Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến mới ở miền Đông Ukraine

Thứ Năm, 20/08/2015, 08:12
Những cáo buộc lẫn nhau giữa chính quyền Kiev và lực lượng chống đối miền Đông đang có nguy cơ trở thành mồi lửa cho một làn sóng bạo lực mới tại miền Đông Ukraine. 

Trong khi đó, các vụ đụng độ gần cảng Mariupol tại khu vực Đông Nam cũng ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, trong bối cảnh Ukraine chuẩn bị kỉ niệm ngày Quốc khánh vào tuần tới.

Theo tin từ hãng AP, vào đầu tuần tới, lãnh đạo Pháp, Đức và Ukraine sẽ có một cuộc họp tại Thủ đô Berlin của Đức về tình hình Ukraine. Nhận định mà Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đưa ra là hiện này, làn sóng bạo lực đang ngày càng gia tăng và có nguy có bùng phát mạnh mẽ vào bất cứ lúc nào. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì kêu gọi khẩn cấp tổ chức họp Bộ tứ Normandie gồm Nga, Ukraine, Pháp, Đức và đại diện của tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Ông Frank-Walter Steinmeier  cho rằng, tình hình tại miền Đông Ukraine có thể “bùng nổ” bất cứ lúc nào.

Một ngôi nhà của người dân làng Sartanabị trúng đạn pháo của quân đội chính phủ Ukraine. Ảnh: EPA.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (LHQ) đã lên tiếng cảnh báo sau vụ việc nã pháo vào dân thường ở miền Đông Ukraine đêm 17/8 làm 12 người thiệt mạng.

Về phần mình, Nga cũng đưa ra cảnh báo rằng Kiev có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới tại miền Đông. Phát biểu trước báo giới hôm 18/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc rằng, chính quyền Ukraine đang làm leo thang bạo lực.

Ông Vladimir Putin nói: “Tôi lấy làm tiếc rằng, chúng tôi nhìn thấy sự leo thang xung đột vô cùng tồi tệ ở miền Đông. Đó không phải do lỗi của lực lượng dân quân vùng Donbass mà chính là do quân chính phủ Ukraine. Tôi hi vọng sẽ không xảy ra một cuộc chiến tranh trên quy mô toàn diện. Tôi cho rằng, hiện không có giải pháp nào có thể thay thế được thỏa thuận hòa bình Minsk để giải quyết tình hình. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp giảm tối đa những thiệt hại và chúng tôi sẽ đạt được hòa bình”. Đồng thời, người đứng đầu điện Kremlin cũng kêu gọi các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn Minsk.

Trên thực tế, những lo lắng của LHQ, EU và các nước Nga, Pháp, Đức không phải không có cơ sở. Hôm 17/8, Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) đã đề xuất lên phái bộ OSCE ba biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng ở miền Đông Ukraine gồm kiểm tra việc rút vũ khí hạng nặng cỡ lớn hơn 120mm, giám sát các vụ nã pháo trong đêm và thúc đẩy ký kết văn viện về rút vũ khí cỡ dưới 100mm. Nhưng ngay sau đó, lực lượng dân quân của DPR đã nã pháo vào lực lượng quân đội Ukraine để trả thù lại vụ nã pháo đêm hôm trước của quân đội Ukraine và trường học và một số điểm dân cư.

Ngay sau đó, Kiev đã đóng cửa một số tuyến đường đến hai khu vực có xung đột vũ trang là Donetsk và Lugansk nhằm đảm bảo an toàn cho người dân ở các khu vực lân cận. Đồng thời, quân đội Ukraine đã tập hợp tại đường giới tuyến ở Donbass ba đơn vị quân chủng ước tính hơn 430 xe tăng, 132 hệ thống pháo phản lực từng loạt và 830 đơn vị pháo đại bác và pháo cối. Nhiều binh lính cũng được tập trung tại các khu S, B và M cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép và các đơn vị pháo binh.

Hãng Itar-Tass thì dẫn nguồn tin từ Trung tâm thông tin Lugansk cho hay, có thông tin về cuộc tấn công vào Lugansk sắp tới của lực lượng quân đội Kiev. Nguồn tin này được cho là lấy từ Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine và đơn vị tấn công Lugansk là một đơn vị mới được thành lập với chiến dịch mang tên ATO gồm tác tiểu đoàn cơ giới 92 và 54, trong thành phần có 5.000 binh sỹ.

Theo nguồn tin, "nhiệm vụ chính trong chiến dịch tấn công là chiếm thành phố Lugansk". Một quan sát viên của OSCE cũng xác nhận rằng, họ đã thấy quân đội Ukraine di chuyển vũ khí và thiết bị quân sự tới các điểm dân cư Zolotoe và Schaschie và đường Bakhmutskaya, dọc giới tuyến hai bên.

Một điểm đáng lưu ý là hiện nay, quan hệ Nga và Ukraine lại trở nên căng thẳng sau chuyến thăm bán đảo Crimea của Tổng thống Nga. Trong một tuyên bố trên trang Facebook cá nhân, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko gọi chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga đến bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập hồi năm ngoái là "một thách thức" với Ukraine và "tiếp tục thổi bùng căng thẳng" tình hình ở miền Đông Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng đã gửi công hàm phản đối đến Bộ Ngoại giao Nga về vấn đề này. Đáp lại, Nga khẳng định đây là công việc nội bộ nước này và yêu cầu Kiev phải tiến hành đối thoại trực tiếp với đại diện các lực lượng chống đối ở miền Đông Ukraine.

Gia Nam
.
.
.