Hy Lạp:

Quốc hội luật hóa biện pháp 'thắt lưng buộc bụng'

Thứ Năm, 16/07/2015, 20:41
Các nghị sĩ Hy Lạp đã thông qua một loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt mới thành luật nhằm bảo vệ nền kinh tế nước này tránh khỏi sụp đổ.
>> Hy Lạp tiếp tục ‘thắt lưng buộc bụng’

Chấp nhận đề xuất từ châu Âu, Hy Lạp cải cách lương hưu và đánh thuế cao trở lại, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ phe cánh tả trong nội bộ đảng cầm quyền Syriza của đương kim Thủ tướng Tsipras.

Quốc hội Hy Lạp thông qua các  biện pháp thắt lưng buộc bụng mới…

Bộ luật đã được thông qua với 229 phiếu thuận, 64 phiếu kháng lại trên tổng số 300 ghế quốc hội.

38 chính trị gia đảng Syria tham gia bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống, bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Voroufakis, Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis, phó Bộ trưởng Bộ lao động Dimitris Stratoulis và chủ tịch nghị viện Zoe Constantopoulou.

Dự luật này buộc phải thông qua để Hy Lạp bắt đầu đàm phán với các chủ nợ về gói cứu trợ lần thứ 3 trị giá 86 tỷ euro trong 3 năm. Tuy nhiên, cải cách sẽ buộc người dân Hy Lạp phải đối mặt với khó khăn kinh tế nhiều năm nữa.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết, đây là thỏa thuận hợp lý nhất mà ông có thể chấp nhận từ phía các chủ nợ giúp Hy Lạp không bị rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Nhưng khung cảnh hỗn loạn đã xuất hiện, khi nghị sĩ đảng Bình Minh vàng, Ilias Kasidiaris xé tan bản dự thảo luật đặt trên bàn trong sự giận giữ và tung những mảnh giấy vụn bay tứ tung trước mặt các nghị sĩ quốc hội.

…lập tức “lửa cháy thành Athens”…

Khi quốc hội thảo luận về dự thảo luật, hàng ngàn người biểu chống thắt lưng buộc bụng tổ chức biểu tình khắp trung tâm thủ đô Athens, giương cao biểu ngữ “hủy bỏ gói cứu trợ ngay lập tức” và “Nói không với các chính sách của châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Qũy tiền tệ Quốc tế- những chủ nợ”.

Bên ngoài tòa nhà quốc hội có khoảng 12.000 người biểu tình, có không ít người quá khích ném bom xăng và gạch, đá vào lực lượng cảnh sát chống bạo động.

…và  trong nghị trường nóng ran bởi những màn “đấu khẩu” quyết liệt.

Các nhà chức trách đáp trả bằng cách bắn hơi cay giải tán đám đông khỏi Quảng trường Syntagma gần khu vực tòa nhà quốc hội.

Nhiều công chức cũng thể hiện sự phản đối với kế hoạch cải cách bằng tổ chức biểu tình làm gián đoạn hệ thống giao thông công cộng trên toàn đất nước Hy Lạp.

Cuộc bỏ phiếu được tiến hành sau khi một trong những chủ nợ lớn của Hy Lạp tỏ ý hoài nghi liệu có biện pháp mang tính tổng thể triệt để bao gồm sự tiếp quản nước ngoài đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ đủ để đảm bảo sự phục hồi của Hy Lạp.

Qũy tiền tệ Quốc tế (IMF) than phiền rằng Hy Lạp mắc quá nhiều nợ và sẽ không thể trả thậm chí ngay sau khi đạt được thỏa thuận mới.

IMF cho biết nợ công Hy Lạp sẽ với qua 200% tổng sản phẩm quốc nội chỉ trong 2 năm tới.

Tổ chức tài chính này cho biết cách duy nhất để Athens có thể ngoi lên từ cuộc khủng hoảng là nếu một số khoản nợ được cơ cấu lại, có thể bằng cách như: giãn thời gian trả nợ hoặc thậm chí xóa một số khoản nợ.

Thế rồi, tình thế được đẩy lên đỉnh điểm khi nghị sĩ đảng Bình Minh vàng, Ilias Kasidiaris xé tan bản dự thảo luận  rồi tung những mảnh giấy vụn bay tứ tung.

Các biện pháp thặt lưng buộc bụng trình quốc hội Hy Lạp thông qua thành luật trước khi nhận đầy đủ gói cứu trợ bao gồm:

Tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với tất cả các mặt hàng và dịch vụ

Chấm dứt việc hoàn VAT đối với Hy Lạp và phải tăng một loạt thuế khác.

Hy Lạp phải thành lập một cơ quan thống kê độc lập và giới thiệu cơ chế tự động điều tiết chi tiêu nếu chi tiêu quá cao.

Đàm phán gói cứu trợ dự kiến mất khoảng 1 tháng, các bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ nhanh chóng tìm cách “vớt thành Athens” lên càng sớm càng giảm rủi ro cho toàn châu lục.

Phạm Trúc
.
.
.