Nhiều nước châu Âu kêu gọi thực thi thỏa thuận Minsk

Thứ Tư, 26/08/2015, 09:41
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 25/8 tại Đức, diễn ra sau cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về cuộc khủng hoảng Ukraine, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định ý nghĩ quan trọng của các thỏa thuận Minsk đạt được vào tháng 9/2014 và tháng 2/2015, coi đây là nền tảng cơ bản nhằm đi tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine.

Thủ tướng Merkel cũng khẳng định cần đẩy mạnh, củng cố vai trò của thể thức nhóm Bộ tứ Normandy trong việc kiến tạo hòa bình cho Ukraine.

Người đứng đầu Chính phủ Đức nêu rõ, việc thực thi thỏa thuận Minsk cho tới nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, trong đó lệnh ngừng bắn chưa được cả phía Chính phủ Ukraine và phía lực lượng đòi độc lập tuân thủ. Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh vai trò của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong việc giám sát thực thi thỏa thuận Minsk, song bày tỏ quan ngại khi khả năng thi hành nhiệm vụ của tổ chức này luôn bị cản trở, từ đó kêu gọi các bên không nên nghi ngờ về công việc của phái bộ này tại miền Đông Ukraine.

Cuộc họp báo chung hôm 25/8 tại Berlin (Đức) của Tổng thống Pháp (trái), Thủ tướng Đức (giữa) và Tổng thống Ukraine. Ảnh: Sputnik.

Bà Merkel cũng kêu gọi cùng hợp tác chặt chẽ với Nga nhằm đẩy mạnh hơn nữa vai trò của OSCE, đồng thời nhấn mạnh việc tiến hành cải cách hiến pháp và bầu cử ở Ukraine sẽ góp phần đi tới một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt các cuộc đụng độ đẫm máu ở nước này.

Theo bà Merkel, tiến hành bầu cử Quốc hội ở Ukraine sẽ là một trong những “vấn đề then chốt” và phải được thực hiện theo các quy định của OSCE. Bên cạnh đó, cũng cần phải cấp tốc giải quyết những bất đồng giữa phương Tây và Nga trong quan điểm về Ukraine, bởi “chỉ có thể có được trật tự hoà bình ở châu Âu nếu có sự tham gia của Moskva”. Trong khi đó, Tổng thống Hollande đã phê phán việc các bên xung đột không tôn trọng các điều khoản trong thỏa thuận Minsk, nhấn mạnh rằng, cần coi thỏa thuận hòa bình này là nền tảng cho tiến trình hòa bình ở Ukraine.

Đồng quan điểm, Tổng thống Poroshenko cũng khẳng định, thỏa thuận Minsk là lựa chọn duy nhất nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, trong đó cần phải ngừng bắn ngay lập tức, rút toàn bộ vũ khí hạng nặng và tạo điều kiện hoạt động cho các chuyên gia OSCE.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây đang kêu gọi thực thi thỏa thuận Minsk thì tại Ukraine, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Eduard Basurin đã lên tiếng tố cáo các lực lượng Kiev tiếp tục triển khai vũ khí hạng nặng tới đường giới tuyến ở vùng Donbass. Theo ông Basurin, tình báo DPR đã ghi nhận 45 vũ khí hạng nặng được bố trí ở tiền tuyến, trong đó có các hệ thống bệ phóng rocket đa nòng Smerch, 10 thiết bị quân sự tại khu định cư Kurdyumovka, trong khi các thiết bị và thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine cũng được điều tới khu định cư Dmitrovka.

Bên cạnh đó, ông Basurin cũng lưu ý, chính quyền Kiev đang tích cực huấn luyện Vệ binh Quốc gia và sẽ sử dụng lực lượng này để đàn áp các cuộc nổi dậy của dân chúng nếu tinh thần kháng chiến trong xã hội Ukraine lên cao. Ông kêu gọi những người yêu nước Ukraine hãy tiếp tục cuộc đấu tranh nhằm lật đổ chính quyền Kiev.

Thực tế cho thấy, rút vũ khí hạng nặng là nhiệm vụ được các bên thúc đẩy, nhưng rất mong manh. Giao tranh vẫn liên tục diễn ra, cùng với việc Kiev cho tái triển khai pháo hạng nặng tới sát đường giới tuyến với lý do “để chống lại các cuộc tấn công của phe ly khai”. Chính quyền Tổng thống Poroshenko và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông thi nhau đổ lỗi cho nhau là bên khiêu khích, vi phạm thỏa thuận. “Đổ lỗi” cũng xuất hiện trong các cuộc chiến ngôn từ giữa Nga với Kiev và phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/8 bình luận, chính dân phòng Donbass là bên nêu ý tưởng và nghiêm chỉnh thực hiện việc rút vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến, trong khi Kiev đã không tuân thủ, lại còn cho tăng cường binh sĩ, hỏa lực mạnh tới khu vực này. Ông chủ Điện Kremlin cũng cho rằng, thỏa thuận Minsk là lựa chọn phù hợp duy nhất để giải quyết khủng hoảng, đưa đến nền hòa bình trong dài hạn. Đây là một thực tế không cần bàn cãi nếu các bên cho thấy rõ thiện chí.

Nhưng trên thực tế, dân thường Donbass hiện vẫn phải chịu những tổn thất, mất mát từ những đợt giao tranh. Ở chiều hướng ngược lại, Kiev cáo buộc Moskva tiếp tục hỗ trợ phe ly khai, nói rằng Nga tăng cường lực lượng, vũ khí dọc tuyến biên giới để gây sức ép với Ukraine.

Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 24 năm Ukraine độc lập với Liên Xô hôm 24/8, ông Poroshenko đã cáo buộc 50.000 lính Nga đang đóng quân dọc biên giới với Ukraine và khoảng 9.000 người khác đang bí mật hỗ trợ cho phe li khai miền đông, ngoài ra, nhiều đoàn xe quân sự đã bị phát hiện băng qua biên giới Nga vào tuần trước. Tổng thống Ukraine kêu gọi Nga nên “ngừng chơi đùa với các thỏa thuận”, nếu không điều này có thể dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ từ phía cộng đồng quốc tế.

Ngay sau những lời bình luận từ phía Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng đây là những lời “khiếm nhã”: “Những lời lẽ xúc phạm vô căn cứ từ Tổng thống Ukraine đã trở thành điều hết sức bình thường. Chắc chắn nó sẽ không thể thành công”. Ngoại trưởng Lavrov còn cho rằng, phía Ukraine đang âm mưu phá vỡ truyền thống duy trì sự thống nhất của đất nước Nga”. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh rằng, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp nên gia tăng sức ép lên Kiev, nhằm đảm bảo họ thực hiện nghiêm túc thỏa thuận Minsk và trao nhiều quyền tự chủ hơn cho khu vực Donbass.

Theo một bình luận trên báo Mittelbayerische Zeitung của Đức, Tổng thống Ukraine hiện đang thất bại trên cả hai mặt trận khi ông này không chỉ phải đối mặt với yêu cầu nghiêm khắc của đồng minh châu Âu về việc thực thi các thỏa thuận Minsk, mà còn bị chính những người dân của mình cáo buộc là bất lực, không thể kết thúc cuộc chiến tranh ở Donbass.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.