Báo chí góp phần làm nổi bật những dấu ấn đối ngoại

Thứ Ba, 15/01/2019, 16:41
Năm 2018, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã được triển khai bài bản, căn cơ, thể hiện bản lĩnh ngoại giao với tầm nhìn chiến lược, mang lại những dấu ấn mới, một phần nhờ sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và sáng tạo của báo chí.


Sáng 15-1, tại Nhà khách Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp mặt thân mật với đại diện các cơ quan báo chí, phóng viên nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019.

Khẳng định đây là sự kiện truyền thống ý nghĩa vào dịp cuối năm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ và đóng góp hết sức hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí vào thành công chung của công tác đối ngoại trong năm qua.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2018, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực biến động nhanh với nhiều nhân tố bất ngờ và bất định, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã được triển khai bài bản, căn cơ, thể hiện bản lĩnh ngoại giao với tầm nhìn chiến lược.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minhphát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: VGP/Hải Minh

Với phương châm chủ động, sáng tạo trong cách làm và hiệu quả trong hành động, công tác đối ngoại đã vươn mình khẳng định thêm nhiều dấu ấn mới, góp phần nâng cao thế và lực của đất nước. 

Cụ thể, đối ngoại đa phương đã có bước phát triển mới về chất với việc ngày 8/8/2018 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 25 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một văn kiện chỉ đạo riêng về đối ngoại đa phương, là một cột mốc quan trọng về tư duy đối ngoại và thể chế hóa chủ trương của Đại hội Đảng XII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, theo đó chúng ta phấn đấu dần đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” trong các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.

Tiếp nối thành công của Năm APEC 2017, Việt Nam tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26, Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10... 

Đặc biệt, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) do Việt Nam tổ chức tháng 9/2018 tại Hà Nội được đánh giá là thành công nhất trong lịch sử 27 năm qua của diễn đàn này.

Các sự kiện đa phương tầm vóc nói trên đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Thành công của những sự kiện đó cho thấy vai trò, vị thế và uy tín của đất nước ta đã tăng đáng kể, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế tín nhiệm trao thêm nhiều trọng trách đa phương quan trọng như Việt Nam là đại diện duy nhất của Nhóm ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và lần đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL).

Về quan hệ song phương, Việt Nam đã củng cố và mở rộng thêm được khuôn khổ quan hệ với các đối tác chủ chốt thông qua việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Australia và đối tác toàn diện với Hungary, đưa tổng số các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên con số 28, trong đó 2/3 số đối tác chiến lược được thiết lập sau Đại hội Đảng lần thứ XI. 

Quan hệ hữu nghị và hợp tác với các đối tác, nhất là các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước lớn như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp… tiếp tục đi vào chiều sâu; tin cậy chính trị và hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực tiếp tục được tăng cường. 

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện 28 chuyến thăm nước ngoài và dự các hội nghị quốc tế lớn, đón 33 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước thăm và dự các hoạt động quan trọng tại Việt Nam và hàng trăm cuộc tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị đa phương quan trọng, qua đó thực sự tạo xung lực mới trong quan hệ với các đối tác trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ thiết thực lợi ích an ninh và phát triển của đất nước.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, giữa trào lưu bảo hộ thương mại, Việt Nam đã cùng 10 quốc gia thành viên khác ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và là một trong 7 nước phê chuẩn hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên trên thế giới, qua đó khẳng định vai trò là một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực.

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang hoàn tất các bước kỹ thuật cuối cùng để ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). 

Bám sát và thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Ngoại giao 30 là lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới, ngoại giao kinh tế đã góp phần xứng đáng vào thúc đẩy nâng cao kim ngạch thương mại của Việt Nam với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, đóng góp vào việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục 475 tỷ USD trong đó xuất siêu đạt 7,7 tỷ USD trong khi tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.

Bên cạnh những điểm sáng nói trên, một thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại là đã triển khai rất kịp thời, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan đại diện đã bảo hộ cho 10.378 công dân (tăng 22% so với năm 2017), 1.589 ngư dân/189 tàu cá; tranh thủ quan hệ hữu nghị với nhiều nước như Indonesia, Philippines… để vận động đối xử nhân đạo cho các công dân, ngư dân ta.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, ngoại giao văn hóa và thông tin tuyên truyền đối ngoại đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh một Việt Nam đổi mới, hội nhập, ổn định, hiếu khách và giàu bản sắc. Việc Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng và “Hoàng hoa sứ trình đồ” được UNESCO công nhận đã làm phong phú thêm các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam.

Đánh giá về công tác đối ngoại năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và mở rộng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước; củng cố môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển, tăng cường, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế”.

Cũng trong buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao tặng Kỷ niệm chương của Bộ Ngoại giao và Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao cho các tập thể, cá nhân đã có những đóng góp nổi bật vào công tác thông tin đối ngoại, trong đó có Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Buổi sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn đông đảo các cơ quan báo chí về tình hình quốc tế và khu vực cũng như thành tựu mọi mặt của công tác đối ngoại trong năm 2018.

Theo baochinhphu
.
.
.