Nội bộ Mỹ lục đục vì chương trình hạt nhân của Iran

Thứ Tư, 11/03/2015, 22:31
Mâu thuẫn giữa Nhà Trắng và Quốc hội đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong vấn đề hạt nhân của Iran. Trong khi chính quyền Tổng thống Barack Obama quyết tâm sớm đi đến thỏa thuận với Iran thì Quốc hội nước này lại cảnh báo rằng, một thỏa thuận như vậy không thể tồn tại lâu dài.
>> Đàm phán về chương trình hạt nhân ở Iran còn nhiều trở ngại

Từ lá thư của đảng Cộng hòa

Có thể nói rằng, chính trường Mỹ những ngày này đã thực sự “nổi sóng”. Đâu đâu người ta cũng nói đến bức thư mà 47 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa gửi Chính phủ Iran, trong đó cảnh báo rằng, một thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) không thể tồn tại lâu dài.

Hãng AP cho biết, bức thư của các Thượng nghị sĩ còn có đoạn viết rằng, bất cứ hiệp ước quốc tế nào do Tổng thống Barack Obama ký cũng cần đa số Quốc hội thông qua để trở thành luật. Nhưng tại Mỹ, một thỏa thuận liên quan đến chương trình hạt nhân khó có thể nhận được sự phê chuẩn này và trong trường hợp như vậy, đây sẽ chỉ như một hiệp định ký giữa Tổng thống Mỹ và Thủ lĩnh tinh thần Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Khamenei. Có nghĩa là nó hoàn toàn có thể bị các Tổng thống kế nhiệm hủy bỏ, cũng như bị Quốc hội sửa đổi nội dung.

Chỉ vài giờ sau khi thông tin này được đăng tải trên trang web Bloomberg, Nhà Trắng đã phản ứng mạnh mẽ và cáo buộc đảng Cộng hòa vi phạm Hiến pháp, cố tình gây phương hại cho chính sách ngoại giao của Mỹ. Tổng thống Barack Obama ví rằng, với việc cùng ký vào bức thư nói trên, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đang tự đặt mình ngang hàng với lực lượng bảo thủ tại Iran chống lại các nỗ lực ngoại giao của Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thì cáo buộc đảng Cộng hòa làm ngơ các tiền lệ hai thế kỷ qua, đe dọa làm tổn thương khả năng của các Tổng thống Mỹ trong tương lai trong việc tiến hành các cuộc thương lượng thay mặt nước Mỹ. Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest chỉ trích hành động can thiệp trên của các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa không khác gì "ném đất cát" vào các cuộc đàm phán hạt nhân giữa nhóm P5+1 và Iran.

Được đưa ra vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có mặt tại thủ đô Paris của Pháp để giải quyết các bất đồng giữa Washington-Paris liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, bức thư gây tranh cãi này được các nhà phân tích nhận định chẳng khác nào “cái tát vào mặt” Nhà Trắng. Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner đã đơn phương gửi lời mời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và để ông này phát biểu về việc phản đối cuộc đàm phán hạt nhân với Iran trước lưỡng viện Quốc hội. Những sự kiện liên tiếp này cũng đã phản ánh rõ sự leo thang tranh chấp chính trị ngày càng gia tăng ở Mỹ, khi đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát lưỡng viện hồi tháng 11 năm ngoái.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có mặt tại thủ đô Paris, Pháp để giải quyết các bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Ảnh: Reuters.

Đến động thái của EU và IAEA

Hôm 10/3, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã bác bỏ lá thư của các nghị sĩ đảng Cộng hòa và cho rằng, lá thư này chỉ là thủ đoạn tuyên truyền. Ông Javad Zarif nói: "Đó là một thủ đoạn tuyên truyền và không có giá trị pháp lý. Việc tuyên truyền đã được bắt đầu từ bài phát biểu của Thủ tướng Israel trước Quốc hội Mỹ và đây là hành động tiếp theo. Thật đáng tiếc có một nhóm người đang chống lại việc đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran”.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tuy không dám lên tiếng về bức thư của các Thượng nghị sĩ Mỹ, song cũng cho biết, Cao ủy về chính sách an ninh và đối ngoại của liên minh này sẽ chủ trì cuộc đàm phán giữa các Ngoại trưởng Đức, Anh, Pháp và Iran vào ngày 16/3 tại Brussels (Bỉ), tức một ngày sau cuộc gặp giữa đại diện Mỹ và Iran. EU cũng thể hiện mong muốn các bên tham gia đàm phán đạt được kết quả tích cực khi thời hạn chót 31/3 nhằm ký kết một thỏa thuận khung đang đến gần.

Còn Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đang hối thúc Tehran nhanh chóng chuyển giao thông tin quan trọng liên quan đến “làm mẫu và tính toán các nơtron, các hạt nhỏ hơn nguyên tử gây ra phản ứng phân hạch uranium và các thí nghiệm trên chất nổ có khả năng được sử dụng trong thiết bị nổ hạt nhân”. Trước đó, hôm 9/3, các chuyên gia IAEA đã có chuyến thăm Iran trong khuôn khổ các cuộc điều tra về những nghi ngờ liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Gia Nam
.
.
.