APEC Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế

Thứ Bảy, 11/11/2017, 05:58
Việt Nam có nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập phát triển và đang đóng góp vào tăng trưởng toàn diện trong khu vực; các nhà đầu tư đều tin tưởng vào cơ hội đầu tư và hợp tác với Việt Nam.


Đây là những đánh giá của giới chức, đại biểu cấp cao, các doanh nhân hàng đầu thế giới khi tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Trao đổi với cánh phóng viên bên lề Tuần lễ cấp cao, ông Alan Bolard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC nhấn mạnh, không chỉ riêng ông mà nhiều quan chức cấp cao APEC khác đều tin tưởng, APEC Đà Nẵng 2017 sẽ để lại dấu ấn quan trọng trong tiến trình hợp tác APEC. Đặc biệt, các sáng kiến của Việt Nam đưa ra đều nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC.
Các hãng tin về kinh doanh hàng đầu thế giới có mặt tại Đà Nẵng để đưa tin về cơ hội hợp tác tại APEC Đà Nẵng.

Ông Alan Bolard nói: “4 ưu tiên hợp tác mà Việt Nam đưa ra trong năm nay hướng sự tập trung của APEC vào những nhiệm vụ quan trọng như thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, thúc đẩy tự do hóa thương mại. Các ưu tiên này sẽ tiếp tục là công việc quan trọng kéo dài trong nhiều năm tới của APEC”.

Đồng quan điểm này, ông Che Mafni Che Wook, một quan chức cấp cao của Malaysia ca ngợi những sáng kiến của chủ nhà APEC 2017: “Tất cả các sáng kiến của Việt Nam đều rất quan trọng, nhất là phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Việt Nam đã đưa ra được đề xuất trên và điều đó tốt cho cả APEC”. Một đại biểu của Papua New Guinea, chủ nhà APEC 2018 thì cho rằng: “Việt Nam đã làm được nhiều việc khi đăng cai Năm APEC 2017 và đối với Papua New Guinea, việc học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong tổ chức các hội nghị là rất quan trọng”.

Trong khi đó, ông Yose Rizal Damuri, Chủ tịch Hội đồng hợp tác kinh tế APEC của Indonesia thì cho rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Việt Nam đã đưa những chương trình nghị sự mới mẻ và đổi mới vào các chương trình thảo luận như là Tương lai APEC sau năm 2020. 2020 chính là năm hoàn thành mục tiêu Bogor.

Mục tiêu Bogor đã được thực hiện hơn 25 năm và chúng ta cần có tầm nhìn mới sau năm 2020 và tầm nhìn mới này cần đươc các thành viên APEC thảo luận, thống nhất và Việt Nam đã thúc đẩy điều này rất hiệu quả”.

Còn ông Phil OReilly, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Thương mại và Công nghiệp thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đồng thời là thành viên của Ban Điều hành Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trả lời câu hỏi về vai trò của Việt Nam trong APEC đã nhấn mạnh: “Khi nhìn vào giới doanh nhân Việt Nam, chúng tôi thấy một quốc gia có tinh thần khởi nghiệp rất cao. Các bạn đang hiện đại hóa rất nhanh… Việt Nam đã tham gia vào các diễn đàn đa phương, trong đó có APEC và ASEAN. Tương lai của đất nước như Việt Nam rất xán lạn”.

Đối với giới doanh nhân, điều mà họ quan tâm nhất khi tới tham dự APEC là các cơ hội đầu tư và hợp tác. Trong Tuần lễ cấp cao APEC, các doanh nhân hàng đầu thế giới đã có nhiều cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nhân APEC với doanh nghiệp các nền kinh tế thành viên APEC và cùng các quan chức cấp cao.

Nhiều cuộc tiếp xúc đã mở ra những cơ hội hợp tác mới trong kinh doanh. Ông Kim Sang Yeol, Tổng lãnh sự danh dự Việt Nam tại Gwangju-Chonnam (Goang-chu Chơn-nam), Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hoban, Chủ tịch Đài truyền hình KBC đánh giá Việt Nam đang là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn với nhiều cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh.

Ông Kim Sang Yeol cũng coi đây là những cơ hội rất thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực thế mạnh như xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ khí – điện tử, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tài chính – ngân hàng, công nghiệp phụ trợ...

Ngoài ra, theo ông, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào và chi phí thuê nhân công có tính cạnh tranh. Ông Kim Sang Yeol cho rằng, 4 ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2017 mà Việt Nam đưa ra rất thiết thực đối với các doanh nghiệp trong APEC.

Ông James Fatheree, Phó Chủ tịch phụ trách châu Á của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) thì cho biết, phần lớn các công ty Mỹ mà AmCham khảo sát gần đây đều rất lạc quan về nền kinh tế Việt Nam. Các công ty này cho rằng Việt Nam là đối tác hợp tác đầu tư tốt nhất trong khu vực và mong muốn tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở thị trường Việt Nam.

Ông nhấn mạnh, với việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tập trung vào các hợp tác kinh tế song phương, Việt Nam đang là ưu tiên hợp tác hàng đầu của các doanh nghiệp Mỹ trong khu vực ASEAN, theo sau là Indonesia và Thailand.

Bên cạnh đó, khi nói về các kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp Việt Nam và APEC, ông Liam Mallon, Chủ tịch Công ty Phát triển Exxon Mobil cho rằng Việt Nam có môi trường đầu tư ổn định và đáng tin cậy. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một đối tác mà các bên hợp tác đều có thể cùng được hưởng lợi.

Huyền Chi – Thiện Nhân
.
.
.