh chìm một tàu cá Trung Quốc với vi phạm tương tự...

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.