Băn khoăn về điều chỉnh danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Thứ Hai, 31/10/2016, 09:46
17h ngày 29-10, “ngoài giờ của ngoài giờ” vì là ngày nghỉ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành họp thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do Bộ Kế hoạch & Đầu tư thay mặt Chính phủ trình.

Theo dự thảo được Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm đi 41 ngành, nghề. Cụ thể, có 27 ngành, nghề không cần thiết phải quy định đã được bãi bỏ. Ngược lại, có 15 ngành, nghề đã được bổ sung. 29 ngành nghề có nội dung trùng lặp đã được hợp nhất vào 19 ngành, nghề.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đã cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18 ngành, nghề nhằm phản ánh chính xác, đầy đủ, minh bạch điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề này phù hợp với quy định tại các luật có liên quan cũng như thực tiễn quản lý nhà nước. Như vậy, tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn 226 ngành.

Đáng chú ý, ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô đã được bổ sung vào danh mục do đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Diễn đàn DN Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).

Điều này được một đại diện lãnh đạo Quảng Nam có mặt tại cuộc họp lý giải: Do vấn đề bảo hộ DN sản xuất trong nước, công ăn việc làm cho địa phương và thu ngân sách của Quảng Nam từ riêng Trường Hải năm ngoái đã là 16.000 tỷ, chưa kể thuế VAT.

Tranh luận xung quanh điều kiện kinh doanh đối với ôtô vẫn đang tiếp tục tại diễn đàn Quốc hội.

Cùng với ngành nghề này, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô cũng được đưa vào danh mục, dù trước đó đã được bỏ ra, khiến ông Hoàng Thanh Tùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lập tức phải hỏi cơ quan soạn thảo lý do bổ sung.

Dù dự thảo đã được trình ra Quốc hội, ông Nguyễn Văn Công – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải vẫn bảo lưu đề nghị đưa bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô ra khỏi danh mục và cho biết bộ này đã kiến nghị như vậy nhiều lần. 

“Ban đầu chúng ta đưa vào, nhưng chỉ bảo hành, bảo dưỡng xe nhập khẩu thôi, chứ không phải tất cả. Giờ mở ra thế này, phạm vi tác động sẽ rất rộng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hạn chế sự phát triển của DN nhỏ, hộ kinh doanh cá thể đang làm dịch vụ này và không đảm bảo hạn chế nhập siêu như chính sách ban đầu của Chính phủ” – ông Nguyễn Văn Công đề xuất.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI thì cho rằng, những ngành nghề đã có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn và các biện pháp kiểm tra gắt gao để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn đó thì không cần phải có điều kiện kinh doanh, như sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô; kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành xe ôtô.

“Ôtô là hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn, trong Bộ luật dân sự còn coi đây là nguồn nguy hiểm cao độ, do đó việc bảo đảm chất lượng ôtô là rất cần thiết. Tuy nhiên, quản lý bằng điều kiện đầu tư kinh doanh thì đối tượng bị quản lý là thương nhân nhập khẩu ôtô, những vấn đề về vốn, nhân lực, cơ sở kỹ thuật...

Tuy nhiên, dù doanh nghiệp có nhiều vốn, nhiều nhân lực, nhiều cơ sở kỹ thuật thì cũng không làm tăng chất lượng, tính an toàn của chiếc xe ôtô ở bất kỳ một điểm nào. Vì xe ôtô nhập khẩu do hãng nước ngoài sản xuất. Hiện nay, quy định về nhập khẩu ôtô đã cho phép cán bộ đăng kiểm sang tận nơi, vào tận nhà máy của hãng sản xuất để kiểm tra đối với một dòng xe mới nhập về (gọi là kiểm tra COP). Như vậy là phù hợp.

Bộ GTVT đã có đầy đủ quy định để kiểm tra chất lượng an toàn và bảo vệ môi trường đối với ôtô khi nhập về Việt Nam. Đây là kiểm tra thực chất, đánh đúng vào mặt hàng mà không phải đi đường vòng là quản lý người để gián tiếp quản lý hàng nữa” – ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm. 

Do đó, Chủ tịch VCCI đề nghị bỏ sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bảo dưỡng, bảo hành ôtô cùng một số ngành nghề khác khỏi danh mục, “đừng bắt DN phải một cổ hai tròng nữa”.

Bày tỏ sự chưa yên tâm về các giải trình đưa ra trong dự thảo, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết: “Tôi đã tham gia cả 3 lần (họp bàn về dự án luật này), từ sửa 12 luật, xuống 3 luật bây giờ còn mỗi cái danh mục. Cơ quan soạn thảo đã rất kiên định và cố gắng tiếp thu để đưa ra hết dự thảo này đến dự thảo khác và bảo vệ phương án mình đưa ra. Tuy nhiên, vì chưa có báo cáo tác động, nên chưa đủ cơ sở để đánh giá chính sách. Quảng Nam và Vĩnh Phúc thì ủng hộ đưa vào, nhưng còn 61 tỉnh, thành nữa, có ủng hộ không?”.

Chia sẻ băn khoăn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh “đồng tình với quan điểm của Chính phủ và Quốc hội, muốn tạo điều kiện thông thoáng cho DN, nên dù là thứ 7 và rất muộn rồi chúng ta vẫn ngồi đây. Nhưng với số lượng điều chỉnh lớn thế này mà không có đánh giá tác động thì tôi thực sự rất băn khoăn. Chúng tôi rất muốn làm nhanh, nhưng làm phải có chuẩn mực. Ban hành ra mà tác động không tốt hơn là trách nhiệm của chúng ta. Tôi đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động, đặc biệt là 27 ngành nghề bỏ ra, 15 ngành nghề cho vào, phải thuyết phục”.

Chia sẻ quan điểm của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp cùng Ủy ban Kinh tế “làm ngày, làm đêm” để đảm bảo các yêu cầu trước khi trình ra Quốc hội vào ngày 9-11 tới theo lịch dự kiến.

Vũ Hân
.
.
.