Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023:

Đoàn kết, hợp tác để phát triển giữa những thách thức

Thứ Năm, 30/03/2023, 06:33

Ngày 30/3, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao, vốn được ví như Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos của châu Á, chính thức khai mạc tại thành phố Quỳnh Hải, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc.

Với chủ đề "Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và hợp tác để phát triển giữa những thách thức", diễn đàn năm nay được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, cũng như thúc đẩy phát triển hoà bình, đem lại lợi ích cho người dân khu vực châu Á và các nước trên thế giới.

1.jpeg -0
Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 và các hoạt động liên quan diễn ra trong bốn ngày từ 28-31/3. Nguồn: Caixin Global.

Theo Global Times, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2023 là hội nghị quốc tế quy mô lớn đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung Quốc, kể từ khi nước này nới lỏng công tác phòng, chống dịch COVID-19, từng bước mở cửa với thế giới. Năm nay, diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu đến từ 50 quốc gia và khu vực, như các quan chức cấp cao của chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp và giới chuyên gia.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó thông báo, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Côte d'Ivoire Patrick Achi và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva sẽ tham dự hội nghị. Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường, người vừa được bổ nhiệm tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hồi giữa tháng 3, dự và phát biểu trực tiếp tại lễ khai mạc BFA 2023 ngày 30/3.

CGTN dẫn lời ông Zara Uddin Mahmood, Tổng Thư ký BFA - Trung Quốc cho biết: "3 năm qua đầy bất ổn vì COVID-19, tiếp đó là lạm phát, xung đột, chia rẽ địa chính trị. Vì vậy, việc tham dự của nhiều lãnh đạo, chuyên gia không chỉ ở châu Á mà nhiều nơi trên thế giới sẽ đóng góp nhiều ý kiến quý báu và đề xuất cách giải quyết những vấn đề này. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tìm được nhiều sự đồng thuận cho những giải pháp phía trước".

Trang chủ của BFA cũng nhấn mạnh: "Trong kỷ nguyên mới, BFA, có trụ sở tại châu Á và với tầm nhìn toàn cầu, tuân thủ một chủ đề xuyên suốt là phát triển kinh tế, đồng thời mở rộng sang 5 lĩnh vực trọng tâm bao gồm đổi mới công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa và truyền thông để đáp ứng những yêu cầu nền kinh tế mới. BFA cam kết đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững của châu Á và thế giới".

Theo thông cáo của ban tổ chức, các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh bốn vấn đề cấu thành nên chủ đề BFA 2023 "Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và hợp tác để phát triển giữa những thách thứ", gồm phát triển và toàn diện, hiệu quả và an ninh, khu vực và toàn câu cũng như hiện tại và tương lai, nhằm tìm kiếm con đường phát triển trong thời kỳ hậu COVID-19 và tăng cường hợp tác trong cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ hội nghị, hàng loạt diễn đàn sẽ được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề mà các bên cùng quan tâm như: bố cục mới của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, cạnh tranh và hợp tác về khoa học-công nghệ, cơ hội và thách thức mới trong hợp tác khu vực châu Á, khó khăn và đột phá trong thực hiện mục tiêu trung hòa carbon, trí tuệ nhân tạo mang lại cuộc sống tốt đẹp, hay thúc đẩy kinh tế số.

Dù 30/3 mới chính thức khai mạc, nhưng nhiều cuộc thảo luận bên lề tại BFA đã diễn ra từ hai ngày trước. Trong báo cáo mới nhất mà BFA công bố hôm 28/3, nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng lên 4,5% vào năm 2023 so với mức 4,2% vào năm 2022, trở thành một điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Báo cáo có đoạn: "Năm 2023, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và nguy cơ toàn cầu hóa ngày càng phân mảnh, châu Á được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế chung, tiếp tục thúc đẩy sản xuất, thương mại, đầu tư, hội nhập tài chính và gắn kết khu vực". Để giải quyết một số vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của châu Á, báo cáo kêu gọi sự quan tâm đặc biệt đến khả năng phục hồi của các nền kinh tế, tái cấu trúc chuỗi công nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các hiệp định thương mại khu vực.

Giới chuyên gia nhận định, diễn đàn năm này được kỳ vọng sẽ đưa ra các chiến lược phát triển trong thời kỳ hậu COVID-19 và cách thức tăng cường hợp tác trong cộng đồng quốc tế một cách bền vững hơn. Đặc biệt, BFA 2023 còn được xem là cửa sổ quan trọng để theo dõi các chính sách ngoại giao và kinh tế lớn của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nước này mở cửa trở lại sau 3 năm thực hiện chính sách Zero COVID.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các quan chức Trung Quốc sẽ nêu bật những nỗ lực của Bắc Kinh đối với quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực cũng như toàn cầu hóa kinh tế. Các kế hoạch và sáng kiến phát triển khác nhau của Trung Quốc, bao gồm hiện đại hóa Trung Quốc, lan tỏa sáng kiến Vành đai và Con đường, sáng kiến An ninh Toàn cầu vốn đề xuất tại cuộc họp thường niên BFA năm ngoái sẽ được thảo luận.

Ngoài những đóng góp kinh tế, các giải pháp ngoại giao của Trung Quốc để giải quyết thách thức địa chính trị toàn cầu khác nhau, dự kiến cũng được đề cập tới, bao gồm thỏa thuận giữa Arab Saudi và Iran do Trung Quốc làm trung gian và kế hoạch hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine - Nga.

Được biết, năm 1998, khi tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập khu vực bắt đầu sôi nổi, cựu Tổng thống Philippines Fidel V. Ramos, cựu Thủ tướng Australia Bob Hawke và cựu Thủ tướng Nhật Bản Morihiro Hosokawa đã đề xuất thành lập một diễn đàn châu Á, tương tự như Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức thường niên tại Davos (Thụy Sỹ). Ý tưởng này đã được hàng loạt nước châu Á hưởng ứng và nhanh chóng được đưa vào thực tiễn.

Năm 2000, chính phủ của 25 quốc gia châu Á và Australia đã đồng ý thành lập Diễn đàn châu Á và chọn tỉnh Hải Nam, Trung Quốc là nơi tổ chức thường niên. Và BFA lần đầu tiên đã được tổ chức tại thị trấn Bác Ngao từ ngày 26-27/2/2001. Hiện nay, có 29 quốc gia là thành viên của diễn đàn uy tín này.

Kim Khánh
.
.
.