Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

An ninh thành phố Huế trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Thứ Hai, 22/01/2018, 09:26
Cách đây 50 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện trọng đại, một dấu ấn lịch sử chói lọi của Huế.


Cùng với toàn miền Nam, Huế đã nổi lên là một chiến trường xuất sắc nhất, làm chủ 26 ngày đêm, góp phần vào thắng lợi chung, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, kéo Mỹ phải xuống thang chiến tranh, đơn phương ngừng ném bom miền Bắc (từ vĩ tuyến 20 trở ra), phải chấp nhận ngồi đàm phán với ta về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trong hội thảo khoa học: “Kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968” tại Thừa Thiên - Huế tháng 1-2008, đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng có bài tham luận đã ghi nhận: “Trong ba thành phố là trọng điểm tiến công của đòn chiến lược xuân Mậu Thân thì Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt được mục tiêu cao và giành được thắng lợi lớn. Đặc biệt, hoạt động nổi dậy, tham gia lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quần chúng có tổ chức trong thành phố thể hiện rõ hơn và đạt mức cao hơn các nơi khác. Với 26 ngày đêm chiếm giữ thành phố, thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy ở Huế là nguồn cổ vũ to lớn với quần chúng và nhân dân ta trên khắp chiến trường đã gây áp lực mạnh đối với bọn đầu sỏ Mỹ, ngụy”.

Chiến công to lớn của Đảng bộ, quân và dân Huế là một sự kiện lịch sử tiêu biểu, trong chiến công đó có sự đóng góp xuất sắc của cán bộ chiến sĩ an ninh Huế.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ giữa năm 1967 Khu ủy Trị Thiên Huế đã ra nghị quyết mở cuộc Tổng tiến công toàn diện đông xuân 1967-1968. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch đã diễn ra hết sức khẩn trương, bền bỉ, thầm lặng trên cả ba vùng chiến lược, trọng điểm là Huế.

Thực hiện nghị quyết của Khu ủy, Lãnh đạo Ban An ninh Khu đã khẩn trương lập kế hoạch phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong toàn khu, trọng điểm là Huế và được Thường vụ Khu ủy nhất trí với ba yêu cầu lớn:

Một là: Phối hợp chặt chẽ với quân đội và các lực lượng, tập trung mũi nhọn tấn công vào các cơ quan đầu não tình báo, cảnh sát, biệt kích của Mỹ, ngụy; các đảng phái phản động tay sai đắc lực trong bộ máy ngụy quyền, cũng như những tên đầu sỏ gian ác nhất.

Hai là: Dựa vào thế tấn công của quân đội, ra sức giáo dục phát động quần chúng nổi dậy đập tan bộ máy kềm kẹp của địch từ cơ sở, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, lực lượng vũ trang nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự vùng mới giải phóng và chuẩn bị sẵn sàng đánh phản kích của địch.

Ba là: Ra sức xây dựng lực lượng tại chỗ phục vụ yêu cầu trước mắt và lâu dài”(Bài viết: “Dẫu chỉ có 26 ngày” của đ/c Nguyễn Đình Bảy, cố Phó Ban An ninh Khu Trị Thiên Huế.).

Kết quả nổi lên một số nhiệm vụ:

Thứ nhất, sau khi có nghị quyết của Khu ủy mở cuộc tấn công toàn diện đông xuân 1967-1968, Lãnh đạo an ninh Khu đã cử một trung đội an ninh vũ trang đến vùng Khe Trái (Hương Trà) nghiên cứu địa hình và bí mật đào một địa đạo kiên cố dài 300m xuyên qua một ngọn núi, chia thành ba cửa thông nhau, bên trong có phòng họp, phòng ngủ của lãnh đạo. 

Chính địa đạo này đã bảo vệ tuyệt đối an toàn bộ chỉ huy chiến dịch toàn khu trong suốt thời gian mở cuộc tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Trị Thiên Huế, trọng điểm là Huế.

Thứ hai, trong thời gian chuẩn bị chiến dịch, một kế hoạch bảo mật thật hoàn hảo tuyệt đối đến tận giờ nổ súng do lãnh đạo an ninh Khu và thành phố Huế thực hiện. 

Đợt vận chuyển 2000 tấn gạo ở đồng bằng lên căn cứ miền núi và hàng chục tấn vũ khí từ căn cứ miền núi đưa về đồng bằng an toàn do ta đánh lạc hướng là quân giải phóng “chuẩn bị ăn tết mừng chiến thắng”. 

Trong nội bộ phát động phong trào “bảo mật phòng gian”, thực hiện nghiêm ngặt chế độ ghi chép tài liệu, truyền đạt chủ trương và có một bước rà soát tiêu chuẩn chính trị làm trong sạch nội bộ. Ngày 15-1-1968 ta tiến hành phong tỏa cửa rừng, nội bất xuất, ngoại bất nhập, một tiểu đoàn an ninh vũ trang được bố trí chốt hết bìa rừng và công bố “đóng cửa rừng để ăn tết” đã tạo được thế bất ngờ với kẻ địch.

Thứ ba, biết địch biết ta trăm trận, trăm thắng, từ mùa xuân 1967, Khu ủy quyết định sang xuân 1968 chuyển cuộc chiến tranh vào thành phố, chiếm lĩnh vùng nông thôn xung yếu, làm rối loạn thành phố, phối hợp với các chiến trường tiến hành Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa giành toàn thắng. 

Phục vụ quyết định của Khu ủy, Ban An ninh Khu và an ninh thành phố Huế đã khẩn trương thực hiện kế hoạch bí mật đưa người vào nội thành nắm tình hình địch. Trong số này, có người thực hiện nhiệm vụ trước mắt, một số ít phục vụ cho nhiệm vụ lâu dài và ngoài ra đã có người đã được đánh vào cơ quan, tổ chức địch. 

Trước ngày mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy, Ban An ninh Khu và thành phố Huế đã lập xong địa chỉ các cơ quan đầu não trọng yếu của Mỹ, ngụy ở từng khu phố, lập được danh sách và nơi ở những tên cầm đầu, gian ác nhất trong bộ máy ngụy quyền, tình báo, cảnh sát, chiêu hồi, bình định… cung cấp cho các ban chỉ đạo các mũi tiến công tiêu diệt địch.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Huế, lực lượng an ninh có vai trò rất quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh trấn áp phản cách mạng. 

Chưa có chiến dịch nào chỉ trong một thời gian ngắn ta đã bắt sống và tiêu diệt được hàng trăm đối tượng cầm đầu các tổ chức địch và lãnh tụ các tổ chức phản động; bao gồm nhiều cấp, kể cả cấp Trung ương, cấp phần, cấp tỉnh, cấp quận; kể cả công khai và bí mật gồm đủ các loại đối tượng ngụy quyền, tình báo, cảnh sát, chiêu hồi, bình định, đảng phái, phản động lợi dụng tôn giáo… 

Riêng cơ quan đầu não ngụy quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ có tỉnh trưởng trốn thoát, một phó tỉnh trưởng bị ta bắt, còn ba phó tỉnh trưởng bị tiêu diệt do ngoan cố chống đối. Ta còn tiêu diệt và làm tan rã hàng chục tổ chức đảng phái phản động, bình định nông thôn, các cụm tập trung bọn phản động ác ôn, trung tâm huấn luyện-đào tạo gián điệp biệt kích người dân tộc thiểu số.

Kết quả công tác đấu tranh trấn áp phản cách mạng đã gây cho địch tổn thất rất nặng nề, lực lượng cốt cán và đầu não bị sứt mẻ lớn, một số tổ chức của địch bị xóa sổ, tinh thần, tư tưởng bọn tay sai sa sút nghiêm trọng, nội bộ địch mâu thuẫn, nghi ngờ, thanh trừng lẫn nhau (tỉnh trưởng bị cách chức), làm cho hệ thống kìm kẹp của địch từ trên xuống dưới bị tê liệt, rung động, tan rã chưa từng có từ trước tới nay.

Thứ tư, thực hiện thành công mục tiêu chiếm lĩnh Nhà lao Thừa Phủ, giải thoát an toàn 2.300 cán bộ, đảng viên, du kích, cơ sở cách mạng, quần chúng bị địch cầm tù và diệt toàn bộ bọn ác ôn trong bộ máy kìm kẹp nhà lao. 

Ta còn phát hiện 40 tên ác ôn địch cho trà trộn trong số tù nhân để ám hại cán bộ ta. Hơn 500 người vừa thoát khỏi ngục tù được lựa chọn và bổ sung ngay cho quân đội, an ninh để tiếp tục tham gia chiến đấu trong thành phố, số còn lại được bàn giao cho bộ phận công tác hậu phương bổ sung cho các lực lượng. 

Thành tích giải phóng nhà lao Thừa Phủ được cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, thay mặt Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an có điện khen ngợi: “Đảng đoàn nhiệt liệt hoan nghênh và khen ngợi đ/c Khiêm và các cán bộ, chiến sĩ đã lập được thành tích trên” (Điện số 156/ĐK ngày 16-9-1968 của Đảng đoàn Bộ Công an).

Thứ năm, tranh thủ thời cơ những ngày đầu ta làm chủ thành phố, Mỹ chưa kịp đem quân ra Huế phản kích, mũi tiến công phía Tây Nam của bộ phận an ninh đã kịp thời chiếm các trụ sở ngụy quyền, phòng Văn khố (cơ quan lưu trữ tài liệu), chiêu hồi, bình định… đặc biệt là nhà ở, văn phòng và trung tâm thẩm vấn của cơ quan tình báo Mỹ (CIA), thu được 20 gùi tài liệu (khoảng 500kg) và đã chuyển lên căn cứ tại trại giam của an ninh khu. 

Qua khai thác tài liệu, ta thu được nhiều tin, tài liệu rất quan trọng về hệ thống tổ chức, phương thức hoạt động, màng lưới cộng tác viên của CIA ở Sài Gòn và các vùng chiến thuật ngụy ở miền Nam; mâu thuẫn giữa CIA và DIA (cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ); đánh giá tình hình và cách thức chống cộng, kết luận của CIA về thất bại của kế hoạch tung gián điệp - biệt kích ra miền Bắc và sự chuyển hướng tập trung khai thác, tuyển chọn số cán bộ, bộ đội ta bị chúng bắt để đánh trả lại miền Bắc; các đảng phái phản động có thế lực mạnh ở miền Nam và hàng trăm hồ sơ cán bộ, bộ đội ta đầu hàng, phản bội.

Thứ sáu, song song với kết quả tiêu diệt địch, lực lượng an ninh đã được xây dựng và phát triển nhanh chóng, gấp bội mà nguồn bổ sung chủ yếu từ phong trào đấu tranh cách mạng của người dân Trị Thiên Huế. 

Điều quan trọng là bước đầu ta đã phát triển được hệ thống an ninh khu vực, an ninh hoạt động ở thôn xã được bố trí vào hoạt động ở những địa bàn xung yếu mà trước đây chưa có (10 xã phụ cận thành phố và 11 khu phố) và xây dựng được một số an ninh mật cắm lại ở địa bàn nông thôn; lực lượng trực tiếp đánh địch lớn mạnh vượt bậc (trinh sát vũ trang thành phố Huế từ 60 người sau đó đã phát triển thêm 120 người). 

Qua chiến đấu, lực lượng của ta không những phát triển về số lượng mà còn nâng cao cả về chất lượng. Lập trường tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên một bước, nhiều đồng chí chiến đấu rất dũng cảm, kiên quyết đánh địch, vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm, chính sách và biện pháp nghiệp vụ vào hoàn cảnh thực tiễn. Trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù toàn khu đã có 43 đồng chí hy sinh, 41 đồng chí bị thương và 4 đồng chí bị địch bắt.

Cuộc tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Huế có nhiều lực lượng tham gia, trong đó lực lượng An ninh có vai trò rất quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh trấn áp phản cách mạng và đã thu được kết quả chưa từng có, đóng góp có ý nghĩa vào thắng lợi chung, nổi lên một số thành tích:

- Bảo vệ an toàn tuyệt đối cơ quan đầu não Bộ chỉ huy chiến dịch toàn khu, trọng điểm là Huế và đảm bảo tuyệt đối bí mật của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.

- Bắt và diệt được nhiều đối tượng đầu sỏ trong các tổ chức ngụy quyền, tình báo (kể cả CIA), biệt kích, cảnh sát, chiêu hồi bình định... Và thủ lĩnh các đảng phái phản động từ cấp trung ương, cấp vùng, cấp tỉnh, cấp quận.

- Thu được tài liệu tuyệt mật của địch, phục vụ công tác đánh địch trước mắt, lâu dài và công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

- Chiếm lĩnh thành công nhà lao Thừa Phủ, giải thoát an toàn hơn 2.000 cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng, quần chúng bị địch giam giữ. Hàng ngàn người đó được bổ sung cho Quân đội, Công an và các lực lượng quần chúng yêu nước tiếp tục cuộc chiến đấu trong thành phố.

- Xây dựng được cơ sở trong lòng địch phục vụ trước mắt và lâu dài; đồng thời rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác đánh địch và xây dựng lực lượng An ninh...

Chiến công xuất sắc của lực lượng An ninh thành phố Huế đã được cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thay mặt Đảng đoàn và Lãnh đạo Bộ Công an có điện khen ngợi:

Đảng đoàn rất phấn khởi về những thành tích xuất sắc trước nay chưa từng có của toàn thể cán bộ, chiến sĩ an ninh trong đợt tiến công và nổi dậy vừa qua. Đảng đoàn khen ngợi và tuyên dương toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khổ, hy sinh anh dũng, mưu trí, bám trụ địa bàn, đã đánh địch giành thắng lợi to lớn”.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Lai Nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên-Huế
.
.
.