EU dành 1 tỷ USD viện trợ cho người di cư

Thứ Sáu, 25/09/2015, 08:04
Cuộc họp lúc nửa đêm hôm 23/9 của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) đã kết thúc nhưng chưa có được giải pháp cụ thể nào cho cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Dẫu vậy, EU cũng đã thành công khi đạt được thỏa thuận chung về gói viện trợ 1 tỷ USD dành cho người di cư.

Cuộc họp thượng đỉnh lần này của EU bị triệu tập một cách khẩn cấp bởi lẽ các nước trong liên minh này không thể thống nhất được giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Trong khi hàng trăm ngàn người di cư đang đổ bộ vào đất liền sau khi vượt qua Địa Trung Hải đã khiến an ninh và xã hội ở các quốc gia EU trở nên rối ren và đáng báo động. Nhiều quốc gia do quá lo sợ dòng người di cư đã đóng cửa biên giới, lập chốt kiểm soát… Thậm chí, có những quốc gia còn “sứt mẻ” cả tình láng giềng chỉ vì vấn đề này. 

Chẳng hạn như Hungary, lệnh ngăn dòng người nhập cư từ Serbia, Croati đã khiến nước này bị trả đũa bởi những hình phạt khác về kinh tế. Và trong khi Serbia lên án hành động của Hungary tại các hội nghị, cuộc gặp trong khu vực thì Croatia lại có cấm nhập khẩu hàng hóa nông sản từ quốc gia láng giềng này. Phía Hy Lạp và Italia cũng gặp khó khăn không kém bởi lẽ, cùng với dòng người nhập cư bất hợp pháp là thông tin về những cái chết thương tâm trên các con thuyền di cư lênh đênh ngoài biển. 

Dòng người tị nạn xếp hàng chờ để được qua biên giới Serbia vào Hungary rồi đi tới các quốc gia Tây Âu giàu có. Ảnh: Getty Imagine.

Hiện tại, bước đầu tiên mà EU thông qua trong vấn đề di cư tại hội nghị thượng đỉnh lần này, theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk chính là cam kết viện trợ ít nhất 1 tỷ euro (tương đương 1,1 tỷ USD) cho người tị nạn các nước láng giềng của Syria thông qua các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) như Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP). Bên cạnh đó, từ cuối tháng 11, EU cũng sẽ thành lập các trung tâm đặc biệt tiếp nhận người di cư tại các nước tuyến đầu. 

Ngày 5/10, các lãnh đạo EU cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan để tìm kiếm hợp tác trong nỗ lực hạn chế số lượng người di cư tới Hy Lạp.

Một điểm đáng chú ý của hội nghị thượng đỉnh là EU đã ra tuyên bố kêu gọi nối lại nỗ lực quốc tế của LHQ nhằm chấm dứt cuộc chiến Syria, vốn đã khiến 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đồng thời kêu gọi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc ở Lybia. Quan điểm của các nhà lãnh đạo EU là Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải là thành phần của bất cứ cuộc đàm phán nào về Syria. 

Tổng thống Pháp Francois Holland, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond và các nhà lãnh đạo khác của EU khẳng định, không chỉ Mỹ, Nga mà các đối tác quan trọng tại Trung Đông như như Iran và Arab Saudi đều có thể tham gia hội nghị hòa bình này và rằng EU cần sự hỗ trợ của các nước này để giúp loại bỏ những nguyên nhân gây ra dòng người tị nạn tìm cách vào các quốc gia thuộc khối này.

Riêng về cơ chế hạn ngạch về phân bổ người tị nạn đối với các nước thành viên EU, Nghị viện châu Âu (EP) cho rằng đây là yêu cầu bắt buộc phải được thực hiện. 

Chủ tịch EP Martin Schulz nêu rõ: "EP yêu cầu và đã bắt đầu khởi động việc áp dụng cơ chế phân bổ lâu dài mà EC đề xuất cho tất cả các nước thành viên. Hạn ngạch sex được đưa ra dựa trên tiêu chuẩn phân phối khách quan và minh bạch, xét theo nhu cầu, tình trạng gia đình và kỹ năng của người xin tị nạn, đồng thời cũng dựa trên tình hình các nước thành viên với sự khác nhau về dân số, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ thất nghiệp hay số người tị nạn hiện có ở mỗi nước…”. 

Hiện EU vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc sau khi kế hoạch phân bổ 120.000 người tị nạn được thông qua bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ một số các quốc gia thành viên. Theo cảnh báo của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), từ nay đến cuối năm 2016, châu Âu cần ít nhất 200.000 nơi ở để bố trí người tị nạn và con số này có thể còn tiếp tục tăng. 

Người phát ngôn UNHCR, bà Melissa Fleming, nhấn mạnh nhu cầu cấp bách của EU lúc này là nhất trí về giải pháp nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng đang đẩy lục địa này vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có tiền lệ.

Gia Nam
.
.
.