Báo chí ASEAN trong kỷ nguyên số

Thứ Tư, 19/10/2016, 14:40
Báo chí các nước ASEAN đang thực hiện sứ mệnh cao cả, góp phần vào việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, vị thế và tác động của công nghệ cũng như mạng xã hội đối với công chúng ngày càng lớn và tạo ra nhiều thách thức không nhỏ đối với báo chí. 

Phát biểu tại hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí ASEAN: Những góc nhìn so sánh” do Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và Viện Konrad Adenauer Stiftung đồng tổ chức ngày 19-10, TS Otto Munaf Iskandar, Giám đốc Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ) nhấn mạnh, báo chí các nước ASEAN đã thực sự là cầu nối văn hóa, giúp nhân dân các nước trong khu vực gần gũi và hiểu biết nhau hơn.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp và sự bùng nổ của truyền thông số toàn cầu, để giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, rất cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của CAJ, của báo chí các nước ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, cũng như đề cao công lý trong giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật phát quốc tế; hướng dư luận tới những giá trị tốt đẹp, góp phần cho sự phát triển thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN và thế giới.

Theo TS Otto Munaf Iskandar, tự do báo chí sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn nếu đi kèm với sự gia tăng độ chuyên nghiệp trong báo chí, bao gồm đạo đức nghề nghiệp. Ngay cả những nhà báo chuyên nghiệp cũng cần được trang bị thêm kiến thức về đạo đức báo chí. Truyền thông số, truyền hình và phát thanh không thể cung cấp một thước đo bởi sự giới hạn của thời gian nên báo chí vẫn là nguồn quan trọng bởi nó có thể đọc đi, đọc lại và là nguồn kiểm tra tính chân thật của thông tin, bao gồm cả quảng cáo.

Vì thế, tương lai của truyền thông ASEAN, theo TS Otto Munaf Iskandar là truyền thông với công nghệ như báo chí trực tuyến, báo chí cho thiết bị di động. Với những người biết đón trước xu thế tương lai thì đây là cách mới để chuyển giao một thông điệp trong dạng tin tức và quảng cáo thành một thứ khác với một nguồn thông tin cơ bản về vấn đề và sự kiện.

Cũng bàn về vấn đề này, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamplus, TTXVN đã nhìn nhận theo một hướng tư duy khu vực và sử dụng công nghệ mới để tạo dựng tiếng nói trên toàn cầu. Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định: “Nội dung là vua. Công nghệ là nữ hoàng. Tin tức theo phong cách”. Điều đó có nghĩa, mỗi một tờ báo, tùy theo tiêu chí có thể sử dụng công nghệ truyền thông để phục vụ cho hoạt động làm báo của mình trong đó đặc biệt chú trọng đến các hoạt động online.

Đồng thời, nhà báo Lê Quốc Minh cũng đã nhắc đến Hội nghị thượng đỉnh các Biên tập viên ASEAN 2016 được tổ chức tại Kualar Lumpur hồi tháng 4 vừa qua. Một số giải pháp đã được đưa ra nhằm tăng cường hợp tác truyền thông, thúc đẩy bản sắc ASEAN và nhận thức về hội nhập như: phương tiện truyền thông đầy đủ, chính xác và công bằng; tuân thủ những tiêu chuẩn cao nhất về tính chuyên nghiệp; thiết lập các diễn đàn; nhận diện và đánh giá, khen thưởng những tin tức, bài báo hay…

Nhiều đại biểu khác cũng khẳng định, sự ra đời và phát triển của Internet đã tạo tiền đề cho sự ra đời và phát triển của truyền thông số mang tính tương tác cao, khả năng truyền tải thông tin không hạn chế, tính thời sự và phi định kỳ… Từ đây, vấn đề đạo đức báo chí trong môi trường này lại trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng nhất.

Trên thực tế, mọi nghề nghiệp trong xã hội đều cần có đạo đức, nhưng đối với nghề báo, đạo đức nghề nghiệp càng phải đề cao. Những khối lượng thông tin lớn được chuyển tải tức  từng giây phút qua mạng Internet khiến con người không còn đủ khả năng kiểm soát thông tin. 

Hiện tượng thiếu trung thực, bóp méo sự thật, lèo lái thông tin theo những ý đồ xấu xuất hiện khắp nơi. Sự phát tán thông tin một cách hỗn độn và sai lệch làm cho nhiều người mất niềm tin, dẫn đến hậu quả là những thông tin tốt đẹp cũng có thể bị loại trừ, tẩy chay theo.

Do đó, việc nhà báo giữ vững đạo đức báo chí không chỉ khẳng định niềm tin của công chúng đối với báo chí, mà quan trọng hơn, sẽ cam kết và đảm bảo quyền được biết, quyền được thông tin của người dân trong xã hội dân chủ. Trong nhiều năm qua, CAJ đã thể hiện vai trò tích cực, nỗ lực thúc đẩy môi trường báo chí tự do, mang tính xây dựng, chia sẻ và đề cao các chuẩn mực đạo đức người làm báo.

Dẫn chứng sinh động nhất là việc CAJ đã thông qua Quy tắc đạo đức báo chí, khẳng định các giá trị tổng quan và đặc thù. Quy định về đạo đức báo chí đó đề cao tính nhân văn, nhấn mạnh vai trò trách nhiệm và lương tâm của người làm báo, trước hết là nguyên tắc trung thực, khách quan, phấn đấu vì sự công bằng trong xã hội.

TS Kalinga Seneviratne (ĐH Chulalongkon) nói: “Nhà báo cần lắng nghe con người, phục vụ con người, phản ánh vấn đề có tâm và dựa trên triết lý của người châu Á để kể lại câu chuyện mà họ bắt gặp. Vì vậy, xây dựng một nền báo chí ASEAN là mở rộng tư tưởng nhấn mạnh vào con người, góp phần xây dựng hạnh phúc của người dân ASEAN. 

Cần phải bắt đầu tư tưởng này bằng việc xây dựng chương trình giảng dạy báo chí ASEAN trong nhà trường, độc lập khỏi tư tưởng báo chí của phương Tây. Tự do báo chí nhưng đồng thời cũng phải theo chuẩn mực xã hội”…

Huyền Chi
.
.
.