Bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng

Thứ Bảy, 04/04/2020, 07:41
Chiều 3/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, trong đó có việc thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly trong xã hội.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết, hiện nay, nhiều nước triển khai các biện pháp rất mạnh mẽ, quyết liệt như sáng nay, Thủ tướng Thái Lan ra lệnh giới nghiêm; một số nước ra lệnh phong tỏa; Nga đưa ra chế tài, phạt rất nặng...

Nhấn mạnh không làm suy giảm tinh thần của Chỉ thị 16, Thủ tướng nêu rõ, không để tác động của tình hình kinh tế làm thay đổi tinh thần của Chỉ thị 16 mà cần thực hiện nghiêm hơn. Mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, nhiều ca, có thể dẫn tới phá vỡ hệ thống cơ sở điều trị. Việc cách ly cần tiếp tục thực hiện nghiêm.

Theo Thủ tướng, có một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc, có điểm sai, “chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ cách ly xã hội”. Tinh thần là thực hiện quyết liệt, không được chần chừ.

Thủ tướng cho rằng, có kinh nghiệm được rút ra từ nhiều nước trong nhiều thời kỳ thì nơi nào chống dịch kiên quyết thì sau đó kinh tế phát triển, còn nếu để dịch tràn lan, gây hại rất lớn thì sau đó kinh tế khó phục hồi. 

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là giai đoạn cần huy động tổng lực trong phòng chống dịch. Chúng ta cần phối hợp nhịp nhàng hơn, nhuần nhuyễn hơn để tạo nên sức mạnh. Yêu cầu làm nhanh nhưng chính xác, chung tay góp sức của nhiều người. Biểu dương Hà Nội bố trí khách sạn để cách ly các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Thủ tướng nêu rõ, cần quan tâm đặc biệt đến đội ngũ trực tiếp chống dịch, nhất là các y bác sĩ, cả về vật chất và tinh thần.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, thế giới ghi nhận vượt con số 1 triệu người mắc tại 206 quốc gia, vùng lãnh thổ; Mỹ là quốc gia đầu tiên có số mắc trên 200.000 người, 2 quốc gia có trên 100.000 trường hợp mắc (Italy, Tây Ban Nha); ghi nhận 53.200 trường hợp tử vong, trong đó 10 quốc gia có trên 1.000 trường hợp tử vong.

Tính đến 11h hôm nay, tại Việt Nam ghi nhận 233 trường hợp mắc, trong đó 42 trường hợp liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai (27 trường hợp là nhân viên Công ty Trường Sinh); 16 trường hợp liên quan tới quán Bar Buddha (TP Hồ Chí Minh). 

Trong tổng số ca mắc, số ca phát hiện sau nhập cảnh là 114 (48,9%), số nhập cảnh được phát hiện tại cộng đồng 34 (14,6%), số ca lây nhiễm từ ca bệnh xâm nhập 28 (12%), số ca phát hiện tại cộng đồng 57 (24,5%). 

Có 85 trường hợp đã khỏi bệnh, còn lại 148 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh; 2 bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 46 trường hợp xét nghiệm âm tính lần 1, có 21 ca âm tính lần 2.

Về kết quả rà soát các trường hợp có liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, đến 18h ngày 2/4, đã rà soát 44.474 người, trong đó có 4.593 bệnh nhân nội trú, 1.299 bệnh nhân ngoại trú (các tỉnh báo về), 30.617 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.167 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 145 người làm cho Công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan. Các trường hợp này đã được các địa phương giám sát, thực hiện cách ly tại nhà hoặc tập trung cho một số đối tượng.

Riêng đối với Hà Nội, theo số liệu báo cáo của Hà Nội, tính đến thời điểm 12h ngày 2/4, các đơn vị đã rà soát được 21.956 người có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai.

Ban Chỉ đạo cho biết, về biện pháp ngăn chặn các ca xâm nhập: Dừng cấp visa, hạn chế nhập cảnh, cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh… đã ngăn chặn được 918 trường hợp lây lan trong cộng đồng.

Chính sách cách ly toàn xã hội về thực chất là giãn cách xã hội được nhiều nước áp dụng để ngăn chặn các trường hợp xâm nhập đã bị bỏ sót (ước tính số bỏ sót cao qua các chu kỳ lây nhiễm có thể lên tới trên 1.500 người). Hầu hết các nước áp dụng khi phát hiện trên 50 trường hợp nhưng khi áp dụng không còn khả năng ngăn chặn. 

Việt Nam áp dụng khi ca nhiễm dưới 20 trường hợp nhiễm trong một ngày. Chính sách này là phù hợp, kịp thời để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.

Thủ tướng đánh giá các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt việc phòng chống dịch, nhất là việc khoanh tìm, xử lý ổ dịch tại quán bar Buddha và Công ty Trường Sinh. Đến nay, có trên 200 ca dương tính nhưng hiện có 85 ca bình phục, chưa có ca tử vong. Nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân được bảo đảm. 

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh “tình nghĩa đồng bào sâu nặng, thủy chung khi đất nước lâm nguy, đại dịch xảy ra”. Có nhiều tấm gương nhân ái từ Nam chí Bắc trong thời gian qua mà các cơ quan báo chí đã đăng tải rất ấn tượng.

Cho biết tăng trưởng quý I/2020 đạt 3,82% là mức thấp trong nhiều năm nhưng Việt Nam vẫn là nước tăng trưởng cao nhất khu vực, Thủ tướng nhấn mạnh, có thể hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng mà Chính phủ đề ra.

Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm, tử vong tăng nhanh. Do đó, Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta không cương quyết, không thực hiện nghiêm túc nhất những chủ trương của Đảng, Nhà nước thì vấp phải bệnh chủ quan, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trong cộng đồng. Phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Chỉ thị gần đây của Thủ tướng. Không làm suy giảm tinh thần các Chỉ thị, nhất là Chỉ thị 16 trong tổ chức thực hiện.

Đây là giai đoạn cần huy động tổng lực, cần phối hợp nhuần nhuyễn, nghiêm túc, “khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, nhất là các ổ dịch, tìm cho được các trường hợp lây nhiễm”. Quan tâm sớm hơn, kịp thời hơn đối với người nghèo, không để ai bị đói kém. Bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân như điện, nước, gạo, thực phẩm, rau, thuốc chữa bệnh… là vấn đề đặt ra đối với các cấp, các ngành. Xử lý nghiêm vi phạm, đầu cơ, hàng giả, kém chất lượng, trong đó có việc xử lý hình sự một số cá nhân cố tình vi phạm để răn đe, giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh.

Thủ tướng yêu cầu, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Người dân chỉ ra khỏi nhà nếu có việc thực sự cần thiết; luôn đeo khẩu trang, đứng cách nhau tối thiểu 2m…

Bộ Y tế sớm hoàn thành công tác chuẩn bị cho các tình huống phức tạp; đẩy nhanh hơn nữa việc tự chủ sản xuất trang thiết bị phòng hộ. Có chương trình phát triển máy thở ở Việt Nam một cách căn cơ, chặt chẽ, có sự hỗ trợ về cơ chế của Nhà nước. Thủ tướng hoan nghênh các đơn vị có phương án sản xuất máy thở tại Việt Nam.

Trong công tác phòng chống COVID-19, tiếp tục đẩy mạnh phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. “Xã hội chậm lại nhưng những người làm công tác phòng chống dịch, các lực lượng, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành y tế phải tăng tốc hơn, tiếp tục quyết liệt hơn nữa, khẩn trương hơn nữa”, Thủ tướng nói, yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tập huấn, chăm sóc, điều trị; chuẩn bị kỹ lưỡng phương án bệnh viện dã chiến.

Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu này, các cấp, các ngành cần thay đổi trong tư duy, phương pháp làm việc hơn nữa. Đây là nguy cơ nhưng cũng là thời cơ cho phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, hiện có chuyển biến rõ rệt ở nước ta, đặc biệt đẩy mạnh kinh tế số, thương mại điện tử. Đây cũng là dịp cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu các địa phương, nhất là các thành phố lớn phải tiếp tục bảo đảm dự trữ, cung cấp đủ cơ số hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; ngăn chặn đầu cơ nâng giá, bảo đảm an ninh trật tự trong mọi tình huống. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo không trung thực.

Thủ tướng lưu ý công tác phòng chống dịch tại các nhà dưỡng lão, các trung tâm cai nghiện ma túy, các trại giam trong lực lượng Công an, Quân đội, đặc biệt trong ngành Y tế.

PV (Theo Chinhphu.vn)
.
.
.