Hungary cứng rắn, Croatia, Hà Lan nới lỏng với người di cư

Thứ Sáu, 18/09/2015, 09:01
Phát biểu ngày 17/9 tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon kịch liệt phản đối việc cảnh sát Hungary sử dụng hơi cay và vòi rồng chống lại người di cư tại khu vực biên giới Hungary – Serbia chiều ngày 16/9, cho rằng đây là hành động “không thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Antonio Guterres khẳng định, việc Hungary sử dụng một số biện pháp vũ lực để đối phó với người di cư là vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng Thư ký Ban Ki-Moon bày tỏ: “Tôi thực sự sốc khi nhìn thấy những người tị nạn và di cư bị đối xử bằng vũ lực”. Ông cho rằng, những người tị nạn chiến tranh, đói khổ là những người cần được chăm sóc và cảm thông. LHQ đã nhiều lần kêu gọi giới chức châu Âu nêu cao tinh thần nhân đạo trong việc giải quyết khủng hoảng di cư. Serbia cũng đã trao công hàm phản đối Hungary liên quan đến việc lực lượng an ninh nước này sử dụng hơi cay và các biện pháp mạnh tay trên lãnh thổ Serbia.

Lực lượng an ninh Hungary trấn áp người di cư bằng hơi cay và vòi rồng. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic lên án gay gắt hành động bạo lực của cảnh sát Hungary với người tị nạn và gọi đó là sự can thiệp tàn bạo. Thủ tướng Vucic cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thể hiện rõ quan điểm với cách giải quyết đi ngược những giá trị chung của toàn khối của Hungary.

Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Lao động Serbia Aleksandar Vulin cũng kịch  liệt phản đối việc cảnh sát Hungary sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán người tị nạn. Bộ trưởng Vulin nêu rõ, Serbia không đồng tình với cách làm của Hungary. Bởi, việc người tị nạn bực tức là có thể hiểu được sau khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia. Nhà lãnh đạo này đồng thời hối thúc EU nhanh chóng tìm ra giải pháp trước khi tình hình chuyển biến xấu hơn.

Bên cạnh đó, Serbia đã quyết định điều thêm cảnh sát tới khu vực cửa khẩu Horgos nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra thêm xung đột giữa người di cư và cảnh sát Hungary. Ngoài việc sử dụng vũ lực để đàn áp, Hungary còn đang tăng cường xây thêm tường rào ở khu vực biên giới với Romania và Croatia nhằm ngăn chặn dòng người di cư. Phản ứng trước hành động này, Bộ Ngoại giao Romania đã triệu Đại sứ Hungary tại Bucharest để phản đối.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Romania chỉ trích việc xây dựng hàng rào giữa 2 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) là hành động không đúng đắn về mặt chính trị và đi ngược lại tinh thần châu Âu.

Theo báo chí châu Âu, tình hình tại khu vực biên giới Hungary - Serbia ngày 16/9 đã có những dấu hiệu leo thang căng thẳng sau khi cảnh sát Hungary đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để chống lại những người di cư cố tìm mọi cách vượt qua hàng rào dây thép gai.

Theo cảnh sát Hungary, một nhóm những người di cư “hung hăng” đã tìm cách phá hàng rào ở biên giới giữa Hungary với Serbia, buộc lực lượng chức năng phải có biện pháp can thiệp. Cuộc đụng độ đã khiến ít nhất 20 cảnh sát và nhiều người di cư bị thương, trong đó có hai trẻ em. Từ khi luật di trú mới của Hungary có hiệu lực ngày 15/9 và hàng rào chặn người di cư của nước này được hoàn thành trên toàn tuyến biên giới với Serbia, một số lượng lớn người di cư đang bị mắc kẹt ở khu vực biên giới Hungary-Serbia buộc phải tìm con đường khác nếu tiếp tục muốn đi tới lãnh thổ của một nước thuộc EU. Tình trạng hỗn loạn cũng xuất phát từ đây, khi người di cư “lâm vào đường cùng”. Tuy vậy, phát biểu sáng 17/9, người phát ngôn Chính phủ Hungary, ông Zoltan Kovacs khẳng định, chính quyền Hungary không nới lỏng quy định Luật Di trú mới của nước này bất chấp tình trạng lộn xộn trên khu vực biên giới Hungary - Serbia những ngày qua.

Theo người phát ngôn của Chính phủ Hungary, những người gây ra các cuộc xô xát trên khu vực biên giới Hungary – Serbia khiến hàng trăm người bị thương trong hai ngày qua “là những kẻ xâm lược”.

Ông chỉ ra rằng: “Đây không phải là những người lao động di cư. Đơn giản là họ chỉ muốn chuyển tới một quốc gia khác với điều kiện sống tốt hơn. Họ là những kẻ xâm lược, không chỉ đối với Hungary mà còn với toàn lãnh thổ châu Âu”, đồng thời khẳng định, sẽ không có bất cứ cơ chế ưu đãi nào cho những đối tượng này. Do gặp phải rào cản Hungary nên dòng người di cư đang phải chuyển hướng về Croatia.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Croatia, tính tới nay, đã có hơn 5.000 người di cư tới nước này và con số này ở Đức hiện là 7.266. Trong khi đó, Thủ tướng Croatia Zoran Minanovic tuyên bố sẽ mở cửa cho phép người di cư tự do đi qua lãnh thổ nước này. Quyết định này của Croatia đã buộc Slovenia phải chuẩn bị các phương án siết chặt các biện pháp an ninh biên giới với Croatia, cùng với đó, Ljubljana cũng đã huy động lực lượng an ninh tới biên giới với Hungary.

Trong diễn biến mới nhất, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hồi tuần trước về việc 28 quốc gia thành viên EU nên cùng nhau chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận 120.000 người xin tị nạn đang tạm trú tại Hungary, Hy Lạp và Italy, nhà chức trách Hà Lan dự kiến sẽ tiếp nhận 7.000 người. Cùng với đó, Hà Lan đang chuẩn bị xây dựng một trung tâm tị nạn tạm thời tại thị trấn Nimegen ở phía Đông, giáp ranh với Đức, nhằm tạo chỗ ở cho khoảng 3.000 người. Chính phủ Hà Lan cũng khẳng định không phản đối hạn ngạch phân bổ người di cư, song kêu gọi các nước cần có cách tiếp cận thống nhất nếu đạt được một thỏa thuận chung.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.