Bóng đá Đông Nam Á nhìn từ SEA Games 29

Thứ Năm, 31/08/2017, 08:47
Thái Lan lại vô địch - chức vô địch SEA Games lần thứ 3 liên tiếp, dù chỉ có một sự chuẩn bị vội vàng hơn một tuần trước khi dự giải. Điều mà HLV trưởng Wurawood Srimanka nói từ đầu giải hoá ra là sự thật: Thái Lan năm nay không cần đá đẹp, chỉ cần kết quả cuối cùng.


Lý do khiến Thái Lan năm nay "không cần đá đẹp" không hẳn đến từ quan điểm cầm quân của Srimanka, mà từ việc lứa cầu thủ này rõ ràng là yếu hơn và thiếu sức sống hơn so với những lứa cầu thủ trước. 

Hai kỳ SEA Games trước, đội hình đăng quang của Thái là một đội hình đá Tiqui - taka đúng hiệu, và đội hình ấy thắng đối phương mãn nhãn. Nhưng năm nay Thái Lan vất vả thắng kèo dưới Timor Leste ở vòng bảng một bàn duy nhất, và như thừa nhận của bà trưởng đoàn xinh đẹp thì "đấy thực sự là 90 phút đầy áp lực". Đến trận chung kết với chủ nhà Malaysia, Thái Lan cũng chỉ thắng 1 bàn, và đấy lại là bàn thắng do thủ thành đối phương dâng tặng.

Cầu thủ U.22 Thái Lan vô địch nhưng không còn mạnh so với chính mình trước đây. 

Trong khi Thái vẫn vô địch, dù chất lượng đi xuống thì những đội máu mặt còn lại như Malaysia, Indonesia, Myanmar, Việt Nam hoá ra cũng chẳng khá hơn so với chính mình. Trong bốn đội này, Malaysia và Indonesia nghiêng hẳn về lối chơi "lấy sức đè người", và đúng là cái ấn tượng về một tập hợp dạt dào thể lực mà hai đội tạo ra là rất lớn. Nhưng ngoài thể lực, họ không cho thấy bất cứ điểm đặc biệt nào. 

Việt Nam, Myanmar lại theo trường phái bóng nhỏ, kỹ thuật, và trước giải đấu này dư luận Việt Nam, Myanmar cũng đặt niềm tin vào đội nhà lớn chưa từng thấy. Việt Nam thì bảo mình đang sở hữu một lứa cầu thủ đồng đều, có khả năng kiểm soát bóng cao, Myanmar thì bảo những cầu thủ hôm nay đã từng tham dự vòng chung kết World Cup U.20 thế giới vài năm trước, nên bây giờ mà không vô địch thì chẳng biết bao giờ vô địch. 

Rốt cuộc một đội bị loại ngay sau vòng bảng, một đội bị loại sau bán kết, và điểm chung của cả hai là đều bị loại bởi Thái Lan. Tuy nhiên nếu cái thua 0-1 của Myanmar trước Thái Lan là một cái thua nghẹt thở diễn ra ở phút thứ 90+5 thì cái thua 0-3 của Việt Nam lại là cái thua toàn diện, diễn ra ngay từ nửa cuối hiệp 2.

Trong khi các đội bóng chiếu trên không cho thấy sự tiến bộ nhiều về chất thì ngược lại, những đội chiếu dưới lại có sự tiến bộ đáng ghi nhận. SEA Games này không còn những tỷ số kinh hoàng 10 - 0, 8-0, 6-0 như nhiều kỳ SEA Games trước. Tỷ số đậm nhất chỉ là 4-0, 4-1, và nó cũng chỉ diễn ra với tần suất thấp. 

Nhìn cái cách Timor Leste kiên cường "đấu" Thái Lan hay Brunei khiến chủ nhà mưới mồ hôi mới có thể ăn 1 bàn; rồi Campuchia ăn miếng trả miếng với Indonesia có quyền hy vọng: Thời gian tới, khoảng cách giữa các nền bóng đá lớn - nhỏ ở Đông Nam Á tiếp tục bị thu hẹp dần.

SEA Games 29 cũng cho thấy một chùm HLV ngoại đến từ hàng loạt những nền bóng đá khác nhau, từ Brazil, Đức đến Hàn Quốc, Tây Ban Nha. Điểm chung giữa các ông thầy ngoại là tất cả đều nói "rất to", như cái tuyên bố "Campuchia đến đây để cạnh tranh ngôi vô địch với Thái Lan" của Vitorino chẳng hạn. 

Ai cũng biết những tuyên bố như thế mang tính "lên gân" cầu thủ nhà là chính, nhưng dẫu sao nó cũng khiến cho cuộc chơi có thêm màu sắc. Song có điều hai ông thầy vào chung kết lại là hai ông thầy nội (Ongkim Swee của Malaysia và Srimanka của Thái Lan), và đường vào chung kết cho thấy cả hai ông thầy đều có khá nhiêu đường binh sáng nước.

Quả bóng đã ngừng lăn, phải thừa nhận là những nền bóng đá chiếu dưới ở cái "ao làng" này đang nhích dần lên, nhưng những nền bóng đá chiếu trên có vẻ giậm chân tại chỗ. Thái Lan sau nhiều năm làm vua Đông Nam Á giờ rất muốn vươn ra tầm châu lục, nhưng với binh tình này có lẽ giấc mơ châu lục vẫn chỉ là một giấc mơ xa...

Phan Đăng
.
.
.