'Tối hậu thư' của ECB đối với Hy Lạp

Thứ Sáu, 06/02/2015, 09:06
Theo hãng tin BBC ngày 5/2, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định sẽ không cho phép Hy Lạp tiếp tục sử dụng trái phiếu chính phủ làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay từ ngày 11/2. Liên minh châu Âu (EU) cũng khẳng định sẽ không thay đổi mọi quy tắc để làm hài lòng Chính phủ chống các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới của Hy Lạp, mặc dù EU sẵn sàng đáp ứng một số chính sách nhất định của “Xứ sở Thần thoại”.

Đức tuyên bố, sẽ bác bỏ bất cứ sự ủng hộ nào để cắt giảm một nửa số nợ của Hy Lạp, ngay cả khi Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đến Paris để tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc đàm phán này.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. Ảnh: Reuters.

Quyết định của ECB được đưa ra chỉ vài giờ sau khi kết thúc cuộc gặp giữa Chủ tịch ECB Mario Draghi và Bộ trưởng Yanis Varoufakis tại Frankfurt (Đức) và được xem là “tối hậu thư” đối với Chính phủ mới của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Quyết định của ECB sẽ làm trái phiếu Chính phủ Hy Lạp không còn mua bán trên thị trường tài chính của Eurozone.

Hay nói cách khác, trái phiếu chính phủ trị giá hàng chục tỷ euro của Hy Lạp cũng như các trái phiếu ngân hàng được Athens bảo lãnh sẽ không còn đủ tiêu chuẩn làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay của ECB và gián tiếp đặt Ngân hàng trung ương Hy Lạp (BoG) vào “thế bí” khi phải tự xoay xở để cung cấp chương trình Trợ giúp Thanh khoản Khẩn cấp (ELA) cho hệ thống ngân hàng đang “khát vốn” của nước này. Bên cạnh đó, ECB cũng cho biết, các ngân hàng của Hy Lạp vẫn được tham gia vào các hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của khối với điều kiện triển khai được các công cụ bảo đảm an toàn.

Những quốc gia chủ nợ của Hy Lạp trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đứng đầu là Đức, cũng nhấn mạnh rằng, việc xóa nợ cho Hy Lạp là bất khả thi, và nước này nên tuân thủ các thỏa thuận trước đó về cắt giảm thâm hụt ngân sách và tháo gỡ các quy định cũng như đẩy lùi nạn quan liêu của đất nước.

Trong một phát biểu ngày 4/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thẳng thừng bác bỏ việc cơ cấu lại nợ cho Hy Lạp: “Đã có một vài sự từ bỏ tự nguyện của các chủ nợ tư nhân. Hy Lạp đã được miễn nhiều tỉ của các ngân hàng. Tôi không thấy cần phải cắt giảm nợ nữa”. Phát biểu của Thủ tướng Đức củng cố thêm tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Wolfgang Schuble: “Nếu tôi là một chính trị gia người Hy Lạp có trách nhiệm, tôi sẽ không khơi mào cho bất cứ cuộc tranh luận nào liên quan đến việc giảm nợ nữa”.

Tuy nhiên, bà Merkel cũng nhấn mạnh rằng, Berlin vẫn muốn giữ Hy Lạp trong khu vực EU. Rõ ràng, nếu các chủ nợ nhượng bộ Hy Lạp, thì các quốc gia đang gặp khó khăn khác trong EU sẽ đưa ra các đòi hỏi tương tự. Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng “điều quan trọng là phải tôn trọng sự lựa chọn của người dân Hy Lạp và Hy Lạp phải tôn trọng cam kết của mình” với những chủ nợ và rằng: “Cần phải có đối thoại và trao đổi để hiểu rõ hơn về những ý định của chính phủ Hy Lạp”.

Về phía EU, phát biểu ngay trước thềm chuyến thăm Brussels (Bỉ) của Thủ tướng Alexis Tsipras, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết, EU đã bắt đầu đưa ra các chính sách linh hoạt hơn với những yêu cầu cắt giảm nợ của Hy Lạp, nhưng sẽ không thay đổi mọi quy tắc để làm hài lòng chính phủ chống khắc khổ của nước này. Tuy nhiên, ông Juncker cũng sẽ linh hoạt hơn để phù hợp với “hiện trạng mới” tại “Xứ sở Thần thoại”.

Có lẽ, Italy là nước duy nhất đứng về phía Hy Lạp. Ngày 3/2, trong cuộc gặp với người đồng cấp Hy Lạp Tsipras, Thủ tướng Italy Matteo Renzi tuyên bố, sẽ ủng hộ các nỗ lực của Hy Lạp để đàm phán xóa nợ với châu Âu và giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế tại Hy Lạp, nhưng cũng nhấn mạnh rằng, “luật chơi của châu Âu” phải được tuân thủ bởi tất cả các nước EU.

Trước đó, phát biểu tại Cyprus, Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh, cả châu lục đang bị khủng hoảng chứ không chỉ Hy Lạp và Cyprus. Châu Âu nên đưa ra quyết định can đảm để đưa tăng trưởng trở lại. Thủ tướng Hy Lạp nêu rõ, đã đến lúc chấm dứt hệ thống giám sát đối với nền kinh tế của các quốc gia là con nợ.

Theo cơ chế hiện nay các nhà kinh tế của các định chế cho vay gồm EU, ECB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ xem xét sự tuân thủ quy định một cách thường xuyên của các nước vay nợ, sau đó mới giải ngân các khoản vay. “Cơ chế này không có cơ sở pháp lý ở cấp toàn châu Âu”, ông Tsipras nhấn mạnh. Còn ở trong nước, Chính phủ mới của Hy Lạp ngày 4/2 đã phát hành đợt trái phiếu đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền cách đây đúng một tuần, thu về 812,5 triệu euro. Trái phiếu mới có thời hạn 6 tháng với lãi suất 2,75%, cao hơn so với mức lãi suất 2,30% trong đợt phát hành ngày 7/1 vừa qua.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.