Vai trò quan trọng của ASEAN trong vấn đề Myanmar
Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN này được tổ chức theo đề nghị của Quốc vương Brunei, nước đang là Chủ tịch ASEAN, với mong muốn tìm ra một giải pháp giải quyết tình hình tại quốc gia thành viên Myanmar. Do đó, chắc chắn dư luận kỳ vọng có thể đạt được sự thống nhất nội khối trong việc giảm căng thẳng và bạo lực tại Myanmar.
Biểu tình ở Myanmar. Ảnh: AP |
ASEAN vừa là diễn đàn đa phương hàng đầu khu vực, vừa là sợi dây kết nối các quốc gia thành viên, trong đó có Myanmar. Do đó, có thể nói ASEAN có lợi thế trong việc giải quyết khủng hoảng ở Myanmar. Việc hỗ trợ Myanmar tìm ra giải pháp hòa bình quan trọng với ASEAN trong việc đoàn kết nội bộ và củng cố vai trò ASEAN trên trường quốc tế. Indonesia và Malaysia là hai quốc gia đi đầu trong việc đề xuất cuộc họp ASEAN về vấn đề Myanmar.
Từ đầu tháng 2, Thủ tướng Malaysia và Tổng thống Indonesia đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp đặc biệt của ASEAN để thảo luận về tình hình Myanmar. Thậm chí, Ngoại trưởng Indonesia đã thực hiện chuyến thăm tới một số quốc gia ASEAN, nhằm thúc đẩy một phản ứng tốt hơn của khối đối với cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Ngoài khuôn khổ ASEAN, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng đã thiết lập liên lạc với Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh cũng như đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ).
Bên cạnh Indonesia và Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan cũng bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên liên quan đến việc tiếp quản quyền lực ở Myanmar giải quyết các tranh chấp thông qua "cơ chế pháp lý" và "đối thoại hòa bình".
Trước đó, Brunei cũng kêu gọi đối thoại, hòa giải và trở lại các điều kiện bình thường theo mong muốn và lợi ích của người dân Myanmar. Phát biểu trước báo giới ngày 20/4 vừa qua, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng bày tỏ hy vọng Myanmar sẽ cho phép các đại diện của ASEAN tham gia giám sát và hỗ trợ Myanmar trở lại trạng thái bình thường.
Về phía Việt Nam, tại cuộc họp trực tuyến mới đây của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Myanmar, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho tất cả mọi người và hỗ trợ nhân đạo không bị cản trở cho những người cần được trợ giúp, nhất là các nhóm yếu thế trong xã hội. Đại sứ kêu gọi các bên liên quan ở Myanmar kiềm chế các hành vi bạo lực, tiến hành đối thoại và hòa giải theo ý chí và nguyện vọng của người dân, vì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đại diện Việt Nam cho rằng, cộng đồng quốc tế cần đóng góp một cách xây dựng để giúp Myanmar ngăn chặn bạo lực, thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đối thoại và hòa giải, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Myanmar.
Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định 55 triệu người dân Myanmar đều là thành viên của Đại gia đình ASEAN và ASEAN luôn sẵn sàng giúp đỡ Myanmar một cách xây dựng, hòa bình thông qua các cơ chế liên quan. Các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam đã và đang cùng các bên liên quan ở Myanmar thúc đẩy đối thoại, tạo thuận lợi cho việc tìm giải pháp cho vấn đề này. Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ các nỗ lực và lập trường của ASEAN, mong muốn các cuộc thảo luận ở LHQ về các vấn đề quan trọng liên quan cần có sự tham vấn đầy đủ với các nước ASEAN và các nước khác trong khu vực.
Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nêu bật vai trò quan trọng của ASEAN trong giải quyết vấn đề Myanmar. Ông nhận định tình hình đòi hỏi một phản ứng quốc tế mạnh mẽ dựa trên nỗ lực thống nhất của khu vực, do đó ông kêu gọi các nước ASEAN ngăn chặn tình hình xấu đi và tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề hiện nay.
Trong khi đó, cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng ASEAN nên nhất trí cử phái đoàn cấp cao tới Myanmar nhằm kết nối tất cả các bên liên quan. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN hợp tác với LHQ để giúp đỡ người dân và đất nước Myanmar, đồng thời hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ hành động kiên quyết để ngăn chặn nguy cơ tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Hiện Đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener đang có chuyến thăm tới Jakarta, Indonesia. Mặc dù không tham dự cuộc hợp ngày 24-4, song bà sẽ có các cuộc gặp bên lề với các nhà lãnh đạo ASEAN và thảo luận về tình hình tại Myanmar nhằm tìm kiếm một lộ trình giúp chấm dứt bất ổn tại quốc gia này.
Ngay trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN lần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và Bộ trưởng (thứ hai) Bộ Ngoại giao Brunei Dato Erywan Pehin Yusof về tình hình Myanmar. Phát biểu tại cuộc điện đàm, ông Vương Nghị đánh giá Hội nghị đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN là rất kịp thời và rất quan trọng. Trung Quốc kỳ vọng cuộc họp phát huy vai trò mang tính xây dựng trong việc hạ nhiệt tình hình ở Myanmar và "phát đi những tín hiệu tích cực".
Bắc Kinh cũng mong muốn hội nghị sẽ "có lợi" cho việc thúc đẩy hòa giải chính trị trong nước ở Myanmar, thể hiện vai trò mang tính xây dựng của ASEAN và tránh sự "can dự không thích đáng" của bên ngoài. Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, ASEAN hiểu rõ tình hình đặc biệt của Myanmar hơn bất kỳ quốc gia và tổ chức khu vực nào, cũng như có điều kiện hơn trong việc tham gia giải quyết vấn đề tại Myanmar một cách xây dựng.
Trung Quốc mong muốn ASEAN hình thành lập trường thống nhất, nói lên tiếng nói chung và "có đủ trí tuệ chính trị và ý chí tập thể" để hỗ trợ Myanmar, bảo vệ hòa bình ổn định ở khu vực cũng như sự đoàn kết hợp tác của ASEAN. Trung Quốc cho rằng, gia tăng sức ép từ bên ngoài không giúp giải quyết các vấn đề nội bộ của Myanmar, mà chỉ khiến tình hình trở nên bất ổn, thậm chí xấu đi, ảnh hưởng và gây mất ổn định cho khu vực.
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế có thái độ khách quan, công bằng và làm nhiều việc hơn nữa để xoa dịu căng thẳng ở Myanmar, trước mắt là ủng hộ ASEAN phát huy vai trò. Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh "trông đợi" Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN sẽ đem đến khởi đầu thuận lợi cho việc "hạ cánh mềm" của tình hình Myanmar, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ Brunei hoàn thành trách nhiệm của Chủ tịch luân phiên ASEAN, duy trì liên lạc chặt chẽ với ASEAN và tiếp tục xử lý vấn đề Myanmar "theo cách riêng của mình".