Hy Lạp tìm kiếm thỏa thuận mới với các chủ nợ

Thứ Ba, 03/02/2015, 09:21
Ngày 1/2, Chính phủ mới của Hy Lạp bắt đầu đàm phán với các đối tác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhằm tìm cách giảm bớt “núi nợ” khổng lồ liên quan đến gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro (269 tỷ USD) dành cho “Xứ sở Thần thoại”. Cuộc đàm phán được dự báo là sẽ rất căng thẳng trước khi diễn ra, bởi Liên minh châu Âu (EU) và Đức đều không ủng hộ việc cắt giảm các khoản nợ cho Hy Lạp.

Tuy nhiên, bầu không khí tại Hy Lạp có vẻ đã bớt ảm đạm hơn với việc chính phủ mới bắt đầu giảm dần các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” do chính phủ tiền nhiệm thực hiện theo thỏa thuận cứu trợ hiện nay với nhóm Troika – nhóm “bộ ba chủ nợ” gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở thủ đô Paris (Pháp) với người đồng cấp nước chủ nhà Michel Sapin, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho biết, việc Hy Lạp phải “sống vì những phần cứu trợ tiếp theo” trong vòng 5 năm qua giống như tình trạng của “những con nghiện”. Những gì chính phủ mới muốn làm là chấm dứt “tình trạng nghiện ngập” này.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis. Ảnh: Eldiario.

Do đó, Hy Lạp cần một thời gian ngắn để giới thiệu những đề xuất cải cách của mình và hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với các đối tác về vấn đề này trong vòng 6 tuần tới. Ông khẳng định, muốn đàm phán trực tiếp với các đối tác châu Âu, ECB và IMF chứ không thông qua các giám sát viên của nhóm Troika.

Trước đó, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đệ trình lên Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz một kế hoạch cải cách quy mô, nhằm đàm phán lại về nợ quốc gia và chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” của nước này.

Theo đó, Chính phủ Hy Lạp đã xây dựng một kế hoạch khôi phục lại tăng trưởng kinh tế mà không phải áp dụng các biện pháp khắc khổ như 5 năm qua, bao gồm các nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng, cải cách quản lý nhà nước, triển khai hệ thống thuế ổn định và công bằng trên cơ sở lập danh mục các tài sản lớn của người dân. Kế hoạch này sẽ được triển khai theo các định hướng chính như lập lại cân bằng ngân sách, tiến tới giảm “các mục tiêu không khả thi”, tiếp sau là tài trợ cho chương trình tái thiết quốc gia bao hàm một thỏa thuận mới với châu Âu.

Ngoài ra, Thủ tướng Tsipras cũng muốn đạt “thỏa thuận bắc cầu” với nhóm Troika để có thêm thời gian đàm phán về thỏa thuận mới nhằm giảm gánh nặng nợ công lên đến 320 tỷ (360 tỷ USD), tương đương 175% GDP của nước này.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp cho biết, Chính phủ nước này sẵn sàng hỗ trợ Athens tìm kiếm thỏa thuận mới với các đối tác, đồng thời nhấn mạnh vị trí của Hy Lạp là ở trong Eurozone. Ông Sapin khẳng định, bất kỳ thỏa thuận mới nào với Athens đều phải tính đến quy mô cải cách cơ cấu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Hy Lạp. Ông cho rằng, việc Hy Lạp trả khoản nợ hiện tại phải gắn liền khả năng khôi phục tăng trưởng. Ông Sapin cũng khuyến cáo, Hy Lạp không trông chờ các đối tác xóa nợ.

Trong khi đó, phát biểu trước khi diễn ra cuộc gặp với Bộ trưởng Varoufakis, ông Sapin cho rằng, Hy Lạp không có tương lai bên ngoài Eurozone. Về phía EP, Chủ tịch Martin Schulz cho biết, Thủ tướng Hy Lạp đã bảo đảm rằng, nước này sẽ tìm kiếm “tiếng nói chung” với các thành viên của EU và Athens sẽ không tìm kiếm “giải pháp đơn phương” trong việc đàm phán lại về khoản cứu trợ tài chính nói trên.

Tiếp sau Pháp, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp sẽ gặp những người đồng cấp Anh, Italy, đặc biệt là Đức, quốc gia vẫn khăng khăng đòi Hy Lạp thực hiện mọi cam kết nhận cứu trợ. Cũng trong tuần này, Thủ tướng Hy Lạp sẽ đến Pháp và Italy nhằm tìm kiếm sự cảm thông vì Roma và Paris từng kêu gọi nới lỏng chính sách khắc khổ trong Eurozone.

Bên cạnh đó, ông Tsipras cũng có kế hoạch gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Trong khi đó, ở trong nước, chính phủ mới tại Athens đang quyết tâm thực hiện các cam kết tranh cử.

Theo The Wall Street Journal, những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp ở “Xứ sở Thần thoại” lên tới 25%, khiến nhiều người phải sống ở mức dưới hoặc gần mức nghèo khổ. Athens đã dừng một loạt kế hoạch tư nhân hóa và tuyên bố kế hoạch tiếp nhận lại hàng nghìn lao động trong khu vực công từng bị chính phủ sa thải và tăng lương tối thiểu cho những người có thu nhập thấp, vốn bị cắt từ 751 xuống còn 586 euro/tháng theo thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ năm 2012. Chính phủ sẽ thương lượng với giới chủ và các nghiệp đoàn trước khi xúc tiến kế hoạch này.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.