Lan tỏa tinh thần Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Thứ Tư, 29/04/2020, 12:35
Thuộc nhóm các quốc gia đầu tiên xuất hiện người nhiễm SARS-CoV-2 nhưng cách ứng phó hiệu quả với dịch của nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Trong lúc thế giới "điêu đứng" vì dịch, Việt Nam, dù còn nhiều khó khăn, đã vô tư chia sẻ sự giúp đỡ đến nhiều nước, lan tỏa hình ảnh của một quốc gia tin cậy, một người bạn tốt, một đối tác trách nhiệm.


Thế giới "ngả mũ thán phục"

"Khi hầu hết người dân Việt Nam còn đang ăn Tết Nguyên đán thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại một cuộc họp về công tác phòng, chống virus Corona của Chính phủ Việt Nam", tờ Financial Times của Anh viết trong bài đăng hồi tháng 3, mô tả cách Việt Nam ứng phó quyết tâm và quyết liệt thế nào với dịch COVID-19 ngay từ ban đầu.

"Chống dịch như chống giặc", Thủ tướng đã nói như vậy từ tháng 1/2020", tờ báo nêu và khẳng định Việt Nam, dù có nguồn lực giới hạn, nhưng đã phản ứng hiệu quả với đại dịch COVID-19 nhờ quyết tâm chính trị cao.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng đại sứ các nước châu Âu tại lễ trao tặng vật tư y tế.

Dẫn lời Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Australia), Financial Times bình luận: "Việt Nam có lực lượng Công an và Quân đội rất hiệu quả; chính phủ điều hành theo ngành dọc, phù hợp với ứng phó với thảm họa". Tờ báo chỉ ra một điểm nhấn khác trong nỗ lực phòng, chống COVID-19 của Chính phủ Việt Nam là đã thu hút được sự ủng hộ của toàn dân, yếu tố then chốt mang lại thành công.

Hàng trăm bài viết chi tiết sau đó của đài Sputnik từ Nga, hãng EFE của Tây Ban Nha, báo New York Times, Bloomberg của Mỹ, Deutsche Welle (DW) của Đức, hay trang tin Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)... đều đồng tình quan điểm Việt Nam đã áp dụng những biện pháp mạnh mẽ ngăn dịch COVID-19 từ đầu và gặt hái thành công không thể phủ nhận với số ca nhiễm trong nước thấp, bất cứ ai mắc bệnh đều nhận được chăm sóc y tế cần thiết.

Giới truyền thông cũng dẫn lời nhiều chuyên gia y tế hàng đầu nêu lên một loạt khía cạnh khác của cuộc chiến, như việc Việt Nam đã áp dụng hiệu quả biện pháp cách ly chặt chẽ và truy vết hoàn toàn các đối tượng có khả năng tiếp xúc với virus.

Từ cơ quan đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Hà Nội, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO, mới đây phân tích rằng, Việt Nam chống lại COVID-19 thành công nhờ ba điểm. Đó là sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đầu tư đều đặn trong phòng chống dịch; sự tham gia, tuân thủ nghiêm ngặt của toàn thể nhân dân. Trưởng đại diện WHO bị thuyết phục hoàn toàn về hai chiến lược mà Việt Nam áp dụng là bốn tại chỗ và nguyên tắc cách ly. "Chúng tôi rất ấn tượng với cách chống dịch "Made in Việt Nam" này và tôi nghĩ nó là bài học rất hay mà các nước khác nên học hỏi", TS. Kidong Park nhìn nhận.

Những lời nhận xét tương tự cũng tới từ các nhà ngoại giao quốc tế đang làm việc tại Hà Nội. Trong thông điệp đăng tải cuối tháng 3-2020, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink nhấn mạnh, Việt Nam không những ứng phó hiệu quả, mà còn luôn minh bạch trong cuộc chiến chống COVID-19. "Tôi muốn nói lời cảm ơn đến mọi người Việt Nam đang ở tuyến đầu chống dịch. Công việc của các bạn đang cứu sống rất nhiều người", Đại sứ Mỹ nói.

Ngoại giao rộng mở, tiếp cận đa diện

Chưa đầy 5 tháng từ khi khởi phát, COVID-19 đã len lỏi tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây áp lực lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng do số lượng người nhiễm lớn chưa từng thấy. Tác động của dịch khác nhau ở mỗi quốc gia, nhưng rõ ràng, vật tư y tế là mặt hàng mà bất cứ nước nào cũng đều cần đến lúc này.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam, dù còn khó khăn, đã chia sẻ sự giúp đỡ của mình - những lô thiết bị y tế quý giá - tới bạn bè quốc tế. Trên trang Twitter cá nhân hôm 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đích thân gửi lời cảm ơn tới "những người bạn của chúng ta ở Việt Nam", sau khi chuyến đầu tiên của lô hàng gồm 450.000 bộ đồ bảo hộ y tế được sản xuất tại Việt Nam tới bang Texas (Mỹ) hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh.

Cùng thời điểm chuyến hàng đi Mỹ khởi hành, tại Hà Nội, Việt Nam đã trao tặng Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Anh tổng cộng 550.000 khẩu trang y tế giúp các nước châu Âu chống dịch. Nhiều lô thiết bị y tế cần thiết cũng được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương Việt Nam chuyển tới vùng dịch ở của Trung Quốc, trao tặng các nước bạn Nga, Lào, Campuchia, Myanmar...

"Người dân Italia sẽ luôn ghi nhớ sự nghĩa hiệp và tinh thần đoàn kết mà Việt Nam đã thể hiện trong lúc cần thiết. Cùng đoàn kết, chúng ta sát cánh bên nhau", Ngoại trưởng Italia Luigi Di Maio xúc động viết trong lá thư cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Từ Hà Nội, đại sứ quán các nước đều gửi đi thông điệp bày tỏ cảm kích trước hành động của những "người bạn" Việt.

Dòng chia sẻ cảm ơn Việt Nam của Tổng thống Mỹ trên Twitter.

Bình luận về việc Việt Nam hỗ trợ các nước, tờ The Diplomat của Mỹ khẳng định, hành động đó rõ ràng nêu bật chính sách ngoại giao rộng mở và cách tiếp cận đa diện của Việt Nam. Tờ báo cũng dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng tại lễ trao tặng rằng, các lô thiết bị y tế thể hiện quan điểm Việt Nam coi việc tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế là nhân tố quan trọng giảm thiểu tác động của COVID-19. Trên Reuters, chuyên gia Carl Thayer bình luận, dù những gói hàng hỗ trợ quốc tế của Việt Nam giá trị không quá lớn về vật chất, nhưng Việt Nam đã gửi chúng đến những nơi thật sự cần thiết, nơi chúng được trân trọng.

Ngoài trợ giúp trực tiếp các nước, Việt Nam cũng đã thúc đẩy nhiều nỗ lực quốc tế chống lại dịch bệnh. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, tháng 2-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị của hiệp hội trong kiểm soát và ngăn chặn COVID-19. Giữa tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch COVID-19 bằng hình thức họp trực tuyến.

Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, các hội nghị đã thể hiện cam kết chính trị ở cấp cao nhất về đoàn kết và hợp tác trong khối, cũng như với các đối tác. Việt Nam cũng tích cực "giữ lửa kết nối" khu vực thông qua các phiên họp của Hội đồng Điều phối ASEAN. Các cơ chế đối thoại ASEAN về y tế, đối ngoại, thông tin, quốc phòng, nhập cư và giao thông lần lượt được thành lập hướng đến phản ứng cấp khu vực với dịch và sự gián đoạn mà nó gây ra... Đến nay, các sáng kiến ứng phó COVID-19 của ASEAN đã giúp giảm bớt đáng kể áp lực cho các nước thành viên.

Về lâu dài, hợp tác ASEAN cũng rất quan trọng để hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Là một nền kinh tế cởi mở, Việt Nam tiếp tục sẵn sàng dẫn dắt nỗ lực đó.

Có thể nói, vượt qua những thách thức của hoàn cảnh, Việt Nam rõ ràng đang chứng minh vị thế ngoại giao ngày càng được tăng cường. Việt Nam cũng cho thấy vai trò tích cực đặc biệt của nước đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 khi vận dụng thành công thách thức để thúc đẩy đoàn kết và hợp tác trong ASEAN. 

Thiện Minh
.
.
.