Đàm phán về chương trình hạt nhân ở Iran còn nhiều trở ngại

Thứ Sáu, 06/03/2015, 08:26
Vài giờ sau khi kết thúc cuộc đàm phán với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, còn nhiều khác biệt đáng kể và những lựa chọn quan trọng trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.
Rất gần mà cũng rất xa

Cụm từ này đã được báo giới phương Tây sử dụng ngay sau khi Ngoại trưởng Iran và Mỹ có những phát biểu đầu tiên khi kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày (từ 2/3 đến 4/3). Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC News của Mỹ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói: “Chúng tôi sẵn sàng làm việc suốt ngày đêm để đạt được một thỏa thuận. Chúng tôi cho rằng chúng ta đang ở rất gần, những cũng có thể ở rất xa. Có các chi tiết cần phải được làm rõ”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại thừa nhận, còn nhiều khác biệt đáng kể và những lựa chọn quan trọng trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Ngày 7/3 tới, ông John Kerry sẽ tới thủ đô Paris của Pháp để gặp gỡ Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức. Dự kiến, nếu thuận lợi, Ngoại trưởng Mỹ và Iran sẽ có một cuộc đàm phán mới vào ngày 15/3.

Các nhà phân tích cho rằng, cụm từ “rất gần mà cũng rất xa” đã mô tả chính xác tiến trình đàm phán hạt nhân ở Iran. Nói thế là bởi lẽ, trước thềm cuộc gặp vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố, Tehran phải ngừng toàn bộ các hoạt động hạt nhân ít nhất một thập kỷ.

Còn giới chức ngoại giao Mỹ thì khẳng định, nước này sẽ “tích cực đương đầu” với nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Iran trên khắp Trung Đông ngay cả khi các bên đạt được thỏa thuận hạt nhân. Đáp lại, Iran đã gọi đây là “những yêu sách không thể chấp nhận được” và Tehran không e ngại trước những lời hăm dọa này.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thì tuyên bố, nước này sẵn sàng thể hiện sự minh bạch hơn về chương trình hạt nhân của Iran song không chấp nhận các điều kiện vượt quá điều đó. Hãng truyền thông quốc gia Iran dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi cho biết, khoảng cách và bất đồng trong những vấn đề then chốt vẫn tồn tại và để giải quyết những bất đồng này, cần tiếp tục tiến hành các cuộc tiếp xúc cấp cao. Ông Abbas Araqchi còn nhấn mạnh, cuộc đàm phán nên đáp ứng lợi ích của cả Iran và các cường quốc, Tehran sẽ rút khỏi cuộc đàm phán nếu các đối tác muốn áp đặt ý muốn của họ.

Ngoại trưởng Mỹ và Iran đã có cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày từ 2/3 đến 4/3. Ảnh: Reuters.

Những khác biệt lớn

Theo Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, những khác biệt lớn còn lại giữa Mỹ - Iran nói riêng và nhóm P5+1 với Iran nói chung liên quan đến việc dỡ bỏ các đòn trừng phạt kinh tế cũng như việc làm giàu uranium tại lò phản ứng Arak đang được xây dựng ở Iran. Các báo cáo tình báo của phương Tây cho thấy, từ năm 2002, Iran đã tự phát triển khả năng làm giàu uranium và đến nay, nước này chỉ mất 2 tháng để sản xuất đủ nguyên liệu cho một quả bom hạt nhân.

Vì thế, nhóm P5+1 muốn rằng Iran phải giảm một nửa trong tổng số 10.200 máy ly tâm đang vận hành và 9.000 máy khác đã được lắp ráp nhưng chưa hoạt động; giới hạn công suất các máy hoạt động và khống chế cấp độ làm giàu uranium dưới mức 5%. Thêm vào đó, lò phản ứng nước nặng Arak của Iran cũng trở thành “mối lo” của nhóm P5+1 với lo ngại rằng mẫu thiết kế của Arak “dường như phù hợp cho sản xuất plotunium ở mức độ bom hơn là mục đích dân sự”…

Trên thực tế, trong suốt thời gian qua, khi các cuộc hòa đàm được tiến hành Iran vẫn tôn trọng các cam kết của thỏa thuận hạt nhân tạm thời đạt được với nhóm P5+1 hồi tháng 11 năm 2013 như không làm giàu uranium quá 5%; pha loãng hoặc không chuyển đổi các nguyên liệu uranium đã được làm giàu ở mức 20%; không tiến hành xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới…

Tuy nhiên, Tehran cũng không ít lần tuyên bố sẽ cân nhắc việc làm giàu uranium tới “bất cứ mức độ nào mong muốn” trong trường hợp phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.

Gia Nam
.
.
.