Nỗi ám ảnh phi công tự sát trên các chuyến bay

Thứ Bảy, 28/03/2015, 11:27
Những khoảnh khắc cuối cùng trong buồng lái chiếc máy bay Airbus A320 gặp nạn tại Pháp được công bố đã cho thấy, cơ phó Andreas Lubitz cố tình khóa trái cửa, ở trong buồng lái một mình, không nói bất kỳ một lời nào khi chỉnh chế độ cho máy bay rơi tự do rồi đâm xuống núi.
>> Cơ phó chuyến bay gặp nạn tại Pháp đã cải sang đạo Hồi?

Câu chuyện về vụ tự sát có chủ đích của cơ phó Andreas Lubitz đang làm chấn động thế giới và buộc ngành hàng không quốc tế phải có những chấn chỉnh kịp thời để lấy lại niềm tin về an toàn bay cho các hành khách.

Từ cuộc lục soát tại nhà riêng

Ngay trong chiều 26-3 (theo giờ địa phương), sau khi công tố viên Pháp công bố dữ liệu trong hộp đen ghi âm ở buồng lái cho thấy cơ phó Andreas Lubitz tự nhốt mình trong cabin và ấn nút hạ độ cao cho máy bay rơi xuống, cảnh sát Đức đã tiến hành lục soát nhà riêng của anh này tại thị trấn Montabaur, bang Rhineland. Tại đây, cảnh sát Đức phát hiện “một số bằng chứng quan trọng” liên quan đến vụ chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U 9525 của hãng hàng không giá rẻ Lufthansa Germanwings.

Tuy nhiên, bằng chứng này không phải là một lá thư tuyệt mệnh như nhiều báo chí đưa tin và nó đang được kiểm tra. Phóng viên hãng AP có mặt tại ngôi nhà này ở ngoại ô thành phố Dusseldorf cho hay, đây là nơi Andreas Lubitz sống cùng một người bạn gái nhưng hai người đã chia tay hồi năm ngoái. Sau 4 giờ đồng hồ lục soát, cảnh sát rời khỏi nhà của cơ phó với một túi lớn màu xanh, một máy tính để bàn, một máy tính xách tay cùng một số tài liệu khác.

Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, cơ phó Andreas Lubitz không hề yêu thích công việc ở hãng Germanwings và thừa nhận rằng, anh đang chịu áp lực quá lớn về công việc. Một số tài liệu còn cho thấy, sức khỏe của Andreas Lubitz có vấn đề. Hiện cảnh sát Đức vẫn đang tiếp tục điều tra các mối quan hệ của Andreas Lubitz với hàng xóm láng giềng, bạn bè và đồng nghiệp.

Cơ phó Andreas Lubitz được miêu tả là một người vui tính, hòa đồng nhưng lại không chịu được áp lực cao trong công việc. (Ảnh: Reuters).

Cha mẹ của cơ phó đang đi nghỉ tại Pháp đã liên lạc với nhà chức trách và được đưa tới một địa điểm bí mật để thẩm vấn. Cả hai đều hết sức bàng hoàng khi nghe tin con trai mình là “kẻ sát nhân trong buồng lái”. Theo tờ Daily Mail, cha của cơ phó là một doanh nhân thành đạt ở Đức, còn mẹ là giáo viên dạy môn piano. Hai người này cho biết, cậu con trai Andreas Lubitz là một người vui tính, yêu thích thể thao, có niềm đam mê trở thành phi công ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, Andreas Lubitz có một cá tính là không chịu được áp lực cao, dễ nản lòng và hay bị xúc động hoặc kích động mạnh…

Đến nghi vấn căn bệnh trầm cảm, thất tình

Hồ sơ phi công của Andreas tại hãng Germanwings cho biết, Andreas Lubitz không có liên hệ với khủng bố, có phong cách sống rất tích cực, thích chạy marathon, thích nhạc pop và các CLB đêm. Cơ phó này gia nhập hãng Germanwings từ tháng 9 năm 2013, ngay sau khi trải qua khóa đào tạo tại Học viện phi công của Tập đoàn Lufthansa, cơ quan chủ quản của hãng Germangwings. Đến nay, Andreas Lubitz đã có kinh nghiệm 630 giờ bay và được đánh giá là một phi công cẩn thận, làm việc có bài bản, chặt chẽ. 

Tuy nhiên, thông tin mà tờ Daily Mail có được lại cho hay, cơ phó 28 tuổi này từng bị bệnh trầm cảm và mắc phải hội chứng kiệt sức vì lao động. Người mắc chứng bệnh này ban đầu rất yêu thích công việc nhưng sau một thời gian dài, do áp lực, năng suất lao động của họ ngày một giảm sút và thêm vào đó là một loạt căn bệnh về thần kinh phát sinh, dẫn đến tâm lý chán chường, không thích giao tiếp và thậm chí bị stress nặng.

Trong thời gian tham gia khóa huấn luyện ở Học viện phi công, Andreas Lubitz từng phải nghỉ học một thời gian. Sau đó, anh quay trở lại học viện và vượt qua các bài kiểm tra trình độ và y tế một cách dễ dàng. Một điểm đáng lưu ý ở Andreas Lubitz là anh có đam mê về độ cao và được bay.

Đầu năm ngoái, sau khi trở thành phi công của hãng Germanwings, Andreas Lubitz còn tham gia một CLB bay tại Đức có tên là LSC. Peter Ruecker, thành viên của CLB LSC cho biết, cơ phó là người vui vẻ, dễ hòa đồng và đã rất hạnh phúc khi được nhận vào làm ở hãng Germanwings.

Peter Ruecker còn cho biết, nửa năm qua, Andreas Lubitz có vẻ buồn sau khi chia tay bạn gái và đôi khi không muốn trở về ngôi nhà ở Montabaur trị giá 550.000 USD, nơi hai người từng chung sống. Những lúc như vậy, bạn bè và thành viên trong CLB LSC đều khuyên Andreas Lubitz lấy công việc làm niềm vui. Những lúc đó, cơ phó không nói gì, chỉ ngồi im lặng. Một lần anh nói, mỗi khi bay, anh đều bị ám ảnh bởi các vụ tai nạn hàng không vừa xảy ra trong năm 2014, đặc biệt là vụ mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines.

Và giải pháp an toàn trên máy bay

Báo cáo rùng rợn của công tố viên Pháp về hành động tự sát của cơ phó Andreas Lubitz đang tạo nên một làn sóng căm phẫn trong lòng thân nhân và gia đình các hành khách trên chuyến bay 4U 9525. Vụ việc cũng dấy lên những câu hỏi lớn về giải pháp an toàn trên máy bay vì khi đó, tính mạng của toàn bộ hành khách phụ thuộc vào cách xử lý của phi công.

Bộ trưởng Giao thông Đức Alexander Dobrindt cho rằng, những chi tiết mới nhất về chuyến bay 4U 9525 “thực sự hơn cả sốc”. Còn Giám đốc điều hành Lufthansa, Carsten Spohr thì khẳng định, các nhân viên của hãng “lặng người” và hiện hãng này đang tiến hành rà soát lại trình độ, cũng như tình trạng sức khỏe của các phi công.

Nhiều hãng hàng không ở Canada, Anh, Na Uy, Iceland… đã ngay lập tức yêu cầu cả 2 phi công phải túc trực liên tục trong buồng lái trong suốt hành trình bay mặc dù, theo luật hàng không của một số nước (trong đó có cả Đức), các phi công có thể tạm rời khỏi buồng lái ở những thời điểm nhất  định và trong những trường hợp nhất định, như khi máy bay đang ở độ cao hành trình.

Lúc này, câu hỏi được đặt ra là, làm sao cơ phó lại có thể tự nhốt mình trong cabin và các hãng hàng không sẽ làm gì để chuyện này không bao giờ bị lặp lại? Ngày 27-3, một số hãng hàng không lớn trên thế giới gồm Norwegian Air Shuttle, Easy Jet, Air Canada, Air Berlin… đã nhanh chóng giới thiệu quy tắc mới về an toàn buồng lái mà các hãng hàng không Mỹ vẫn đang áp dụng, trong đó có quy định buồng lái máy bay lúc nào cũng phải có hai người.

Điều này có nghĩa, nếu một trong 2 phi công rời buồng lái để đi vệ sinh hay lấy nước, tổ bay sẽ điều hành một thành viên phi hành đoàn vào buồng lái để thế chỗ cho đến khi phi công quay trở lại.

Một số ý kiến khác còn cho rằng nên lắp camera buồng lái để kiểm soát hoạt động của phi công và trong trường hợp khẩn cấp, trạm kiểm soát không lưu sẽ có  thông báo tới nhân viên an ninh cũng như các thành viên khác trong phi hành đoàn để có hành động can thiệp kịp thời.

Chuyến bay 4U 9525 khởi hành từ Barcelona đi Dusseldorf lúc 10h ngày 24/3. Máy bay vượt qua Địa Trung Hải ở độ cao 10.000m lúc 10h22. Đến 10h30, trung tâm không lưu ghi nhận máy bay ở độ cao 11.400m tại không phận Bandol và yêu cầu phi công giữ nguyên độ cao. Lúc 10h31, máy bay bắt đầu thay đổi độ cao mà không được sự đồng ý của không lưu. Trung tâm đã bắt liên lạc nhưng không có trả lời. 10h40, máy bay ở độ cao 2.000m và biến mất khỏi màn hình radar. Dữ liệu khôi phục được từ hộp đen ghi âm buồng lái cho thấy, cơ trưởng đã rời cabin đi vệ sinh, cơ phó khóa trái cửa rồi hạ độ cao của máy bay khiến máy bay va vào núi, vỡ tan, tất cả hành khách đều thiệt mạng. Các mảnh vỡ của máy bay văng xa trong bán kính gần 4km2.

Được biết, nếu tính cả vụ máy bay Airbus A320 này thì lịch sử hàng không thế giới trong vòng 40 năm qua đã ghi nhận ít nhất 6 vụ tai nạn máy bay do phi công tự sát. Vụ thứ nhất xảy ra vào năm 1984, khi cơ trưởng và cơ phó trên chuyến bay DC-8 của hãng hàng không Japan Air Lines xảy ra xung đột, ẩu đả trong cabin khi chỉ cách đường băng chính 274m. Mười năm sau đó, phi công lái chiếc máy bay 2 động cơ cánh quạt ATR-42 của hãng Royal Air Maroc đã chủ động đâm vào núi Atlas sau khi cất cánh được 10 phút. Năm 1997, chiếc Boeing 737 của hãng Silkair cũng đã lao xuống sông Palembang của Indonesia sau khi phi công ngắt bộ ghi âm trong buồng lái và tự sát. Một vụ việc tương tự cũng xảy ra đối với chuyến bay 990 của hãng hàng không Egyptair và phi công đã lái chiếc Boeing 767-300 ER lao xuống Đại Tây Dương. Năm 2013, chuyến bay TM 470 của hãng Mozambican Airlines đang trên đường từ thủ đô Maputo tới Angola đã bị rơi tại công viên quốc gia Namibia theo chủ đích của cơ trưởng.

Huyền Chi
.
.
.