ADB chi cực khủng đối phó với biến đổi khí hậu
Trong năm 2016, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB đã phê duyệt mức cao kỷ lục là 3,7 tỉ USD để tài trợ về tài chính cho vấn đề khí hậu, và cam kết gia tăng các khoản đầu tư của mình lên mức 6 tỉ USD vào năm 2020.
Họp báo trực tuyến điểm cầu Hà Nội, ngày 14-7 |
Theo Báo cáo được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Nghiên cứu Tác động Biến đổi khí hậu Postdam (PIK) công bố trong buổi họp báo trực tuyến hôm 14-7, việc không ngăn chặn biến đổi khí hậu có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những thành tựu phát triển và chất lượng đời sống của người dân ở các nước Châu Á và Thái Bình Dương.
Báo cáo chung “Một khu vực đang bị đe dọa: Khía cạnh con người trong biến đổi khí hậu tại Châu Á và Thái Bình Dương” đã chỉ ra rằng nhiệt độ tại nhiều khu vực của châu Á sẽ có nguy cơ tăng thêm 6 độ C vào cuối thể kỉ này, đặc biệt, một số nước trong khu vực có thể đối mặt với thời tiết nóng chưa từng có. Sự gia tăng nhiệt độ dễ dẫn đến những biến đổi mạnh mẽ của thời tiết như bão nhiệt đới và lũ lụt, dẫn đến những tác động tiêu cực đến lĩnh vực nông nghiệp, đất đai và hệ sinh thái biển, cũng như vấn đề an ninh trong nước và khu vực, thương mại, phát triển đô thị, di cư và y tế".
Ông Bambang Susantono, Phó Chủ tịch ADB phụ trách Quản lý Tri thức và Phát triển bền vững nhận định: “Cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu có lẽ là thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỉ XXI, trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là tâm điểm. Các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đang có nguy cơ cao rơi vào tình trạng nghèo khổ nếu các nỗ lực giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu không được thực hiện mạnh mẽ và nhanh chóng”.
Đặc biệt, biến đổi khí hậu cũng làm tăng nguy cơ mất an ninh năng lượng, gián tiếp dẫn đến xung đột giữa các quốc gia trong cạnh tranh nguồn cung năng lượng có hạn.
Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bản báo cáo nêu bật tầm quan trọng của việc thực thi những cam kết nêu trong Hiệp định Paris, bao gồm đầu tư của nhà nước và tư nhân tập trung vào phi carbon hóa nền kinh tế châu Á, cũng như triển khai các biện pháp thích nghi biến đổi khí hậu để bảo những nhóm người là đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực.
Các nỗ lực giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu cũng phải được lồng ghép vào các chiến lược phát triển khu vực ở cấp vĩ mô và vi mô, bên cạnh đổi mới công nghệ và áp dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và giao thông.
“Sự tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp sạch sẽ mang đến cho châu Á những cơ hội kinh tế chưa từng có. Việc tìm ra những chiến lược tối ưu nhất để đối phó với biến đổi khí hậu sẽ giúp châu Á trở thành nhân tố chủ chốt trong chủ nghĩa đa phương của thế kỷ XXI”, Giáo sư Hans Joachim Schellnhuber, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Biến đổi khí hậu Postdam chia sẻ.
Trong năm 2016, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB đã phê duyệt mức cao kỷ lục là 3,7 tỉ USD để tài trợ về tài chính cho vấn đề khí hậu, và cam kết gia tăng các khoản đầu tư của mình lên mức 6 tỉ USD vào năm 2020.