Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia là việc làm cấp thiết

Thứ Sáu, 28/07/2017, 14:01
Ngày 28-7 tại Ninh Bình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo “ Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia”, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, du lịch, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng tìm ra giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các chính sách liên quan đến môi trường và phát triển du lịch. 


Theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cả nước có 46 khu du lịch được định hướng quy hoạch phát triển thành du lịch quốc gia. Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, các khu du lịch quốc gia là những điểm đến hấp dẫn với du khách trong và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mang lại về nhiều mặt, hoạt động du lịch cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch nói chung, môi trường các khu du lịch quốc gia nói riêng. Điều này đòi hỏi các khu du lịch quốc gia cần quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

Môi trường sạch sẽ hấp dẫn du khách quay trở lại

Ông Nguyễn Văn Lợi- Chủ tịch UBND xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình cho biết, Trường Yên là xã miền núi, với tổng diện tích 2.140 ha, có địa hình phức tạp với nhiều núi, sông, dân số gồm 11.905 nhân khẩu, với 3.904 hộ. Trong đó dịch vụ du lịch chiếm 80%, thu nhập người dân đạt 31 triệu đồng/ người/ năm. Xã có 19 di tích lịch sử- văn hoá được xếp hạng trong đó có 2 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 11 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 6 di tích xếp hạng cấp tỉnh và nhiều danh lam thắng cảnh trong phạm vi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới. Đây là điểm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến với Trường Yên. 

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả kinh tế- xã hội mang lại cho địa phương, hoạt động du lịch cũng đang trở thành tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch trên địa bàn thời gian qua. Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch là do công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên. Ngoài ra, ý thức của du khách chưa cao, còn tình trạng vứt rác, thức ăn thừa tại các điểm du lịch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để khắc phục tình trạng trên tại xã Trường Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, đặc biệt có sự vào cuộc của cơ quan chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, công tác bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch trên địa bàn đã được cải thiện. Như quy hoạch lại bãi xe, xây dựng quy định bỏ rác thải có biển quy định cụ thể; đầu tư lắp đặt gần 50 thùng đựng rác đặt tại các vị trí thuận tiện; hàng ngày có tổ thu gom rác... các cơ sở kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn ký cam kết về bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh ( Cao Bằng), Trưởng ban quản lý Khu du lịch Thác Bản Giốc cho biết, lượng khách đến với Thác Bản Giốc tăng mạnh qua các năm năm 2014 chỉ có trên 60.000 lượt khách, năm 2015 tăng lên trên 153 nghìn lượt; 2016: trên 180 nghìn lượt và năm 2017 ước đạt trên 200 nghìn lượt khách. 

Tuy nhiên, quy hoạch khu du lịch mới được phê duyệt nên chưa kêu gọi được đầu tư. Bên cạnh đó, nhận thức của một số hộ dân về chấp hành quy định của Nhà nước trong hoạt động du lịch chưa đầy đủ, hoạt động kinh doanh còn mang tính tự phát, thiếu tính bền vững, việc tự phát xây dựng bán hàng trái phép trong khu du lịch vẫn còn tiếp diễn gây nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường du lịch. Do vậy, vấn đề môi trường được ban quản lý đặc biệt quan tâm, tuyên truyền vận động người dân cùng nâng cao nhận thức và chung tay gìn giữ vệ sinh môi trường sinh thái tại khu du lịch Thác Bản Giốc- động Ngườm Ngao.

Dưới góc độ đơn vị khách sạn, ông Trần Ngọc Lương- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn khách sạn Mường Thanh cho rằng, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều tác động đến môi trường, bao gồm cả tích cực và tiêu cực. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có các hành động cụ thể để giảm thiểu các tác động tiêu cực, phát huy những tác động tích cực để bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Như tại Mường Thanh nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cán bộ nhân viên về bảo vệ môi trường, áp dụng chính sách giảm thiểu sử dụng năng lượng, nước, giảm thiếu phát sinh rác thải và áp dụng chính sách bảo tồn.

GS.TS Tạ Hoà Phương Đại học quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, việc giữ gìn vệ sinh môi trường là nhu cầu cấp thiết với các khu du lịch quốc gia. Vấn đề này tuy đã được chú ý, nhưng cho đến nay nhìn chung đây vẫn là điểm yếu của Du lịch Việt Nam. 

Lý giải vấn đề này, GS.TS Tạ Hoà Phương chỉ ra những tác động từ hoạt động khai thác than đá ở Quảng Ninh trong hơn 100 năm qua đã khiến trầm tích đáy vịnh Hạ Long bị phủ một lớp mỏng bụi than màu đen, có tác động xấu môi trường đáy biển, dễ vẩn đục, cản ánh sáng và tạo môi trường khử mạnh không thuận lợi cho sự phát triển của sinh vật đáy… hành vi xả rác tại các khu du lịch quốc gia cho tới nay vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý du lịch, kể cả Hạ Long – Cát Bà; Sapa- Fansipan. Phong Nha- Kẻ Bàng hay Đồng Văn- Mèo Vạc. 

Mặc dù, công ty Trường Thịnh khai thác động Thiên Đường đã rất cố gắng trong công tác vệ sinh môi trường, có xe điện đưa du khách lên cao, có nhiều chỗ đặt thùng rác trên đường đi, làm hệ thống đèn chiếu sáng khá hợp lý… nhưng vẫn không tránh được lượng rác tích luỹ phía dưới hành lang bốc mùi khó chịu và thu hút động vật ăn rác và thức ăn thừa trong rác thải… 

Tại hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan, vẫn không tránh được một lượng rác không nhỏ do vô tình hay hữu ý bay xuống những cánh rừng Hoàng Liên Sơn bên dưới, trong đó có không ít áo mưa đã qua sử dụng. “Từ việc nhỏ đến việc lớn vấn đề bảo vệ môi trường tại các điểm đến cần được quan tâm giải quyết sớm, bởi đây là bộ mặt của di sản, là điều đập vào mắt du khách trong và ngoài nước. Gây được cảm tình đối với du khách hay không cũng một phần phụ thuộc vào sự quan tâm giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường này.” GS. TS Tạ Hoà Phương nói.

Cần có biện pháp quyết liệt để bảo vệ môi trường

 TS. Trương Sỹ Vinh- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho biết, môi trường là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, qua đó ảnh hưởng đến khả năng hút khách, đến sự tồn tại của hoạt động du lịch. Bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch đã gây ra những hệ luỵ nhất định tới môi trường. 

Cùng với sự gia tăng về lượng khách thì các chất thải từ hoạt động du lịch ngày một tăng nhanh trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở các trọng điểm phát triển du lịch. Sự phát triển du lịch cùng làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, gia tăng ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và sự thay đổi bình quân môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật. Các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc vốn rất nhạy cảm của cộng đồng các dân tộc thiểu số đã có những biến đổi nhất định do tiếp xúc thường xuyên với khách du lịch.

Theo ông Vinh, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là công tác bảo vệ môi trường ở các khu, điểm du lịch nói chung và ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng chưa được quan tâm thoả đáng. Bản thân các cơ sở kinh doanh du lịch nói riêng chưa nhận thức đươc một cách đúng đắn, đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh sản xuất của mình với vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, dưới góc độ quản lý nhà nước, ngành du lịch vẫn chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh du lịch.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định, ngành du lịch Việt Nam xác định bảo vệ môi trường du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững. Đối với các khu du lịch quốc gia, việc bảo vệ môi trường lại càng là yêu cầu cấp thiết. Nếu không thực hiện tốt nhiệm vụ này, các khu du lịch quốc gia sẽ chịu những tác động tiêu cực của môi trường, bị mai một, thoái hoá trong quá trình khai thác du lịch, từ đó không còn sức hấp dẫn đối với du khách. 

Trong thực tế, mỗi hình loại khu du lịch quốc gia có những tính chất riêng, vì vậy yêu cầu bảo vệ môi trường đối với chúng cũng có những đặc điểm khác nhau. Theo bà Hương, để đảm bảo phát triển du lịch bền vững tại các khu du lịch quốc gia thì cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu du lịch đảm bảo tính khoa học; tăng cường năng lực quản lý môi trường trong các khu du lịch, khu bảo tồn, phân công đầu mối quản lý các khu bảo tồn, vườn quốc gia; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giám sát về môi trường; phát triển sinh kế cho người dân góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch bền vững.

L.Hiệp
.
.
.