Việt Nam hoan nghênh sáng kiến nào duy trì hòa bình ở Biển Đông

Thứ Tư, 16/01/2019, 14:32

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi liên quan đến diễn biến trên Biển Đông trong năm 2018 và những giải pháp cho vấn đề này năm 2019  trong cuộc họp báo ngày 15-1.



Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng, năm 2019, Biển Đông vẫn là vấn đề được quan tâm lớn, không chỉ của Việt Nam, của các nước trong khu vực mà cả các nước ngoài khu vực. Bởi lẽ, bất cứ vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông cũng tác động tới môi trường hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, thương mại hàng hải, giao lưu trên khu vực Biển Đông.

Năm 2018, an ninh trên Biển Đông diễn biến phức tạp vì sự thay đổi nguyên trạng, hành động đơn phương mở rộng các đảo đá, quân sự hóa các đảo đá... Các nước hết sức lo ngại về việc Biển Đông trong tương lai sẽ trở thành khu vực dễ xảy ra xung đột, từ đó, ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, ổn định không chỉ trong khu vực mà của cả Châu Á – Thái Bình Dương.

"Do đó, các nước quan tâm và có nhiều hoạt động quân sự diễn tập tại khu vực này, làm cho tình hình Biển Đông nóng hơn. Việt Nam chúng ta nhất quán quan điểm rằng Biển Đông là mối quan tâm chung, không được tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến sự cố, gây xung đột trong khu vực và nếu xảy ra thì Việt Nam là nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Lập trường của chúng ta là tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Chúng ta vẫn tiếp tục thúc đẩy và hoan nghênh các sáng kiến nào góp phần duy trì hòa bình trên Biển Đông", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí hôm 15-1

Về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2018 vẫn tiếp tục phát triển, mức độ các chuyến thăm trong năm diễn ra bình thường. Mặc dù không có các chuyến thăm cấp cao nhất như trong năm 2017 (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam) nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Kim ngạch thương mại hai chiều là hơn 100 tỷ USD.

Đương nhiên, Việt Nam – Trung Quốc cũng có những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ, đó là vấn đề trên biển. "Qua các trao đổi, chúng ta vẫn tiếp tục nêu các vấn đề trong quan hệ như những diễn biến trên Biển Đông, đồng thời triển khai các cơ chế của chúng ta. Hiện chúng ta có 3 cơ chế trên biển với Trung Quốc. Đó là hợp tác về những vấn đề ít nhạy cảm, hợp tác phân định bên ngoài và hợp tác cùng phát triển. Các vòng đàm phán về các cơ chế này vẫn tiếp tục", Phó Thủ tướng cho biết thêm.

Riêng câu hỏi của phóng viên về việc sự thay đổi trong chính quyền Mỹ tác động như thế nào đến quan hệ Việt -Mỹ và việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định,  quan hệ Việt Nam– Mỹ phát triển từ cựu thù đến đối tác toàn diện. Quan hệ này không phải là với một đảng cầm quyền mà với cả hai Đảng, dù dưới thời Tổng thống nào, không phải là quan hệ với một cá nhân mà là với cả một đất nước. 

Do đó, quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nào trong chính quyền Mỹ. "Điều rất mừng là cả hai Đảng cũng đều rất ủng hộ quan hệ với Việt Nam. Trong năm 2018, quan hệ Việt – Mỹ phát triển tốt đẹp dù có những thay đổi. Cá nhân tôi đã hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ và có quan hệ tốt. Trong năm 2018, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng phát triển, lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ vào thăm Việt Nam. Không có sự dừng lại trong hợp tác giữa hai bên", Phó Thủ tướng nói.

"Còn trong vấn đề Biển Đông quan điểm của Việt Nam là tất cả những đóng góp nào nếu phục vụ cho mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông thì chúng ta không phản đối, phải tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS. Đó là con đường tự do thông thương trên cơ sở hòa bình. Đó là mục tiêu chúng ta hướng tới.

ASEAN và Trung Quốc đã có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) từ năm 2002, đến nay đã gần 20 năm. Trong DOC có điều khoản tiến tới xây dựng COC. Cho đến nay, hai bên thương lượng về COC là nằm trong tiến trình của DOC, chỉ có điều diễn ra chậm hơn so với mong muốn của các nước. Khi kiểm điểm 10 năm thực hiện DOC, các nước trong ASEAN luôn luôn bày tỏ mong muốn sớm ký kết COC", Phó Thủ tướng đánh giá.


H.Chi
.
.
.