85% đường ngang vi phạm tiêu chuẩn an toàn đường sắt
- Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình: Nhiều sự vụ xảy ra nhưng người đứng đầu chưa bị xử lý trách nhiệm
- Từ 1-7: Đường sắt đô thị phải có chứng nhận an toàn trước khi khai thác
- Ngành Đường sắt sẽ cấm một số nhân viên dùng smartphone khi làm việc
- Câu chuyện đường sắt và cơn đau đầu của các đời Bộ trưởng
Dự Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm 2018 của Uỷ ban ATGT Quốc gia sáng nay, 5-7, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Bộ Công an báo cáo, đánh giá thêm về tình hình TNGT đường sắt.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị |
Theo Thứ trưởng, đường sắt Việt Nam xuất phát điểm rất hiện đại trong khu vực, kể cả châu Á, nhưng đến bây giờ thì lạc hậu. Hệ thống đường sắt hiện có 5 tuyến đường sắt chính, đi qua 166 quận, huyện; 788 xã, phường.
Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT đường sắt chủ yếu là do người đi bộ và người điều khiển giao thông đường bộ còn chủ quan, xem nhẹ quy tắc, luật giao thông khi đi qua đường ngang, lối đi tự mở; chính quyền địa phương một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.
Bên cạnh đó, việc đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe còn xem nhẹ việc đưa nội dung Luật Đường sắt, các quy tắc an toàn đường sắt; lãnh đạo một số doanh nghiệp đường sắt thiếu kiểm tra, đôn đốc nhân viên phục vụ trên tàu, nhân viên gác chắn trong việc chấp hành quy trình tác nghiệp, nên để xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn |
“Ngoài ra, các cơ quan quản lý hạ tầng giao thông đường sắt, đường bộ đầu tư, bố trí kinh phí chưa phù hợp cho hạ tầng giao thông đường sắt, còn để 85% đường ngang vi phạm tiêu chuẩn an toàn” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nêu rõ. Mặt khác, các Công ty cổ phần đường sắt chưa tích cực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn việc mở lối đi qua đường sắt trái phép.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, nếu những thực trạng này không được giải quyết, ngăn chặn một cách tích cực ngay từ bây giờ thì sắp tới có dự án đường sắt cao tốc, việc xử lý còn vất vả hơn nhiều.
Nêu ra một số giải pháp để phòng ngừa, hạn chế, làm giảm TNGT đường sắt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn kiến nghị Uỷ ban ATGT Quốc gia chủ trì, chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh tiếp tục tuyên truyền về Luật Đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1-7-2018.
Các đại biểu tham dự phiên họp |
Đối với Bộ GTVT cần chỉ đạo các đơn vị chức năng quan tâm khảo sát, xây gờ giảm tốc ở tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông cao hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn.
Đối với UBND các địa phương có đường sắt đi qua, cần chủ trì thực hiện và chỉ đạo UBND các cấp rà soát, lập lại trật tự hành lang ATGT đường sắt, tập trung tại các giao cắt giữa đường bộ với đường sắt.
Về phía Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn khẳng định sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các đơn vị đường sắt tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, Luật Đường sắt.
“Tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho biết.