Trắc trở tiến trình đàm phán thương mại Anh - EU

Thứ Bảy, 29/02/2020, 06:27
Từ ngày 2 đến 5/3 tới, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại tại Brussels. Giới quan sát nhận định, những quan điểm đối nghịch nhau của hai phía cho thấy giai đoạn đàm phán về quan hệ thương mại tương lai giữa nước Anh và EU có thể gặp nhiều trắc trở như quá trình đàm phán Brexit vốn kéo dài ba năm qua.

Những “ranh giới đỏ” trong đàm phán thương mại với EU mà xứ sở sương mù hôm 27/2 thông báo bao gồm việc không đàm phán bất cứ dàn xếp nào được cho là sẽ lấy mất đi "quyền kiểm soát pháp luật và đời sống chính trị" của nước Anh. 

Theo đó, Anh muốn tìm kiếm quan hệ thương mại với EU, tương tự như thỏa thuận thương mại mà khối này đã có với Canada, Nhật Bản hay Hàn Quốc. London cũng khẳng định sẽ không chấp nhận việc phải tuân theo luật pháp của EU cũng như phán quyết của tòa án tối cao EU trên đất Anh. 

Vòng đàm phán chính thức đầu tiên về thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU sẽ diễn ra vào ngày 2-3 tới tại Brussels (Bỉ). Ảnh: ABDN

Bộ trưởng Văn phòng nội các Anh Michel Gove khẳng định, Anh mong muốn mối quan hệ thương mại tốt nhất có thể với EU, nhưng không vì thế mà Anh phải đánh đổi chủ quyền của mình. 

Ông nói: “Nguyên tắc đầu tiên trong cách tiếp cận của chúng ta đó là đảm bảo mối quan hệ dựa trên hợp tác thân thiện giữa các quốc gia có chủ quyền tương đương. Chúng tôi tôn trọng chủ quyền của EU, quyền tự trị, các sắc lệnh pháp lý của EU. Anh cũng hy vọng EU sẽ có sự tôn trọng tương tự với nước Anh”. Nhữn

g “ranh giới đỏ” mà Anh đặt ra cho EU đang đi ngược lại mục tiêu đàm phán khối đưa ra trước đó. EU cho rằng, sự gần gũi về địa lý và các mối quan hệ chặt chẽ hiện có buộc Anh phải tuân thủ một số điều kiện của EU để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng. Phía EU nhấn mạnh, bất cứ thỏa thuận thương mại nào cần phải giữ vững các tiêu chuẩn quy định chung cao, lấy tiêu chuẩn của EU làm căn cứ tham khảo. EU cũng bác bỏ mô hình thỏa thuận thương mại giống như của Canada. 

Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier nhấn mạnh: “Anh nói muốn có một thỏa thuận giống như giữa EU và Canada. Tuy nhiên vấn đề đó là Anh không phải là Canada. EU sẵn sàng đề nghị cho Anh quyền tiếp cận ưu đãi đối với thị trường của chúng tôi, với một mức độ chưa từng có đối với một nước thứ ba. Đó chính là thiện chí từ phía EU dành cho một đối thủ cạnh tranh trực tiếp ngay trước cửa nhà của chúng tôi”.

Một lĩnh vực gây tranh cãi và được cho là khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU là quyền đánh bắt cá. Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng đối với EU, đặc biệt là Pháp, nơi cá và hải sản đánh bắt ở vùng biển Anh chiếm 30% doanh thu cho ngư dân. 

EU muốn duy trì quyền đánh cá của mình trong vùng biển của Anh và cảnh báo rằng việc không đồng ý về điều khoản này có thể khiến các cuộc đàm phán thương mại thất bại. Tuy nhiên, Anh khẳng định sẽ lấy lại quyền kiểm soát vùng biển của mình như một quốc gia ven biển độc lập. Thay vào đó, Anh đề xuất sẽ đàm phán hàng năm về quyền tiếp cận các vùng biển. 

Giới quan sát nhận định, những quan điểm đối nghịch nhau của hai phía cho thấy giai đoạn đàm phán phía trước có thể gặp nhiều trắc trở như quá trình đàm phán thỏa thuận “ly hôn” kéo dài ba năm qua. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với EU, nhưng sẵn sàng dừng các cuộc đối thoại nếu hai bên không đạt được bước tiến vào tháng 6/2020. Ủy ban châu Âu cũng cho biết đang chuẩn bị cho tất cả các kịch bản, trong đó có cả khả năng Anh ra khỏi EU không thỏa thuận.

Trước đó, hôm 25/2, ông Michel Barnier cũng khẳng định sẽ không tìm cách kết thúc đàm phán “bằng bất cứ giá nào” bởi với khung thời gian rất hạn chế, các bên sẽ không thể hoàn tất mọi yêu cầu. Ông cũng cảnh báo tiến trình thương lượng sẽ phức tạp, khắt khe và vô cùng khó khăn. 

“Trong thời gian (đàm phán) rất ngắn này, chúng tôi không thể hoàn thành mọi thứ. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức nhưng lần này áp lực đối với cuộc đàm phán này không phải do chúng tôi áp đặt. Đó là chính phủ Anh (tìm cách đạt được thỏa thuận trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào cuối năm 2020). Do đó, đây là một cuộc đàm phán phức tạp, đòi hỏi cao, thậm chí rất khó khăn, chỉ có thể thành công nếu được thực hiện với sự tin tưởng”, ông Michel Barnier nói. 

Phía Anh ngay lập tức cáo buộc EU đã rút lại cam kết trước đó về việc đạt được thỏa thuận thương mại tự do. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông James Slack nói rằng, EU đang đòi hỏi những cam kết “nặng nề” từ Vương quốc Anh. 

Theo người phát ngôn James Slack, Thủ tướng Boris Johnson và các bộ trưởng đã nhất trí về cách tiếp cận của nước này trong đàm phán thương mại với EU, theo đó sẽ đảm bảo sự độc lập của Anh về kinh tế cũng như chính trị và dựa trên trên các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) hiện hành giữa EU và các nước khác. 

Ông nhấn mạnh, Anh sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào về việc tuân theo các quy tắc của EU, giống như việc nước này không mong đợi EU chấp nhận luật pháp của mình.

Quan điểm cứng rắn của Anh và EU cũng được cho có thể là chiến thuật của hai bên, áp đảo đối phương ngay từ khi bắt đầu để buộc một bên phải nhượng bộ. Nếu muốn đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay, Anh và EU buộc phải có những nhượng bộ, để tránh kịch bản Anh ra khỏi EU không thỏa thuận với các hậu quả nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, với những quan điểm có phần trái ngược của cả hai bên, các nhà quan sát nhận định các cuộc đàm phán thương mại thời hậu Brexit vẫn có rủi ro dẫn đến khả năng nước Anh sẽ ra đi trong hỗn loạn và không có bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với EU. Điều này sẽ khiến hoạt động kinh doanh tại khu vực này trở nên tốn kém và khó lường hơn. 

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm, Anh có thể mất 32 tỷ USD kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang các nước thuộc EU nếu nước này không đạt được thỏa thuận thương mại song phương với khối. Trong khi đó một số nước EU chịu ảnh hưởng tiêu cực khi không có thỏa thuận thương mại với Anh. Ireland là quốc gia chịu tổn thất nhất với hàng hóa xuất khẩu có thể giảm tới 10% nếu kịch bản không thỏa thuận xảy ra.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.