Bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân trong xác thực và định danh điện tử

Thứ Sáu, 22/03/2019, 20:55
Ngày 22-3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Định danh và xác thực điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số”.

Hội thảo do Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan phát triển quốc tế Australia phối hợp tổ chức. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã tham dự và phát biểu khai mạc tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của định danh và xác thực điện tử trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và đặc biệt trong nền kinh tế số. Bởi đây là yêu cầu tất yếu cho việc xây dựng Chính phủ điện tử thành công.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng và các đại biểu dự Hội thảo.

Theo số liệu của Văn phòng Chính phủ, có gần 1 tỷ người trên toàn cầu thiếu một hình thức định danh; 6,6 tỉ người còn lại có một số hình thức định danh nhưng hơn 50% không thể sử dụng hiệu quả trong hệ sinh thái số hiện nay.

Còn tại Việt Nam, các cá nhân, tổ chức đã sở hữu nhiều mã số như mã số bảo hiểm y tế (82 triệu), mã số bảo hiểm xã hội (trên 4 triệu), mã số thuế, mã số doanh nghiệp, mã số người gửi tiền ngân hàng, SIM di động… Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vì cơ sở dữ liệu này hiện đang được Bộ Công an xây dựng.

Cũng theo  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không chờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà cần tìm các biện pháp sử dụng các mã số nêu trên để xác thực định danh công dân.

Đến quý IV-2019 sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia và khai trương Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu trên cơ sở nâng cấp Trục liên thông văn bản quốc gia đã được khai trương từ ngày 12-3-2019.

Tại Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa hiện nay, việc xác định, định danh hiện nay phần lớn được thực hiện thông qua tài khoản và mật khẩu, không đủ đảm bảo định danh xác thực khi tham gia giao dịch.

Đại diện cho Ngân hàng Thế giới, cơ quan đồng tổ chức Hội thảo, ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và hoạt động dự án cũng nhất trí với quan điểm quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc khẩn trương xây dựng hệ thống xác thực và định danh điện tử.

Theo ông Achim Fock, lợi ích của việc xây dựng hệ thống này là quá rõ ràng bởi nó góp phần phần tiết kiệm rất nhiều cho công dân, chính phủ và doanh nghiệp, giúp giảm chi phí giao dịch, tăng cường tính hiệu quả và thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới trong tiến trình cung cấp dịch vụ công. Đây thực sự là một cơ hội không thể bỏ lỡ trong thời đại số.

 Ông Achim Fock cũng cho biết, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai xác thực và định danh số. Mục tiêu chung của các chương trình này là nâng cao việc cung cấp dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời hình thành một hệ sinh thái xác thực và định danh số an toàn, có quy mô lớn và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Tuy vậy, đại diện Ngân hàng thế giới cũng lưu ý về những thách thức sẽ gặp phải khi triển khai hệ thống xác thực và định danh số. Đó là  cần tránh sự manh mún trong triển khai hệ thống xác thực và định danh số.

Trong trường hợp chưa có một hệ thống định danh số mang tính nền tảng như cơ sở dữ liệu dân cư, thì có thể sử dụng cơ sở dữ liệu xác thực trong các lĩnh vực như mã số bảo hiểm xã hội, tài khoản ngân hàng, SIM di động... để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, cần chú ý bảo vệ bí mật thông tin cá nhân theo hướng xây dựng các văn bản pháp luật bảo vệ dữ liệu và triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu việc lộ lọt thông tin cá nhân.

Ngoài ra,  muốn hệ thống xác thực và định danh số hiệu quả cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên tham gia gồm chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Hùng Quân
.
.
.