Vì sao Pháp tham gia cuộc không kích IS ở Syria?

Thứ Hai, 05/10/2015, 08:07
Hồi cuối năm 2014, Paris đã từ chối tham gia chiến dịch tấn công IS của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tại Syria vì cho rằng, hành động như vậy sẽ chỉ giúp củng cố quyền lực của chính quyền Tổng thống Assad. Không quân Pháp chỉ nhằm vào các vị trí của IS tại Iraq.


Thế nhưng, trong cuộc họp báo hôm 7/9 vừa qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande lại bất ngờ công bố ý định thực hiện chiến dịch trên tại Syria. Chỉ vài giờ sau đó, ngay tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, ông Hollande tuyên bố Không quân Pháp đã tấn công phá hủy một trại huấn luyện của IS gần Deir ez-Zor, miền Đông Syria, với lý do tổ chức này “đe dọa an ninh” của Pháp.

Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh chiến dịch nhằm “bảo vệ lãnh thổ của Pháp” và “đã đạt mục tiêu” phá hủy toàn bộ căn cứ (của IS), đồng thời cho biết thêm các cuộc không kích mới có thể sẽ còn diễn ra trong những tuần tiếp theo nếu cần thiết. Theo nguồn tin riêng của Le Monde, tờ báo hàng đầu của Pháp, chiến dịch này đã được thực hiện từ cuối tuần trước và nhằm cả vào một số vị trí khác tại Raqqa, sào huyệt của IS tại Syria. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Pháp đang hành động trong khuôn khổ liên minh nào?!

Không quân Pháp tấn công phá hủy một trại huấn luyện của IS gần Deir ez-Zor, miền Đông Syria. Ảnh: Getty Images.

Trong thông cáo về chiến dịch, Điện Elysse chỉ cho biết nó được tiến hành “phối hợp với các đối tác của liên minh”, trước hết là Mỹ, được sự hỗ trợ của Canada, Australia, Anh và cả Jordan. Nhưng máy bay của Pháp lại không đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Mỹ - nước dẫn đầu liên minh, giống như ở Iraq.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết: “Chúng ta tham gia việc đảm bảo an ninh trên bầu trời Syria, nhưng tự do hành động trên những tính toán riêng, theo đánh giá tình báo riêng. Pháp có thể tự do hành động nằm ngoài khuôn khổ với liên minh”.

Với vị thế này, Pháp cần phối hợp với tất cả các lực lượng hiện diện. Máy bay Pháp bay trong các hành lang và khu vực đã xác định để tránh bị các đồng minh hiểu nhầm, đồng thời tránh đối đầu với các nhân tố khác như Nga, Iran, Syria và cả Israel. Trong bối cảnh mỗi bên hiện diện tại Syria theo đuổi một kế hoạch khác nhau thì mục tiêu của Không quân Pháp được xem là rất cụ thể: thu thập tin tức tình báo và tấn công vào các mục tiêu đã được xác định, không tham gia các hoạt động “tùy hứng”.

Theo đánh giá của tờ Le Monde, chiến dịch này đã được tính toán kỹ lưỡng và khởi động đúng lúc Tổng thống Hollande bắt đầu cuộc vận động ngoại giao quan trọng tại Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ.

Theo đó, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thu hút sự chú ý của dư luận thế giới với việc tăng cường hiện diện quân sự tại Syria, thông qua việc mở rộng phạm vi không kích ra ngoài Iraq, Paris đã phát tín hiệu khẳng định muốn giành được một vị trí có lợi tiến trình đàm phán tìm kiếm “một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria”, vốn mới đang bắt đầu. Và Tổng thống Pháp muốn đảm bảo rằng, Paris sẽ đóng một vai trò lớn trong tiến trình này. Quyết định của Paris còn được cho là nhằm mục đích cải thiện uy tín của Chính phủ đương nhiệm của đảng Xã hội, đại diện cho cánh tả Pháp, đang giảm sút do tình hình kinh tế yếu kém, tỷ lệ thất nghiệp cao. Tổng thống Holland dường như muốn bù đắp sự thiếu hụt trong đối nội bằng các động thái đối ngoại mạnh mẽ.

Quyết định này chỉ là phần tiếp theo trong chuỗi các hoạt động Chính phủ Pháp triển khai ở bên ngoài, nhằm khẳng định tính tiên phong của Pháp trong chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), sự mạnh mẽ của Pháp trong các vấn đề quốc tế, khi mà Tổng thống Mỹ Barack Obama có xu hướng tỏ thái độ mềm mỏng, ôn hòa hơn, như: việc đi tới thỏa thuận hạt nhân Iran; việc giải quyết cuộc khủng hoảng Libya, Tunisia; việc gửi quân can dự các cuộc xung đột tại Mali, Trung Phi...

Bên cạnh đó, IS phát triển cùng với các cuộc xung đột dữ dội và tính chất tàn bạo của nó đã khiến dân thường Syria hoảng sợ. Cuộc trốn chạy chiến tranh, trốn chạy IS đã biến thành dòng thác hàng trăm ngàn người tỵ nạn từ Syria đổ tới châu Âu, mà Pháp là một trong những “trụ cột” phải gánh chịu. Tấn công tiêu diệt IS, tái lập hòa bình, ổn định ở Syria được cho là cách giải quyết tận gốc một trong những mối đe dọa khủng bố và cuộc khủng hoảng người tỵ nạn hiện nay.

Ngoài ra, hàng trăm thanh niên Pháp chịu ảnh hưởng của tư tưởng cuồng tín Hồi giáo, đã tìm đường tới Syria tham gia chiến đấu trong lực lượng IS. Không loại trừ việc số này sẽ trở về nước, truyền bá tư tưởng cuồng tín, móc nối, lôi kéo những thanh niên khác cùng tham gia IS. Từ đó, tuyên bố của Tổng thống Hollande về việc thực hiện “các hành động quân sự một cách có lựa chọn” cho phép nước này “ngăn chặn các hành vi khủng bố có thể diễn ra trên lãnh thổ nước Pháp” là rất cụ thể: tiêu diệt các phần tử thánh chiến trước khi chúng đến/quay về nước Pháp. Tuyên bố này còn vô cùng hợp lý nếu đối chiếu với tình hình thực tế hiện nay ở Pháp.

Cuộc xung đột do IS gây ra đang tác động mạnh mẽ đến tình hình an ninh - xã hội nhiều nước, trong đó Pháp là nước chịu ảnh hưởng khá nặng. Hàng loạt cuộc tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan có liên quan tới IS đã diễn ra ở Pháp, điển hình là vụ xả súng đẫm máu tại tòa soạn báo Chalie Hebdo ở trung tâm thủ đô Paris hồi tháng 1 năm nay.

Và trong sâu thẳm, liệu có phải Pháp đang lo ngại người Mỹ sẽ lại bị cám dỗ - giống như từng xảy ra vào tháng 8/2013, khi Washington quay sang ủng hộ đề xuất tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, từ bỏ kế hoạch tấn công Damascus được Paris ủng hộ - và cuối cùng chấp nhận nhắm mắt đi theo giải pháp của Nga.

Khổng Hà
.
.
.