Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ về đâu?

Chủ Nhật, 04/06/2017, 11:57
Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ khiến thỏa thuận này kém hiệu quả hơn và có thể khiến nhiệt độ trái đất tăng thêm 0,3°C vào cuối thế kỷ này.

Ngày 1-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố quyết định rút nước này khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, bước đi giúp ông hiện thực hóa cam kết tranh cử với người dân Mỹ.

Ngay sau đó, các tổ chức quốc tế cùng giới quan sát đã đưa ra những ý kiến khác nhau, lý giải tại sao Tổng thống Donald Trump lại chọn nước cờ này và đưa ra nhận định về tầm ảnh hưởng của Hiệp định Paris trong tương lai.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là một văn bản quốc tế đầu tiên trong lịch sử nhận được sự tham gia mạnh mẽ của 195 nước. Hiệp định qui định tất cả các nước thành viên đề ra một mục tiêu, chung tay nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và duy trì nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ tăng từ 2°C trở xuống, tính tới hết thế kỷ này. Một nước thành viên chỉ có thể chính thức rút khỏi hiệp định sớm nhất là tháng 11-2020.

Lý lẽ của người đứng đầu nước Mỹ

Mỹ đã tham gia ký kết thỏa thuận này năm 2015 dưới thời của ông Obama. Đây là thỏa thuận không có tính ràng buộc mà theo tinh thần tự nguyện của mỗi quốc gia về chỉ tiêu giảm phát thải lẫn mức tài chính đóng góp.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015.

Trong đó, Mỹ cam kết giảm 26-28% lượng khí thải đến năm 2025 và nằm trong danh sách các nước giàu/phát triển, phải huy động 100 tỉ USD cho các nước nghèo. Theo Tổng thống Donald Trump, để giảm khí thải, Mỹ phải giảm sản xuất, đóng cửa bớt nhà máy, người dân mất việc làm và Mỹ sẽ tiêu tốn “hàng tỉ, hàng tỉ, hàng tỉ USD”, trong khi nợ công nước này ở mức 20.000 tỉ USD.

Tờ Telegraphcủa Anh cũng chỉ ra thực tế rằng, ngay từ thỏa thuận của Liên Hợp Quốc năm 1992 đã mập mờ về khái niệm “quốc gia phát triển” dẫn tới đóng góp không đồng đều, đặt Mỹ vào thế bất lợi so với nước khác, gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ.

Giới phân tích cho hay đây là bước đi thể hiện chính sách cốt lõi của Tổng thống Donald Trump - coi “Nước Mỹ trên hết."

Trong bối cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như hiện nay, khi kinh tế Mỹ đang phát triển chậm so trước đây, kinh tế một số nước lớn khác đang phát triển bền vững hơn, để giữ vị trí độc tôn, Mỹ buộc phải thực hiện những chiến lược đặc biệt.

Một số Thượng Nghị sĩ của Australia – đồng minh thân cận của Mỹ nêu quan điểm, Australia cần xem xét lại có nên tiếp tục tham gia vào thỏa thuận này hay không sau khi Mỹ rút lui, bởi họ hoàn toàn có thể điều phối được chương trình làm giảm hiệu ứng nhà kính và giúp đỡ một số quốc gia khác, mà không cần đến bất cứ một thỏa thuận chung.

Trước đó, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull không lấy làm ngạc nhiên về tuyên bố của chính phủ Washington, dù ông cũng cảm thấy “thật không may”.

Số phận của Hiệp định Paris

Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ khiến thỏa thuận này kém hiệu quả hơn và có thể khiến nhiệt độ trái đất tăng thêm 0,3°C vào cuối thế kỷ này.

Theo ông Deon Terblanche, người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu khí quyển và môi trường thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới, con số nêu trên chỉ là ước tính bởi cho đến nay chưa có bất cứ dự báo đánh giá nào về những hậu quả đối với môi trường và khí hậu khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận nói trên.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ công bố quyết định rút nước này khỏi Hiệp định Paris, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu, Mỹ nên là quốc gia tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bởi chúng ta cam kết vì một tương lai tốt đẹp hơn, bền vững hơn cho con em mình. 

Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu cũng bày tỏ sự đáng tiếc về "quyết định đơn phương" rút khỏi Hiệp định Paris của Mỹ và có thể gây tổn hại lớn đến lợi ích của chính quốc gia này. Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và khẳng định văn kiện này sẽ được duy trì, dù 194 quốc gia còn lại sẽ phải cần thêm nhiều thời gian hơn.

Tại châu Mỹ, các quốc gia láng giềng của Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp tục tham gia hiệp định. Mexico - quốc gia luôn đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khẳng định việc cam kết thực hiện Hiệp định Paris là việc làm cấp thiết.

Ngày 3-6, thống đốc nhiều bang, thị trưởng các thành phố và quản lý các doanh nghiệp quy mô lớn của Mỹ đã có những động thái thể hiện tinh thần đoàn kết trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Thống đốc bang California, New York và Washington tuyên bố thành lập một liên minh chống biến đổi khí hậu tại Mỹ, cam kết duy trì thực hiện nghĩa vụ của nước này trong Hiệp định Paris cũng như kêu gọi sự tham gia của nhiều bang khác.

Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ Scott Prutt nhắc lại lập trường của Tổng thống Donald Trump, để ngỏ khả năng Mỹ có thể tham gia trở lại Hiệp định Paris với những điều kiện có lợi hơn hoặc tiến hành một cuộc thương thảo mới.

Ông Scott Prutt khẳng định điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo châu Âu. Hiện tại, lãnh đạo 3 nước gồm Đức, Pháp và Italy đã ra tuyên bố chung khẳng định "không thể tái đàm phán" về Hiệp định Paris.

Linh Bùi
.
.
.