EU thông qua kế hoạch quân sự chống nạn buôn người ở Địa Trung Hải
Đây là bước tiếp theo sau giai đoạn đầu thu thập thông tin tình báo về các tổ chức buôn người của Chiến dịch NavFor Med (lực lượng hải quân EU tại Địa Trung Hải) do EU triển khai hồi tháng bảy.
Theo kế hoạch được thông qua tại cuộc họp, trong giai đoạn 2, các lực lượng chức năng được phép dừng tàu và nếu cần thiết thì phá hủy các tàu được sử dụng để chở người di cư tới châu Âu. Tiếp sau giai đoạn này, nếu được thông qua, giai đoạn 3 của NavFor Med sẽ bao gồm các hoạt động quân sự chống buôn người trong lãnh hải Libya, với mục đích tiêu diệt các mục tiêu ngay khi chúng chuẩn bị khởi hành. Để thực hiện được giai đoạn 3 cần có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sự đồng thuận từ phía Chính phủ Lybia. Ngay trước thềm cuộc họp này, EU vẫn “phân cực” vì phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư.
Người di cư tại một trại tị nạn tạm thời ở Nickelsdorf, Austria.Ảnh: EFE. |
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Latvia Daiga Holma nhấn mạnh, tại thời điểm hiện nay, vấn đề tiếp nhận người di cư cần phải được giải quyết ngay chính trong nội bộ của mỗi nước. Theo đó, Bộ trưởng Nội vụ nước này Rihard Kozlovskis sẽ không tới Brussels, mà sẽ tham dự các cuộc tham vấn giữa Tổng thống Raimonds Vejonis với lãnh đạo đảng Thống nhất diễn ra vào đúng ngày 14/9, nhằm giải quyết những bất đồng trong nước về tiếp nhận người nhập cư.
Liên Minh cầm quyền Latvia đã không đạt được thỏa thuận về việc tiếp nhận thêm người di cư khi hai trong ba đảng gồm đảng “Xanh và nông dân” và Liên minh dân tộc “Vì Tổ quốc và Tự do” đã phản đối yêu cầu tiếp nhận 776 người di cư thay vì kế hoạch tiếp nhận 250 người được đưa ra trước đó. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliak thì khẳng định sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình đối với quyết định phân chia hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người di cư. Bộ trưởng Kaliak nhấn mạnh, đề xuất hạn ngạch tiếp nhận người di cư giữa các quốc gia thành viên EU là “vô nghĩa, không giải quyết được vấn đề và đi ngược với lợi ích của người di cư”. Bộ trưởng Kaliak khẳng định, cùng với Cộng hòa Czech, Ba Lan và Hungary, Slovakia sẽ tiếp tục phản đối chủ trương phân bổ bắt buộc hạn ngạch người di cư ở các nước thành viên EU.
Trước bối cảnh các nước EU vẫn chia rẽ về phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel ngày 14/9 đã lên tiếng chỉ trích châu Âu không có hành động trong cuộc khủng hoảng tị nạn vì việc lạm dụng khả năng của Berlin trong việc tiếp nhận người tìm kiếm tị nạn.
Trước đó, Berlin đã quyết định thắt chặt kiểm soát biên giới với Austria để hạn chế người tị nạn. Theo đó, mặc dù hoạt động kiểm soát tại các chốt chặn nằm trên đường biên giới với Austria đã được tạm thời nối lại, nhưng tất cả những người đi qua ranh giới này đều bị kiểm tra hộ chiếu thay vì tự do đi lại như trước đây. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere giải thích: “Mục đích của các biện pháp này là để hạn chế dòng người di cư ồ ạt đổ vào Đức và trả lại trật tự của thủ tục nhập cảnh”.
Bộ trưởng Maiziere cũng thừa nhận rằng, bước đi này có thể không giải quyết được hoàn toàn các vấn đề do dòng người di cư và tị nạn gây ra, song phần nào thể hiện được mong muốn của Đức chia sẻ gánh nặng hiện nay với các nước thành viên EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng, quyết định kiểm soát lại biên giới của Đức nhằm đáp ứng với tình hình khẩn cấp là không vi phạm Hiệp ước Shengen, trong đó quy định các nước có quyền áp đặt trở lại việc kiểm soát biên giới nếu xảy ra tình hình khẩn cấp. Chỉ khoảng một giờ rưỡi sau Đức nối lại hoạt động kiểm soát biên giới, Chính phủ Cộng hòa Czech cũng thông báo sẽ kiểm soát chặt hơn khu vực biên giới của nước này với Austria, quốc gia vừa tuyên bố không loại trừ khả năng siết chặt thêm việc kiểm soát tại khu vực biên giới với Hungary nếu tình hình còn diễn biến phức tạp.
Sau Đức và Cộng hòa Czechs, Austria cũng đang tăng cường kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn bằng cách triển khai quân đội để hỗ trợ những người di cư đang ồ ạt tràn vào. Dự kiến khoảng 2.200 binh sỹ Austria sẽ được triển khai tại biên giới nước này. Thủ tướng Áo Werner Faymann ngày 14/9 tuyên bố cảnh sát và Bộ Nội vụ nước này cần sự hỗ trợ từ quân đội. Còn Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz thì nhấn mạnh, nếu không “theo gương" Đức, Austria sẽ bị quá tải trong những ngày tới.
Bên cạnh quyết định nối lại kiểm soát biên giới, Bộ trưởng Nội vụ Đức còn kêu gọi các nước EU cần tuân thủ thỏa thuận Dublin, theo đó cho phép người di cư được đăng ký và tiến hành các thủ tục xin tị nạn ngay khi đặt chân vào quốc gia đầu tiên thuộc EU, thay vì từ chối và đưa những người này lên tàu đến Đức như hiện nay. Chia sẻ lời kêu gọi này, ngày 14/9, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền (UNHRC) Zeid Raad al Hussein đã hối thúc châu Âu mở lòng hơn nữa đối với người tị nạn bằng cách hoạch định các chính sách toàn diện nhằm mở rộng các kênh nhập cư.
Ông Hussein kêu gọi ngừng hành động ngăn chặn và “ngược đãi” người tìm kiếm tị nạn, đặc biệt là trẻ em, trốn chạy khỏi chiến tranh và khủng bố tại các nước, trong đó có Syria. “Chúng ta cần mở rộng các kênh dành cho hoạt động di cư thường xuyên và tái định cư”, ông Hussein nhận định. Trước đó, hôm 13/9, Hy Lạp cũng lên tiếng kêu gọi EU cần phối hợp hành động khẩn cấp để đối phó với dòng người di cư lớn chưa từng có đang đổ về “lục địa già” trong năm nay.