ASEAN+3 hứa hẹn bức tranh hợp tác triển vọng hậu COVID-19

Thứ Bảy, 14/11/2020, 15:16
Từ kinh nghiệm ứng phó các tình huống khủng hoảng trong hơn 2 thập kỷ qua, khi đối mặt với những thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, ASEAN+3 tiếp tục phát huy thế mạnh, kịp thời hợp tác và phối hợp ứng phó với tác động của dịch bệnh.

Điểm mạnh về kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng

Chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23 diễn ra chiều 14/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định, được ra đời trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính 1997, kinh nghiệm ứng phó các tình huống khủng hoảng trở thành điểm mạnh cho hợp tác ASEAN+3 trong suốt hơn hai thập kỷ qua. Và ngày nay, trước những thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, ASEAN+3 tiếp tục phát huy thế mạnh, kịp thời hợp tác và phối hợp ứng phó với tác động của dịch bệnh.

Đúng 7 tháng trước đây, khi COVID-19 bắt đầu bùng phát, ngày 14/4, các nhà lãnh đạo đã họp Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về COVID-19, khẳng định cam kết và quyết tâm cao nhất của ASEAN+3 trong tăng cường phối hợp, ứng phó, hiệu quả, sớm đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống, sức khỏe của người dân và phục hồi kinh tế.

"Tại hội nghị hôm nay, chúng ta tiếp tục đà hợp tác đã tạo dựng, tăng cường hợp tác ASEAN+3 nhằm từng bước đẩy lùi nguy cơ COVID-19, giảm thiểu tác động của dịch bệnh, duy trì ổn định các nền kinh tế tài chính vĩ mô, thúc đẩy phục hồi toàn diện và bền vững", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Niềm tin vào hình mẫu hợp tác quốc tế

Cũng đề cập đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi đây là kinh nghiệm vô giá, cho thấy cuộc khủng hoảng của một quốc gia có thể trở thành cuộc khủng hoảng của các nước láng giềng, cũng như tầm quan trọng của việc cùng nhau ứng phó và hợp tác; nhấn mạnh kinh nghiệm này đã dẫn đến sự ra mắt của hội nghị cấp ASEAN+3 đầu tiên.

“Giờ đây, dựa trên kinh nghiệm hợp tác tích lũy trong 23 năm qua, chúng ta đã trở thành một hình mẫu của hợp tác quốc tế khi ASEAN+3 đoàn kết cùng phối hợp chống lại COVID-19”, ông tuyên bố, đề cập đến Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực như thành quả ý nghĩa của những hợp tác này.

Song, ông khẳng định, để đối phó với sự khó đoán định của COVID-19, ASEAN+3 cần phải đoàn kết, nâng cấp hợp tác y tế công cộng hướng tới phát triển và phân phối công bằng các loại vaccine cũng như các phương pháp điều trị, song song với thiết lập một cơ chế điều phối kịp thời và minh bạch để chống lại bất cứ bệnh truyền nhiễm mới nào.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ lo ngại quá trình chuyển đổi số nhanh chóng có thể mở rộng khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội, từ đó kêu gọi ASEAN+3 phải nỗ lực để tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế và xác định các biện pháp để tăng trưởng bền vững và bao trùm. "Tôi hy vọng rằng ASEAN+3 có thể trở thành niềm hy vọng cho nền kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu COVID-19", ông nói.

Lãnh đạo các quốc gia tập trung thảo luận nội dung hợp tác ASEAN+3.

Minh chứng cho nỗ lực vượt qua COVID-19

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhìn nhận, ngày nay, hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau như tài chính và an ninh lương thực đang đạt được nhiều tiến bộ, đóng góp vào sự phát triển của khu vực ASEAN+3. 

"Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về COVID-19 hồi tháng 4 vừa qua là minh chứng cho nỗ lực của các nước trong khu vực cùng nhau vượt qua khủng hoảng và đánh bại thách thức", ông Suga Yoshihide nói, bày tỏ hi vọng rằng hội nghị lần này sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác lĩnh vực của ASEAN+3.

Đề cập đến Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi được công bố thành lập hôm 11/11 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN-37 với sự hỗ trợ của Nhật Bản, Thủ tướng Suga Yoshihide khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ trung tâm này theo hướng một cơ quan bảo vệ cuộc sống của người dân ASEAN khỏi những mối đe dọa sức khỏe.

Thủ tướng Nhật Bản cũng đề cập đến “bảo hiểm y tế toàn dân”, coi đây là vấn đề quan trọng để đánh bại đại dịch COVID-19, và khẳng định sẽ hợp tác với các nước trong khu vực để hướng tới mục tiêu này.

Nguồn cảm hứng cho các quốc gia khác

Tại hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đồng tình rằng, COVID-19 tiếp tục bùng phát, tác động khiến các nền kinh tế suy thoái, trong đó nền kinh tế ASEAN+3 phải đối mặt với nhiều thách thức. Song, trong 6 tháng qua, ASEAN+3 đã nỗ lực, chủ động hiện thực hóa kết quả Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 hồi tháng 4 vừa qua về COVID-19, theo đó nhất trí tăng cường hợp tác, ứng phó với COVID-19 và duy trì ổn định chuỗi cung ứng.

Hội nghị nằm trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37.

Ông Lý Khắc Cường cũng khẳng định, các biện pháp ứng phó cũng như kinh nghiệm của ASEAN+3 trong phòng chống COVID-19 đã trở thành nguồn cảm hứng cho các quốc gia khác. Một số tổ chức nhận định khu vực châu Á có thể sẽ là khu vực tăng trưởng dương năm nay.

Cảm ơn và nhấn mạnh sự hiểu biết, chia sẻ, hỗ trợ của ASEAN cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc dành cho Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19, ông Lý Khắc Cường khẳng định đây là minh chứng cho tình đoàn kết hữu nghị. “Các nước đã mở rộng hỗ trợ với Trung Quốc và Trung Quốc sẽ làm hết sức có thể để hỗ trợ ASEAN”, ông Lý Khắc Cường nói. 

Thủ tướng Trung Quốc bày tỏ tin tưởng các quốc gia ASEAN+3 có thể cùng phối hợp để giảm thiểu tác động của đại dịch, mở cửa lại nền kinh tế và đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng; hỗ trợ khôi phục kinh tế trên tinh thần đoàn kết, cởi mở và phối hợp bao trùm, đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực. 

“Tôi tin tưởng rằng một khi chúng ta làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ tập hợp sức mạnh và trí tuệ của mình để có thể mở ra một nền hòa bình, phát triển và thịnh vượng cho khu vực", ông Lý Khắc Cường bày tỏ.

H.Chi - P.Sơn - A.Nhiên
.
.
.