Bám sát thực tiễn, kịp thời tư vấn cho Đảng, Nhà nước xử lý các vấn đề nổi cộm về lý luận, phê bình văn nghệ
- Trao tặng thưởng cho 28 tác phẩm
- Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương làm việc với Thường trực Thành ủy Hải Phòng
- Kỳ họp thứ 7 Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương: Công tác lý luận phê bình cần được làm thường xuyên, cẩn trọng
Trình bày báo cáo công tác của Hội đồng giữa 2 kỳ họp thứ ba và thứ tư, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết: Tiếp tục thực hiện chương trình hoạt động toàn khóa và kế hoạch công tác năm 2018, từ sau kỳ họp thứ ba đến nay, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã bám sát thực tiễn, nắm bắt tình hình văn học, nghệ thuật nói chung, lý luận, phê bình nói riêng, triển khai các công việc trọng tâm như tổ chức thành công tọa đàm khoa học “Góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn”; phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918-2018) – Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển" tại TP Hồ Chí Minh; tổ chức xét tặng tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (xuất bản năm 2016-2017).
Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương phân công, Hội đồng đã tham gia và có những đóng góp thiết thực trong việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Hội đồng đã xây dựng báo cáo kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó tập trung đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương họp kỳ 4 ngày 25-6 tại Hà Nội. |
Trên cơ sở đó, Hội đồng đã kiến nghị Ban Bí thư giao cho Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tiếp tục triển khai nghiên cứu giai đoạn 2 của Đề án “Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”, nghiên cứu về giá trị và giải pháp phát huy quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về văn học, nghệ thuật trong tình hình mới; xây dựng chương trình dịch thuật quốc gia về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương để tập trung nguồn lực phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.
Đồng thời, Hội đồng đã phối hợp với Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đi khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết tại một số địa phương, đơn vị trọng điểm, báo cáo Ban Chỉ đạo để xây dựng báo cáo chung gửi Bộ Chính trị và kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết.
Triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để làm tốt chức năng tư vấn, trong thời gian qua, Hội đồng đã đăng ký và được Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương giao chủ trì thực hiện 2 đề tài, đề án khoa học cấp Ban Đảng (cấp Bộ). Đến nay, đề án “Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng lực lượng cán bộ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay” đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị nghiệm thu các cấp.
Đề tài “Nhận diện các khuynh hướng vận động và phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay” đang bắt đầu triển khai nghiên cứu. Đồng thời, Hội đồng phân công chủ nhiệm đề tài, xây dựng thuyết minh 3 đề tài dự kiến sẽ triển khai nghiên cứu trong năm 2019.
Cũng tại buổi họp, PGS.TS Phan Trọng Thưởng đã công bố 11 đầu việc cụ thể của Hội đồng nửa cuối năm 2018. Ngoài nhiệm vụ bám sát, nắm bắt thực tiễn để kịp thời tư vấn cho Đảng và Nhà nước những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Hội đồng sẽ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2018, tổ chức Hội nghị tập huấn công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2018 cho các học viên khu vực phía Nam và phía Bắc, tổ chức lớp bồi dưỡng cho đội ngũ các cây bút trẻ viết lý luận phê bình văn học, nghệ thuật trong cả nước. Hội đồng cũng sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2018.
Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng cơ bản tán thành, nhất trí với nội dung báo cáo do Thường trực Hội đồng chuẩn bị và đánh giá cao các công việc Hội đồng đã triển khai trong thời gian từ sau kỳ họp thứ ba đến nay; đồng thời khẳng định, trong khoảng thời gian không dài giữa hai kỳ họp, Hội đồng đã triển khai khối lượng công việc lớn, với chất lượng tốt, tiếp tục góp phần củng cố uy tín, từng bước nâng cao sức ảnh hưởng của Hội đồng trong đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.
Các thành viên Hội đồng cũng đã cho ý kiến, cơ bản tán thành kế hoạch công tác của Hội đồng đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế, phân tích nguyên nhân và đề ra nhiều giải pháp khắc phục.
PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam bày tỏ băn khoăn về mô hình hoạt động của các tiểu ban chuyên môn trong Hội đồng. Nhạc sĩ khẳng định, đây là sáng kiến đúng, tập trung được chất xám của các chuyên gia trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các thành viên trong từng tiểu ban cần có sự liên kết chặt chẽ hơn, phối hợp với Hội đồng có các hoạt động hằng tuần, hằng quý.
Trong các trường hợp có vấn đề về văn học nghệ thuật gây tranh cãi trong đời sống xã hội, Hội đồng cần có ý kiến ngay, nếu cần thiết có thể tập hợp thành viên, lấy ý kiến đóng góp mang tính chất tư vấn về chuyên môn…
Đại tá, nhà thơ Phạm Khải, đại diện Báo CAND nhận tặng thưởng do đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương trao tặng cho các đơn vị báo chí, xuất bản có tác phẩm xuất sắc về lý luận phê bình văn hóa văn nghệ 2016-2017. |
Đại tá, nhà thơ Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND, Ủy viên Hội đồng chia sẻ: Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khác với các Hội đồng lý luận của các Hội chuyên môn là mọi hoạt động phải có tính định hướng tư tưởng cao; đúng với chức năng nhiệm vụ của một cơ quan trực thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương. Hiện nay, trong hệ thống báo chí rất cần có những cây bút viết phê bình văn học nghệ thuật sắc sảo nhưng nhiều báo chỉ đưa tin về sự kiện.
Ví dụ gần nhất là tọa đàm khoa học góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn của Hội đồng, nhiều đại biểu có ý kiến rất hay nhưng ngày hôm sau xem trên báo thì không có. Phóng viên chủ yếu đưa nội dung từ báo cáo sang. Để tổng thuật, lược thuật tốt thì người viết cần phải có chuyên môn nhất định, khi thấy nội dung nào hay, nổi bật thì phản ánh. Vì vậy, Hội đồng nên quan tâm lựa chọn những cây bút nổi trội ở các báo để bồi dưỡng thêm.
Việc mở các lớp bồi dưỡng về lý luận phê bình là cần thiết, nhưng phải gắn nội dung bồi dưỡng với đời sống thực tiễn. Vì vậy, bên cạnh các GS.TS, các nhà nghiên cứu có kiến thức chuyên sâu, Hội đồng cần mời những người có kinh nghiệm thực tiễn. Mặt khác, công tác tuyên truyền của Hội đồng cũng cần phải được tăng cường. Thời gian vừa qua, Hội đồng làm được nhiều việc nhưng công tác tuyên truyền chưa tương xứng.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng như mở các lớp bồi dưỡng cho các nhà lý luận phê bình trẻ, đổi mới nội dung, chất lượng của Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật; tích cực tổ chức tọa đàm về các vấn đề đặt ra trong đời sống.
Đại tá, nhà thơ Phạm Khải và các tác giả nhận tặng thưởng mức C của Ban Bí thư Trung ương Đảng |
* Tối cùng ngày, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội) đã diễn ra lễ trao tặng thưởng cho 28 các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2016 - 2017. Đây là tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng dành cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng và các đơn vị có nhiều tác phẩm có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng; Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã đến dự, chúc mừng và trao tặng thưởng cho các tác giả cùng một số đơn vị báo chí, xuất bản.
Báo CAND vinh dự là một trong 9 đơn vị báo chí, xuất bản được trao tặng thưởng vì đã có nhiều tác phẩm có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Về cá nhân, Đại tá, nhà thơ Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND vinh dựđược trao tặng thưởng loại C cho tập phê bình - đối thoại văn học “Trang sách, mạch đời”.
Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật do Hội đồng Lý luận Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thực hiện. Các tác phẩm tham gia xét tặng đợt này là những tác phẩm có đóng góp về lý luận và thực tiễn, có tác dụng tích cực, kịp thời trước những vấn đề xã hội quan tâm, có tính thời sự trong đời sống văn học, nghệ thuật, đáp ứng chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, có tác dụng trực tiếp góp phần định hướng sáng tác và tham gia có hiệu quả phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc trong văn học, nghệ thuật.
Được biết, trong lần xét tặng thưởng này, có 10 tác phẩm được trao tặng thưởng loại B (không có giải A); 13 tác phẩm được trao tặng thưởng loại C và 5 tác phẩm đạt khuyến khích.