3 phương án tổ chức chính quyền ở đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt

Thứ Năm, 11/01/2018, 16:39
Sáng 11-1, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 20, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB).


Theo Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày, về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB hiện nay có 3 phương án. Trong đó, có 2 phương án do Chính phủ trình và 1 phương án do Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất.

Phương án 1 thực hiện thiết chế Trưởng đơn vị HCKTĐB. Phương án này có ưu điểm tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, năng động, linh hoạt. Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là không bảo đảm quyền đại diện của nhân dân, nguyên tắc nhân dân lập ra chính quyền, cơ quan quyền lực bầu cơ quan hành chính, dễ dẫn đến nguy cơ lạm quyền. 

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật băn khoăn về tính hợp hiến của phương án này. Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó quy định cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, bao gồm cả ở đơn vị HCKTĐB do Quốc hội thành lập.

Theo Phương án 2 thì chính quyền đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND, UBND tương tự như ở các đơn vị hành chính hiện nay. Ưu điểm của phương án này là phù hợp với Hiến pháp, thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thể hiện tính nhất quán về tổ chức của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương. 

Nhiều ý kiến ĐBQH, chuyên gia và Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành với phương án này vì chưa thực sự đổi mới, cải cách, chưa mang tính đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy.

Phương án 3 do nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất, kết hợp các ưu điểm, khắc phục nhược điểm của phương án 1 và phương án 2. 

Theo đó, chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND đơn vị HCKTĐB (gọi tắt là Hội đồng đặc khu) và UBND đơn vị HCKTĐB (gọi tắt là Ủy ban đặc khu) được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền, phân cấp thẩm quyền quản lý, điều hành ở đơn vị HCKTĐB cho Chủ tịch Ủy ban đặc khu. 

Phương án này có ưu điểm: Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của đơn vị HCKTĐB, thể hiện được chính quyền gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của Nhân dân. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hành chính đơn vị HCKTĐB…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến  đồng tình với phương án 3. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị, tổ chức HĐND và UBND ở đơn vị HCKTĐB phải tinh gọn nhất, tăng thẩm quyền của Chủ tịch UBND, đặc biệt cần tăng cường giám sát quyền lực. 

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình với Phương án 3 nhưng đặt vấn đề cần làm rõ, 3 đặc khu này sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước? Điểm cốt lõi của 3 đặc khu, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, là phải tạo động lực phát triển cho tỉnh đó hoặc khu vực đó, đồnh thời, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Một nội dung khác cũng được UBTVQH tập trung thảo luận là các chính sách liên quan đến đất đai tại đơn vị HCKTĐB. Theo quan điểm của Ủy ban Pháp luật, để tạo cơ chế thu hút đầu tư, các chính sách đất đai tại đơn vị HCKTĐB cần có sự hấp dẫn, vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần bảo đảm thận trọng, với mức độ ưu đãi hợp lý để tránh tình trạng lạm dụng, thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước.

Về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đơn vị HCKTĐB, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc quy định thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm như trong dự thảo Luật là nhằm thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại đơn vị HCKTĐB so với các khu kinh tế khác trong nước cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới. 

Hơn nữa, theo quy định của dự thảo Luật, thời hạn sử dụng đất tối đa đến 99 năm chỉ được áp dụng trong phạm vi hẹp, đối với một số dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm như trong dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội.

Về vấn đề này, đa số các ý kiến đề cho rằng không nhất thiết phải quy định thời gian sử dụng đất là 99 năm. Thời gian này tương đương với gần 3 thế hệ. Chính sách miễn tiền thuê đất tại đơn vị HCKTĐB cũng cần phải tính toán cân nhắc, không nên có chính sách miễn, chỉ có chính sách giảm tiền thuê đất, mà giảm có thời hạn, việc miễn thuế nhiều thì sẽ không có nguồn lực cho phát triển.

Bế mạc phiên họp thứ 20 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 11-1, sau một số nội dung công tác chính, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc Phiên họp thứ 20.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Sau 1,5 ngày làm việc tích cực khẩn trương, UBTVQH đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 20 để tập trung cho ý kiến về ba dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và các nội dung khác. Các nội dung đã có kết luận cụ thể, sẽ được gửi thông báo đến các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bế mạc phiên họp

Đối với ba dự án luật gồm: Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, hiện vẫn còn 1 số vấn đề còn có ý kiến khác nhau và là những vấn đề mới và khó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH và các ý kiến tại phiên họp này, cũng như tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn chỉnh dự án luật gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến tại địa phương; đồng thời sẽ trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào tháng 4-2018…

Sau khi xem xét tờ trình của Kiểm toán Nhà nước, UBTVQH đã thống nhất không ban hành nghị quyết của UBTVQH quy định chi tiết 1 số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước mà giao cho Kiểm toán Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để tiến hành tổng kết thực tiễn, đánh giá việc thực hiện Luật, đề xuất những nội dung cần sửa đổi để bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước và trình Quốc hội xem xét, đảm bảo việc sửa đổi được toàn diện và đúng quy định.

Về điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đối với dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao, tỉnh Bình Thuận và dự án hồ chứa nước Kroong Pách thượng, tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện hai dự án này về việc xem xét phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời rà soát tất cả các dự án thủy lợi khác có đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ để báo cáo tổng thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, bảo đảm hoàn thành sớm để sử dụng có hiệu quả các công trình này.

Sau khi nghe báo cáo về công tác chuẩn bị đã sẵn sàng cho khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) vào ngày 18-1 tới, nhất trí các nội dung và hướng phân công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chỉ còn mấy ngày nữa là đến Hội nghị, đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo để đảm bảo cho thành công hoạt động ngoại giao nghị viện lớn nhất trong năm nay. 


Thu Thuỷ
.
.
.